Người giữ hồn tranh Hàng Trống

Giữa nhịp sống hiện đại, có một người đàn ông thất thập cổ lai hy vẫn cần mẫn sáng tác những bức tranh Hàng Trống với vẻ đẹp và sức hút lạ kỳ.

Ông là Lê Đình Nghiên - nghệ nhân của dòng tranh từng làm nên những nét họa riêng của đất kinh kỳ.

Tranh Hàng Trống được in bằng ván khắc gỗ in lên giấy dó. Khi có bản in hoàn chỉnh thì người vẽ tranh dùng bút lông chấm màu để tô lên từng mảng màu đậm nhạt, tùy theo nội dung, đường nét và các loại tranh. Mỗi bức tranh bộc lộ đầy đủ tài năng của những nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống.

Sức sống mãnh liệt…

Căn phòng nhỏ của ông nằm ở phố Cửa Đông giờ này tràn ngập nét đẹp tươi vui của ngày Tết. Tranh được treo ở khắp nơi để chờ khách hàng tới rước về, nào là “Cá chép trông Trăng”, “Tố nữ”, “Chuột vinh quy”...

Tranh Hàng Trống

Tranh Hàng Trống

Công việc vẽ và phục chế tranh dân gian của ông bận rộn quanh năm, chứ không chỉ vào dịp Tết như các cụ ngày xưa. Xã hội càng phát triển thì càng xuất hiện nhiều dòng tranh khác nhau, nhiều cách chơi khác nhau và tranh ngoại cũng tràn ngập, thế nhưng với những nét vẽ mộc mạc, gần gũi với người Việt tranh Hàng Trống vẫn tồn tại vững bền.

Thực tế, tranh dân gian trang trí rất dễ, bởi nó mang tính chúc tụng, may mắn, không chỉ là nét vẽ mà ngay màu sắc cũng nói lên điều đó và hình ảnh gần gũi với đời thường thể hiện những ước muốn riêng của mỗi người. Đó là mong muốn no đủ, mạnh khỏe, trường thọ, hạnh phúc đến với gia đình mình trong năm mới.

Bộ tranh “Cá chép trông Trăng” (Lý ngư vọng nguyệt) là một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống. Tranh “Cá chép trông Trăng” đã đạt đến độ cao về mỹ thuật, sâu sắc, thâm thúy về ý nghĩa, đầm ấm gần gũi, tranh thể hiện ước nguyện cầu ấm no hạnh phúc trong năm. Hay bộ tranh 4 tố nữ đánh đàn thổi sáo mang ẩn ý ước nguyện có tiếng vui trong nhà, màu sắc tươi vui của ngày Tết. Tranh Công Táo, tranh Tứ Quý… mang ẩn ý vững chắc, cũng được nhiều người chuộng treo trong ngày Tết.

Nghệ nhân chia sẻ, điều đáng mừng là bây giờ người trẻ họ chơi tranh đòi hỏi cao hơn nên bản thân ông mỗi ngày cũng mày mò nâng cao kỹ thuật làm tranh để tạo ra được một tác phẩm tranh dân gian Hàng Trống thực sự, chứ không làm kiểu ào ạt như trước.

Có những bức ông vẽ chỉ vài ngày, nhưng có bức phải vẽ cả tháng trời. Vì thế, tranh của ông giá cũng không hề “bình dân”, mà dao động từ 500 nghìn đến cả chục triệu đồng. Nhiều khách nước ngoài hoặc đại diện các bảo tàng nước ngoài tìm hiểu mê những dòng tranh dân gian Việt Nam nên tìm đến ông để đặt mua tranh mang về nước trưng bày.

