Người 'giữ lửa' làn điệu khắp

Với niềm đam mê và tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa dân tộc Thái, bao năm qua, bà Lò Thị Sản đã dành nhiều tâm huyết trong việc lưu giữ, bảo tồn làn điệu khắp nổi tiếng vùng đất Trí Nang, huyện Lang Chánh.

Với mong muốn những điệu khắp không bị mai một, lúc rảnh rỗi, bà Sản (người ngồi bên phải) lại dạy hát cho mọi người trong bản. Ảnh: Tăng Thúy

Hát là niềm vui

Một ngày cuối tháng 11-2019, chúng tôi ngược dòng sông Mã tìm đến bản Năng Cát, xã Trí Nang, nơi có những ngôi nhà sàn san sát. Đến đây hỏi về bà Lò Thị Sản ai cũng biết, bởi bà nổi tiếng là người hát dân ca Thái hay nhất trong vùng. Ở tuổi ngoài 60, bà Sản hằng ngày vẫn luyến láy những điệu khắp trong trẻo, ngân vang. Với bà, được hát là niềm vui, hạnh phúc.

Những câu chuyện kèm theo các bài khắp Thái cứ thế được kể, được hát đan xen trong niềm say mê, khiến ai nấy đều vui như được trực tiếp khám phá nét văn hóa độc đáo của người Thái. “Hát vào núi đá hóa thành vôi trắng/ Hát vào suối cạn, dâng thành sông Đà/ Hát cùng chài gấp nên tấm lụa/ Hát cùng rau non, lớn vụt thành sen/ Hát cùng chồng người bỏ vợ quên tình/ Hát cùng đầu bạc, xanh lại thời tuổi trẻ” (dân ca Thái).

Sinh ra và lớn lên tại xã Trí Nang, vùng đất nổi tiếng có những nét văn hóa đặc sắc của người Thái xứ Thanh, đặc biệt là những làn điệu dân ca. Tuổi thơ của bà Lò Thị Sản lớn lên cùng với tiếng khèn, tiếng pí, trong vòng xòe nồng say và làn điệu của những bài hát dân ca, hát ru, hát giao duyên, hát trong đám cưới hỏi... người Thái. Các bài hát cứ tự nhiên thấm vào tâm hồn bà lúc nào không hay. 13 - 14 tuổi, bà đã biết lắng nghe, ghi nhớ từng lời và hát theo điệu khắp của cha mẹ. Bà say mê học hát và có giọng hát rất trong, khỏe, cao vút và đầy chất tự sự làm lay động lòng người.

“Gia đình có truyền thống ca hát, lúc còn trẻ mẹ tôi cũng là người hát hay có tiếng trong vùng, được mẹ và những người lớn tuổi trong làng truyền dạy cho những điệu khắp nên tôi mê lắm, với tôi mỗi bài khắp chỉ cần học đôi ba lần là thuộc. 15 tuổi tôi theo đám thanh niên trong làng lên rừng nhặt củi, rồi bẻ măng, lúc đó điệu khắp lại được các cô gái bản ngân vang như để xua tan nỗi sợ hãi trong rừng sâu và cũng là để cầu xin thần núi bao bọc che chở” - bà Sản nhớ lại.

Ngoài học hát khắp Thái, bà Sản còn được nhiều người cao tuổi trong bản hướng dẫn những điệu múa dân gian, lời hát giao duyên và được dạy chữ Thái cổ. Bà thuộc lòng nhiều làn điệu dân ca Thái cổ, như: “Hăn nê”, “Nả lảu” (tức hát xướng đông người), “giao duyên”, hát ru, hát “xên” (tức hát cúng)... Các làn điệu dân ca Thái nói chung và điệu khắp nói riêng đều mang tính răn dạy con cháu làm điều hay, lẽ phải, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương, đất nước. Bà Lò Thị Sản cho biết: “Những làn điệu hát dân ca như cơm ăn, nước uống hằng ngày của tôi rồi. Từ nhỏ theo mẹ ra nương, thấy các bà, các mẹ hát khắp, tôi đã rất thích và đòi mẹ dạy cho. Lớn lên thì đi học hát theo các bác ở trong bản, trong làng. Cứ thế, nó đã đọng mãi trong trái tim của tôi”.

