Người 'giữ lửa' gốm Hương Canh

Làng gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc) vang tiếng một thời, nhưng cũng có thời điểm đứng trước nguy cơ mai một do tác động của kinh tế thị trường. Khi nhiều người không thể bám trụ được với nghề thì nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang vẫn kiên trì thực hiện ước mơ phát triển làng gốm Hương Canh.

Quyết tâm “thắp lửa” làng gốm

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hương Canh - ngôi làng có truyền thống hơn 300 năm làm gốm, nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang có niềm say mê đặc biệt với nghề gốm.

Yêu thích gốm nhưng không muốn làm gốm theo cách thông thường, chàng trai trẻ Nguyễn Hồng Quang đã lựa chọn thi vào Khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội để được mở mang những kiến thức mới về gốm. Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Hồng Quang về quê hương để thực hiện ước mơ của mình. Với anh quyết định đi theo con đường này không chỉ là niềm yêu thích cá nhân mà còn là trách nhiệm với quê hương để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

 Một góc xưởng gốm của nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang.

Một góc xưởng gốm của nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang.

Tuy nhiên, việc vực dậy một làng gốm như xưa là công việc rất khó khăn. Bởi lẽ, những người già thì không còn đủ sức bám nghề, còn người trẻ thì ít đam mê. Vì vậy, Nguyễn Hồng Quang đã nghiên cứu và thực hiện làm các sản phẩm gốm với chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Bởi anh tin rằng, nếu mình thành công thì sẽ thuyết phục được mọi người tin và làm theo mình. Nguyễn Hồng Quang đã đầu tư lò nung bằng ga, một mặt giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, mặt khác giúp nâng cao năng suất do có thể nung nhiều sản phẩm cùng một lúc. Với công nghệ này, sự phân công lao động trong xưởng cũng có nhiều điểm khác biệt so với trước. Trước đây, cả làng chủ yếu sản xuất các sản phẩm gốm có kích cỡ to, còn hiện tại xưởng của Nguyễn Hồng Quang tập trung vào các mặt hàng gốm kích cỡ nhỏ và đòi hỏi mỗi người thợ đều thực hiện được tất cả các công đoạn làm ra sản phẩm.

Nâng tầm giá trị gốm Hương Canh

Sau nhiều năm nghiên cứu về thị trường cho gốm Hương Canh, Nguyễn Hồng Quang nhận thấy nếu vẫn đi theo con đường truyền thống của cha ông là làm các sản phẩm gốm đơn giản như chum, vại, tiểu... thì rất khó cạnh tranh được với thị trường. Còn hiện nay, các sản phẩm gốm nghệ thuật lại rất được ưa chuộng bởi nó mang giá trị văn hóa, thẩm mỹ và doanh thu cao hơn.

Trao đổi với chúng tôi, Nguyễn Hồng Quang chia sẻ: “Ở thời bố mẹ tôi, một cân đất làm gốm bán ra chỉ được 15.000 đồng, nhưng tôi không thể bán thế được. Vì nó là tài nguyên nên sẽ hạn chế, dùng mãi rồi cũng hết, nên mình phải có trách nhiệm biến nó thành các sản phẩm bán được hàng trăm thậm chí hàng triệu đồng...”.

Nghệ nhân Hồng Quang say sưa bên những sản phẩm gốm.

Các sản phẩm gốm trong xưởng của nghệ nhân Quang chủ yếu là sản phẩm được làm thủ công. Trung bình một ngày một người thợ làm được từ 5 đến 6 sản phẩm gốm, tuy số lượng ít nhưng chất lượng sản phẩm tốt hơn so với làm bằng máy.

Với những người đến tham quan và tìm hiểu về gốm, anh Quang luôn tỏ ra rất tự hào về sản phẩm gốm của quê hương mình. Khác với gốm làm ở những nơi khác, thành phần chính của gốm Hương Canh đó là đất sét xanh lấy từ những khu đồng chiêm trũng bên dòng chảy sông Hồng. Loại đất này có ưu điểm là dẻo, mịn nên sản phẩm cho ra trông giống như đã được tráng men. Còn nếu dùng đất sét nâu thì gốm sẽ xanh và cứng, khi gõ phát ra tiếng vang và ngân.

Từ những cục đất sét vô tri, vô giác, qua đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang đã biến thành những sản phẩm nghệ thuật mang giá thẩm mỹ và kinh tế cao. Hiện tại, mỗi sản phẩm gốm của xưởng anh Quang có giá trung bình từ 300.000 đến 500.000 đồng. Còn các sản phẩm gốm được khách nước ngoài đặt trước thì có giá trị lên đến vài triệu đồng.

Nhận định về tiềm năng của gốm Hương Canh trên thị trường, anh Quang chia sẻ: “Trên thị trường, giá của gốm Hương Canh đắt hơn so với các sản phẩm gốm khác, nhưng những người yêu thích gốm sẽ hiểu mức giá đó phù hợp với công sức người nghệ nhân gửi gắm vào một sản phẩm có giá trị về thẩm mỹ, chất lượng”.

Hiện tại gốm Hương Canh đã xây dựng được thương hiệu ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và đã có mặt ở một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc… Những thành công bước đầu của anh Quang không chỉ khẳng định con đường anh lựa chọn là đúng đắn, đó còn là tín hiệu vui trong hành trình bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống...

Bài và ảnh: LƯU PHƯƠNG ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nguoi-giu-lua-gom-huong-canh-569011