Hơn 50 năm cầm bút có những câu chuyện khiến ông xúc động là, có những người trẻ mang những bức tranh của gia đình treo từ vài chục năm, thậm chí là cả 100 năm đã cũ mờ, rách nát đến nhờ ông phục chế lại. Hay có người thì đi tìm mua lại những bức tranh cũ mà trước đây ông bà, bố mẹ đã từng treo. Và không ít lần, ông đã tìm lại chính những bức tranh do cha ông đã vẽ từ thế kỷ trước. Điều đó cho thấy, họ đã rất trân trọng mong muốn lưu giữ lại hình ảnh đẹp Tết xưa trong ký ức thời ấu thơ của mình.

Giữ nghiệp ông cha

Có thể khẳng định, tranh Hàng Trống cũng góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển nghề làm tranh dân gian, làm cho nghề trở nên phồn thịnh một thời.

Có lẽ câu thơ: “Dù ai buôn bán trăm nghề / Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh...” đã cho thấy điều đó. Thế nhưng, ngày đó Hà Nội cũng chỉ có vài gia đình vẽ dòng tranh này vì có lẽ nhiều người không chịu nổi sự khổ cực, công phu của nó.

Sau một thời gian mai một, hiện nay dòng tranh Hàng Trống giờ tuy không còn nhộn nhịp, rộn ràng như xưa, nhưng vẫn ưu ái để lại một “hoa tay” dường như duy nhất trên đất Thủ đô. Ông thuộc thế hệ thứ ba của một gia đình vốn có truyền thống nghề tranh ở làng Bình Vọng, Thường Tín (Hà Tây) nhưng đã lập nghiệp ở phố Hàng Trống (Hà Nội).

Cụ Lê Xuân Quế, ông nội nghệ nhân Lê Đình Nghiên, khi xưa đã làm nghề tranh. Còn bố của nghệ nhân này là cụ Lê Đình Liệu tiếp nối. Đến ông Nghiên, cả nhà có 7 anh chị em nhưng chỉ duy nhất một mình ông theo được nghề tranh gia truyền.

Theo ông kể lại: Từ khi còn là cậu bé 10 tuổi, hằng ngày ông đã được cha dạy cách cầm bút lông vẽ, nhưng đến khi trưởng thành vì lo toan mưu sinh cuộc sống nên đã không còn sự tiếp nối nghề của cha. Đến khi bố ông yếu, cụ có tâm nguyện ông sẽ là người nối nghiệp giữ nghề tranh truyền thống.

Năm 1972, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mời ông tới làm việc, với một quyết định biên chế chính thức và với một yêu cầu cụ thể duy nhất: phục chế tranh Hàng Trống đang lưu trữ tại Bảo tàng. Bí quyết để tranh của ông vẫn còn chỗ đứng đó là: giữ màu truyền thống, màu đậm nhạt của hàng trăm bức tranh.

Ông ghi nhớ rõ mà không cần nhìn mẫu, vì thế, tranh ông vẽ đẹp đẽ, nuột nà, sạch sẽ hơn loại tranh hàng chợ chỉ chơi một năm như các cụ xưa. Do cách tô màu bằng tay (vờn màu bằng tay, nét cản) nên mỗi tờ tranh đều thể hiện nét sáng tạo riêng. Công đoạn bồi tranh là một khâu quan trọng định sự thành công, và tồn tại lâu bền của tác phẩm.

Do được làm bằng chất liệu giấy dó của Việt Nam có màu sắc vàng ấm áp và càng để lâu tranh lại càng mang vẻ cổ kính. “Trước đây tôi luôn trăn trở, ai sẽ là người giữ nghề cha ông - bởi nghề này cha truyền con nối, mỗi ngày phải bồi đắp qua từng nét vẽ nên người ngoài rất khó theo được. May mắn là con trai tôi đã kế nghiệp và đảm nhiệm việc lưu giữ dòng tranh dân gian Hàng Trống ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” - ông nói.

“Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” là 4 thú chơi tao nhã của người Việt xưa. Và cho đến nay, chơi tranh dân gian vẫn là thú chơi mang đậm nét văn hóa Việt trong mỗi dịp tết đến xuân về.../.

Thu Hằng/Báo VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/nguoi-giu-hon-tranh-hang-trong-473721.vov