Người giữ hồn văn hóa dân tộc Khmer

Với đôi bàn tay tinh tế và lòng đam mê hiếm có, Nghệ nhân Ưu tú Lâm Phên (Lâm Phene) ở ấp Ba Se, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đã dành trọn cả đời mình cho công việc chế tác mão, mặt nạ, đạo cụ, nhạc cụ dân tộc Khmer. Ông là một trong số ít nghệ nhân gắn bó với loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Phên hoàn chỉnh những chiếc mão mũ và mặt nạ. Ảnh: Phương nghi

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Phên hoàn chỉnh những chiếc mão mũ và mặt nạ. Ảnh: Phương nghi

Năm 1970, khi mới 13 tuổi, Lâm Phên đã là thợ lành nghề trong việc xây dựng chùa, nhà cho người dân tộc Khmer, nhờ theo học nghề xây dựng giúp việc cho cha mình (ông Lâm Phon) - một thợ xây dựng nổi tiếng ở tỉnh Trà Vinh trước đây. Năm 1979, Lâm Phên lên đường nhập ngũ và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Thời gian trong quân đội, khi rảnh rỗi, anh lính trẻ thường đến những nơi người dân Campuchia làm nghề tạo mẫu các sản phẩm văn hóa dân tộc Khmer ở gần đơn vị đóng quân để học nghề.

Sau 3 năm trong quân ngũ, Lâm Phên có thêm nghề tạo mẫu các sản phẩm văn hóa dân tộc Khmer. Xuất ngũ, Lâm Phên trở về nhà làm nghề xây dựng để lo cho gia đình. Đến năm 1990, có người biết đến tay nghề của anh nên đến nhờ, Lâm Phên bắt đầu làm thêm nghề chế tạo, phục chế lại các hiện vật văn hóa gắn với phong tục tập quán của người dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh.

Tại Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh hiện nay có hàng chục hiện vật như mô hình nhà chánh điện của chùa Khmer, nhà sàn, nhà tha la, nhà ông tà, các hiện vật nông ngư cụ, các loại nhạc dân tộc, các loại mão mũ, đồ nghệ thuật Khmer... do nghệ nhân Lâm Phên chế tạo hoặc phục chế. Tay nghề cao lại có kinh nghiệm và kiến thức văn hóa nên những tác phẩm ông làm ra hoặc phục chế giống với nguyên mẫu. Nghệ nhân Lâm Phên còn được các đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh), đoàn nghệ thuật Khmer Triều An (huyện Trà Cú, Trà Vinh), đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng, Kiên Giang... đến đặt hàng từ làm các mão mũ đến các loại đờn (đờn cò, đờn gáo, đờn khum, đờn tà khê, trống tay, dàn nhạc ngũ âm)... để biểu diễn.

Chia sẻ về nghề, nghệ nhân Lâm Phên cho biết: Trước đây, phải mất khoảng một tuần cho các công đoạn chế tác một tác phẩm thì nay rút ngắn chỉ trong 2-3 ngày, nếu như trời đủ nắng để có thể vừa dán, vừa phơi, vừa vẽ. Việc chế tác mũ mão, mặt nạ đã đơn giản hơn vì người nghệ nhân tìm được các nguyên vật liệu thay thế. Cụ thể trước đây, thường dùng vải hoặc dùng giấy báo và sử dụng mủ trái hồng rừng để dán thì nay chuyển sang tận dụng giấy vé số, nhờ đặc tính ít thấm nước, độ bền cao hơn và dùng bột nếp để có độ kết dính.

Bên cạnh đó, khuôn đất sét làm mặt nạ cũng được thay bằng khuôn xi măng có thể sử dụng được nhiều lần. Để hoàn thành chiếc mặt nạ, người nghệ nhân sẽ dùng bột nếp dán khoảng 12 lớp giấy vé số cho thật dày và cứng trên chiếc khuôn đúc sẵn, sau đó sơn một lớp sơn dầu để chống thấm, chống mối mọt, rồi thêm một lớp sơn màu để có độ dày và trơn bóng để vẽ hoa văn và các chi tiết.

Theo nghệ nhân Lâm Phên, khó nhất trong việc chế tác là tạo hồn cho gương mặt nhân vật, đòi hỏi nghệ nhân phải hiểu tính cách của nhân vật như thế nào mới thể hiện được. Chẳng hạn, nhân vật chằn, khỉ Hanuman, nàng Xê Đa, tướng quân, công chúa, mặt hề..., nghệ nhân phải tuân thủ theo những quy chuẩn tạo dáng, màu sắc và hoa văn đặc trưng. Do đó, trước hết, nghệ nhân phải có sự am hiểu sâu sắc về văn hóa Khmer, có như vậy mới tạo ra được những sản phẩm đúng chuẩn, thể hiện thần sắc của nhân vật. Tác phẩm được chế tác hoàn toàn bằng thủ công nên mọi chi tiết cần phải hết sức cẩn thận và tỉ mỉ.

Ngoài chế tác mão và mặt nạ, nghệ nhân Lâm Phên còn am hiểu về âm nhạc nghi lễ dân gian truyền thống và làm được nhiều loại nhạc cụ cổ truyền Khmer, nhiều nhất là các loại trống và đờn.

Ông đã chế tác thành công dàn nhạc ngũ âm gồm: Trống lớn, trống sam phô, rônet thun, rônet ek, rônet dek, cồng lớn, cồng nhỏ, sa lai lớn, sa lai nhỏ, chập chọe. Để có chất liệu đúng chuẩn, nghệ nhân Lâm Phen phải dày công lùng tìm nguyên liệu để chế tác. Chẳng hạn như làm những bộ cồng phải có hỗn hợp từ đồng, bạch kim, chì kiêu, đích thân nghệ nhân Lâm Phên chọn mua từ Campuchia... Có thể nói, với chất liệu đúng chuẩn, dàn nhạc ngũ âm chơi trong không gian yên tĩnh, âm thanh có thể xa trên 1km, trống của dàn nhạc có thể vang xa đến 4-5km. Đến nay, nghệ nhân Lâm Phên đã làm được 11 dàn nhạc ngũ âm giao cho các khách hàng.

Bên cạnh đó, nghệ nhân Lâm Phên đã tổ chức các lớp dạy nghề chế tác cho những người có năng khiếu và đam mê loại hình nghệ thuật này. Những người con của nghệ nhân Lâm Phên cũng đang thuần thục dần nghề truyền thống được truyền dạy từ cha.

Qua việc truyền nghề cho thế hệ trẻ, nghệ nhân Lâm Phên đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc người Khmer. Những tác phẩm của ông đã phục vụ đắc lực cho sinh hoạt văn hóa nghệ thuật trong đời sống tinh thần của người Khmer hiện nay.

Phương Nghi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-giu-hon-van-hoa-dan-toc-khmer/