Cũng theo bà Sản, để hát được các làn điệu dân ca của người Thái phải có năng khiếu, không phải ai cũng dễ dàng học được. Ngoài việc biết tiếng Thái, người hát còn phải rèn các kỹ năng như cách lấy hơi, luyến láy, nhả chữ sao cho tròn vành, rõ chữ mỗi làn điệu. “Mỗi làn điệu lại có cách hát, nhịp, quy tắc khác nhau nên nếu không yêu “nó” thì “nó” không yêu mình, không hát được đâu” - bà Sản cười cho biết.

Ví dụ như khi hát Nhuôn, người hát phải hát với giọng trầm, ngân nhiều, phải lấy hơi, hát giọng cổ, không hát bằng giọng mũi. Trái lại với cách hát trầm như hát Nhuôn, người hát Lăm phải hát với nhịp điệu nhanh, đều, rộn ràng. Với hát Hắp lai, người hát lại phải biểu diễn theo lối diễn xướng kể chuyện. Hát ru lại cần hát với âm điệu nhẹ nhàng, ngân nga đầy tình cảm. Khi hát ru, người hát cần luyến láy, diễn tả tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Còn riêng với hát khắp, lúc mới nghe qua thì cách hát hơi giống với hát Nhuôn nhưng thực chất nó phải hát cao hơn, thanh giọng hơn một chút.

Đó mới chỉ là một số quy tắc về cách vào nhịp các làn điệu dân ca của người Thái. Bên cạnh việc nhớ cách hát cho đúng nhịp điệu, người học còn phải nhớ một số nội dung về quy tắc hát. Cụ thể, như: Với hát Hắp lai - làn điệu kể về các nhân vật anh hùng trong truyền thuyết của đồng bào người Thái, người hát cần tuân thủ tuyệt đối với cốt truyện, không được thêm, bớt điều gì. Một số tác phẩm tiêu biểu có thể liệt kê ra của thể loại hát Hắp lai, như: Khủn Chưởng, Khủn Tính, Âm phủ, Hưn Phả Bủn...

Trong khi với những điệu hát còn lại, người hát có thể tự do sáng tác, thêm thắt vào những câu hát cho phù hợp với từng hoàn cảnh. Ví dụ như hát khắp, theo tiếng thái có nghĩa là hát, hò, ngâm... Khắp có rất nhiều làn điệu và mỗi làn điệu dùng để thể hiện những tâm tư tình cảm khác nhau. Một lối khắp rất phổ biến mà ta thường hay gặp nhất đó là khắp ở lối hát thơ, tiếng Thái gọi là “Quám Khắp”. Đây là lối hát dùng thanh nhạc làm hình thức để biểu đạt nội dung thơ, có thể coi như thơ đã quy định giai điệu của hát. Tuy nhiên, không phải cứ có thơ rồi muốn hát như thế nào thì hát, mà phải theo một quy tắc nhất định. Cụ thể, như khi ngâm nga truyện thơ thì phải ngâm theo điệu “Khắp xư”, nhưng khi hát ở trong các tiệc cưới thì phải theo điệu “Khắp báo sao”. Đối với người Thái nói chung, một bài thơ hoặc một truyện thơ bao giờ cũng trở thành một bài hát. Người Thái gọi bài thơ tự sáng tác là “Khắp bắc”, nghĩa là tự nghĩ ra thơ để hát. Ngày xưa người Thái làm thơ được gọi là “Mo khắp bắc” tức là mo hát thơ, “Chang khắp bắc” là người khéo hát thơ, “Sáy khắp bắc” là thầy hát thơ.

