Người giữ lửa câu hát Xoan

Đến xã Kim Đức, TP Việt Trì, hỏi bà Lê Thị Huệ- nghệ nhân hát Xoan, không ai là không biết, bà là nghệ nhân ưu tú phường xoan Phù Đức, một trong 4 phường xoan gốc của tỉnh Phú Thọ. Với tình yêu và trách nhiệm, bà đã không quản khó khăn, vất vả, đi tới từng nhà để vận động bà con tham gia tập luyện. Con đường quê đã in dấu bước chân bà.

Nghệ nhân Lê Thị Huệ sinh ra và lớn lên ở xã Kim Đức, nơi có phường xoan Phù Đức - một trong 4 phường xoan gốc của tỉnh Phú Thọ, nên ngay từ nhỏ, bà đã được đi xem các cụ biểu diễn hát Xoan, tình yêu và niềm đam mê hát Xoan của bà Huệ ngày càng được nuôi dưỡng, phát triển. Có lẽ bởi vậy mà "chất Xoan" đã ngấm vào người nghệ nhân ấy tự bao giờ cũng không hay.

 Bà Lê Thị Huệ xem lại những bức ảnh kỷ niệm của các nghệ nhân đi hát Xoan tại miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức, TP Việt Trì).

Bà Lê Thị Huệ xem lại những bức ảnh kỷ niệm của các nghệ nhân đi hát Xoan tại miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức, TP Việt Trì).

Từ năm 13, 14 tuổi, bà Huệ đã có thể hát, múa một số làn điệu Xoan cổ. Đối với bà, bộ môn nghệ thuật này là một phần cuộc sống không thể tách rời. Từ tình yêu mãnh liệt ấy, bà mong muốn được truyền dạy cho thật nhiều người, có tận mắt được nhìn bà hát, bà múa mới cảm nhận hết được ngọn lửa hát Xoan cháy trong người phụ nữ này.

Nhớ lại những ngày đầu đến với hát Xoan, bà không khỏi xúc động: Ngày xưa chỉ có chiếc đèn dầu, không có ánh sáng như bây giờ, chữ nghĩa cũng không biết, cũng chẳng có sách vở gì, nên rất khó khăn cho việc ghi chép các câu Xoan; không những vậy, để nắm bắt được các động tác múa cũng là một sự khó khăn. "Cái khó là ở chỗ, hát Xoan vốn là một nghệ thuật cổ có âm điệu không giống với bất cứ làn điệu dân ca nào, ca từ đa số theo văn Hán Nôm, động tác tay và chân phải kết hợp nhịp nhàng với lời hát, nếu không thật sự yêu thích, say mê và chăm chỉ luyện tập thì sẽ rất khó để học được", bà Huệ chia sẻ.

Bà Lê Thị Huệ cùng các nghệ nhân hát Xoan xã Kim Đức truyền dạy hát Xoan cho em Nguyễn Mạnh Hà.

Dù năm nay đã 80 tuổi, song hằng tuần, bà Lê Thị Huệ vẫn tham gia tư vấn và truyền dạy hát Xoan. Hơn sáu mươi năm "đắm đuối" với Xoan, đến nay, dù tuổi cao song bà vẫn hát rõ lời, tay múa, chân đưa thuần thục các điệu Xoan.

Với những người dân quê quanh năm lam lũ, không phải ai cũng hiểu hết giá trị của hát Xoan – di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thế nhưng khi được bà Huệ trò chuyện, động viên, họ dần dần yêu, đam mê hát Xoan.

Hễ có thời gian rảnh, các bà, các cô lại tụ họp cùng nhau tập luyện, những câu hát vang lên, xua đi mọi khoảng cách tuổi tác, xóa bỏ tất cả nhọc nhằn của cuộc sống hằng ngày, bà Huệ đã truyền tình yêu hát Xoan của mình một cách tự nhiên như vậy.

Bà Nguyễn Thị Thơm, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cho biết, mới đầu chúng tôi đi học gặp rất nhiều khó khăn, làn điệu của Xoan cổ hát rất khó, nhiều khi cũng cảm thấy cũng nản, thế nhưng khi được sự nhiệt tình dạy bảo của bà Huệ, chúng tôi cũng dần dần hiểu và nắm bắt được, từ đó mà thêm yêu Xoan hơn.

