Người giữ lửa cho nghệ thuật truyền thống

Dù cuộc sống nhiều khó khăn, dù các loại hình nghệ thuật truyền thống bị lấn át bởi các phương tiện giải trí khác, thì vẫn còn những con người đầy tâm huyết, khôi phục, bảo tồn.

Câu chuyện của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền là một điển hình. Đặc biệt anh đã dành hẳn hai năm điền dã "ăn ngủ" với ca trù để phục dựng lại trình thức hát cửa đình, gốc của ca trù. Bùi Trọng Hiền kể rằng, tại Liên hoan ca trù 2014, tôi ngồi chấm thi cùng kép đàn Nguyễn Phú Ðẹ. Cụ Đẹ cứ thắc mắc, sao chỗ này lại đàn cung bắc, chỗ này phải lên cung nam... Anh Hiền hiểu rằng chỉ còn ông là người cuối cùng có thể trả lời được.

Nghệ thuật truyền thống là kho tàng văn hóa vô giá

Anh đã về Hải Phòng – quê cụ Ðẹ để tìm hiểu. Đầu năm 2016, khi anh vừa kết thúc những nghiên cứu cơ bản cuối cùng thì cụ bị tai biến, phải dừng công việc cho đến cuối năm. Lúc đó Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia vào cuộc, lãnh đạo viện muốn anh thực hiện một dự án bảo tồn chứ không chỉ dừng lại ở nghiên cứu.

Ðến đầu 2017, anh triển khai dự án “Bảo tồn và phát huy di sản Ca trù tại thành phố Hà Nội”, phương pháp của anh là dùng những lý thuyết mình nghiên cứu hai năm vừa rồi để giảng dạy, đưa vào thực tiễn thử nghiệm. Những buổi học diễn ra trong căn phòng làm nghề nho nhỏ ở nhà anh, nép sau khu khuôn viên đình Cống Vị, phố Đội Cấn.

Anh cũng dành nhiều tâm sức để ký âm, phân tích, nghiên cứu âm luật, các khổ đàn, khổ phách, sơ đồ hóa, tìm lại được những thể cách tưởng đã thất truyền, phát hiện thêm những thể cách chưa được nhắc đến. Để anh và những người học vỡ nhẽ ra nhiều điều.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền làm tôi nhớ đến một nhân vật nữa, đó là nhạc sĩ Thao Giang - hiện là Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Ngồi nói chuyện với nhạc sĩ Thao Giang trong khuôn viên của đình Hào Nam, nơi mà ông nói mình mượn được của nhân dân, do nhân dân cưu mang, cho mượn để hoạt động. Thế nhưng ông vẫn cười, vẫn tiếp khách, vẫn đi các tỉnh sưu tầm nghiên cứu, giảng dạy học sinh và được các em tin tưởng.

Ngay từ những ngày nảy sinh ý nghĩ táo bạo, nhạc sĩ Thao Giang đã nhờ báo Thanh Niên đăng tin, tuyển người học miễn phí những dòng âm nhạc truyền thống. Ban đầu, Thao Giang rất lo sợ chẳng có ai đến học dù dạy miễn phí. Nhưng điều bất ngờ đã xảy đến là có tới hơn 100 em đến đăng ký học và chủ yếu là thanh niên. Thao Giang nghĩ rằng, hóa ra lớp trẻ không quay lại với âm nhạc truyền thống. Lớp trẻ vẫn yêu thích, chỉ có điều là người ta chưa “bắt mạch” được thôi.

Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam được thành lập từ năm 2005. Đến giờ đã đi được chặng đường hơn 12 năm, theo nhạc sĩ Thao Giang là các ông đã làm đúng, đi đúng hướng. Trung tâm luôn xoay quanh ba nhiệm vụ chính là: sưu tầm, nghiên cứu, chọn lọc giới thiệu; dàn dựng nghệ thuật biểu diễn; đào tạo và truyền dạy.

Thao Giang sẵn sàng tuyên chiến với những khó khăn. Trước hết, ông đã tuyên chiến với sự rối loạn của các trào lưu âm nhạc. Nhà nước mở ra nhiều cuộc thi để phát hiện những tài năng thực sự, lấn át những trào lưu kém lành mạnh. Nào là Sao mai điểm hẹn, Ngôi sao tiếng hát truyền hình… Nhưng chẳng lại được các trào lưu “sản xuất” âm nhạc của các nhạc sĩ, nghệ sĩ xuống cấp. Thao Giang quyết quay lại với âm nhạc truyền thống và mở những lớp học, đào tạo thế hệ kế cận.

Những tấm gương dành nhiều tâm huyết, mở lớp, khôi phục nghệ thuật truyền thống không hiếm. Họ luôn tin rằng, mỗi bộ môn đều cần “giữ lửa” bởi những giá trị không thể nào phủ nhận. Nhà nước, các cơ quan chức năng cần có cơ chế khuyến khích những người thầy, những nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nghệ sĩ giàu tâm huyết như thế, để họ vững tâm làm việc và cảm thấy mình không cô độc.

Hoàng Anh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nguoi-giu-lua-cho-nghe-thuat-truyen-thong-70168.html