Nỗ lực gìn giữ văn hóa Thái

Để làm phong phú hơn những lời ca tiếng hát và cũng là để răn dạy con cháu, bà Sản còn sáng tác nhiều làn điệu mới liên quan đến công việc của bà con nông dân như dựng nhà mới, đi đón dâu, bắc cây cầu mới... Được biết, hiện nay bà Sản là một trong số rất ít người còn giữ gìn và phát huy được những làn điệu khắp nguyên bản. Bằng việc nắm giữ giọng khắp trong trẻo, ngân vang, thuộc và hát hay nhiều làn điệu, bà Sản đã nhiều lần được đi giao lưu văn hóa, văn nghệ ở trong huyện, trong tỉnh.

Theo bà Sản, lâu nay, điệu hát, ca từ là thứ không thể thiếu trong văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Từ trong các lễ đón dâu, lễ hội, làm vía... cho đến khi lao động, tiếng hát đã giúp bà con giãi bày những tình cảm chất chứa, khó thể nói lên bằng lời. Thế nhưng, cũng từng có một thời gian, nhiều người trẻ ở bản không còn mặn mà với việc học, giữ lấy những làn điệu dân ca truyền thống. Điều này khiến những người già ở bản như bà rất buồn. Bà Sản tâm sự: “Bây giờ các cháu trẻ ít quan tâm đến văn hóa dân tộc mình. Cũng bởi các cháu ít được tiếp cận, ít được thấy. Điều này khiến tôi thấy mình phải thật cố gắng để giữ gìn và lưu truyền văn hóa dân tộc ra cộng đồng mình”.

Với mong muốn những điệu khắp không bị mai một, lúc rảnh rỗi, bà Sản lại dạy hát cho mọi người trong bản, bất kể ai muốn học, dù chỉ là 1 người bà cũng dạy. Bà hướng dẫn tỉ mỉ để người học thật thuộc phần lời rồi mới dạy cách lấy hơi, cách thể hiện tình cảm từng câu hát. Bà cũng phân tích những cái hay, cái đẹp của những điệu khắp quê hương mình để các cháu, các con có ý thức gìn giữ. Em Ngân Thị Chi, 15 tuổi, lớp 9, Trường THCS Trí Nang, chia sẻ: “Ban đầu học thấy khó lắm nhưng được bà dạy từng tí nên em cũng dần nắm bắt được. Trước đây thì ít bạn học thôi, bây giờ thì nhiều bạn đến học. Chúng em rất vui vì được học những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình”.

Được biết, bà Sản có tất cả 4 người con (2 trai, 2 gái), kể cả con dâu, con rể và các cháu nội, ngoại của bà đều biết hát và hát dân ca Thái rất hay. Họ đều là những hạt nhân tiêu biểu trong phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương.

Bà Lò Thị Sản mong muốn ngành văn hóa quan tâm và có sự hỗ trợ trong việc mở các lớp dạy hát, dạy múa truyền thống, để bản sắc dân tộc Thái được lưu giữ và tiếp tục phát huy trong đời sống ngày nay. Bà chia sẻ: “Thời gian qua, tôi đã truyền dạy cho khoảng 50 người và sẽ tiếp tục đem những kiến thức văn hóa dân tộc trao truyền cho thế hệ sau, đặc biệt là giới trẻ, bằng những cách gần gũi nhất. Đến khi nào tay run, chân không vững, không còn giọng hát, tôi mới thôi, để nét đẹp dân tộc Thái còn được gìn giữ mãi mãi”.

Với tất cả sự say mê, nỗ lực, ước nguyện gìn giữ và phát huy, bà Lò Thị Sản đã và đang góp phần làm tươi mới, sinh động loại hình nghệ thuật này.

Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nguoi-giu-lua-lan-dieu-khap/111413.htm