Bà Lê Thị Huệ (bên trái) tập luyện hát Xoan.

Sau những giờ tập luyện, bà Huệ lại cần mẫn xem lại những tài liệu để chuẩn bị cho buổi sau, đến với hát Xoan là cơ duyên nhưng bà Huệ đã sống với làn điệu này bằng cả trái tim và nhiệt huyết. Bà đã tự tay ghi chép cẩn thận từng câu hát mà các nghệ nhân truyền lại vào một cuốn sổ tay để làm tài liệu giảng dạy cho các thành viên trong phường. Có những lúc khó khăn dồn dập, có những khi mỏi mệt nản chí, nhưng rồi nhờ sự động viên của gia đình, nhất là người chồng, đã giúp cho bà có thêm động lực và niềm tin để hoàn thành tốt công việc và cháy với đam mê của mình.

Bên cạnh việc truyền dạy cho các nghệ nhân kế cận, bà Huệ đặc biệt quan tâm đến lớp trẻ - những mầm non tương lai của hát Xoan, bởi vậy, đều đặn thứ 7 hằng tuần, bà Huệ đều dạy Xoan cho các em nhỏ có niềm yêu thích với câu hát quê hương. Vì lịch học dày, nên các em chỉ có thể tranh thủ vào tập luyện cuối tuần, có lẽ chính vì thời gian ít ỏi, nên em nào cũng cố gắng tập trung để học được thật nhiều bài Xoan. Ban đầu, các em chỉ là đi theo ông bà đến tập, phần lớn không mấy thiết tha với những làn điệu hát Xoan cổ, nhưng sau một thời gian được bà Huệ nhiệt tình chỉ bảo, các em thích thú và chủ động học hỏi, gia đình cũng rất ủng hộ. Bà cẩn thận chỉnh sửa từng câu hát, uốn nắn từng điệu múa bằng một tình yêu cháy bỏng và nhiệt thành. Dù là tập luyện, nhưng các em cũng được diện trang phục Xoan như các đào, các kép thực thụ, các em ai ai cũng hứng khởi.

Em Nguyễn Mạnh Hà (20 tuổi, xã Kim Đức, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, vì không có nhiều thời gian nên em chỉ học hát Xoan được ngày cuối tuần. Nhiều người bảo hát Xoan học rất khó vì nhiều ca từ cổ, nhưng khi được bà Huệ chỉ dẫn tận tình truyền dạy nên em cảm thấy rất dễ học.

Nói về niềm đam mê đến với hát Xoan của các em nhỏ, bà Huệ lý giải: Hát Xoan vốn là nghi lễ hát thờ cúng, bày tỏ lòng biết ơn của người dân với các vị Vua Hùng. Người hát Xoan phải luôn đặt mình trong tâm thế trang trọng, nghiêm túc, bởi thế, nhiều gia đình hiện nay luôn hướng con trẻ học hát Xoan, một phần để giữ gìn di sản của ông cha, nhưng phần khác, mong con cái học những điều hay, rèn những đức tính tốt đẹp. Tôi và các nghệ nhân cao tuổi rất phấn khởi vì lứa tuổi thanh niên, học sinh đã tích cực tham gia học và biểu diễn hát Xoan. Giờ chúng tôi không còn phải lo lắng làn điệu Xoan bị mai một mà bảo nhau cố gắng truyền dạy để tiếp lửa cho thế hệ sau này trong việc bảo tồn, phát triển di sản nhân loại.

Làn điệu hát Xoan đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Để làm được điều này, một phần lớn là nhờ có những người nghệ nhân trân trọng, nỗ lực bảo vệ và giữ gìn như bà Lê Thị Huệ. Bà chính là người giữ ngọn lửa tình yêu hát Xoan luôn rực cháy để câu hát trường tồn mãi mãi với thời gian.

Bài, ảnh: DIỆU THÚY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nguoi-giu-lua-cau-hat-xoan-574212