Người giữ hồn rừng núi Cơ tu

Hơn 56 tuổi, nhiều năm qua ông là 'già làng' thường dẫn đầu các đoàn nghệ nhân Cơ tu trong mỗi lần lễn hội ở khắp nơi, ông thổi hồn cho tượng gỗ, nhặt nhạnh những gì còn lại cho văn hóa Cơ tu và mang đến với mọi người.

Nghệ nhân A Lăng Đợi đóng vai vị già làng trong những đợt giao lưu, giới thiệu văn hóa Cơ Tu tại nhiều nơi.

Nghệ nhân A Lăng Đợi đóng vai vị già làng trong những đợt giao lưu, giới thiệu văn hóa Cơ Tu tại nhiều nơi.

A Lăng Đợi sinh năm 1964 tại làng Gừng (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, Quảng Nam). Hơn 10 năm nay, ông được địa phương lựa chọn đóng vai vị già làng trong những đợt giao lưu, giới thiệu văn hóa Cơ Tu tại nhiều nơi như Hội An, Đà Nẵng, Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội…

A Lăng Đợi lâu nay trở thành người mẫu của rừng, bởi nhiều người chỉ biết ông qua những bức hình được tạo hình của một thầy cúng, đóng khố, mặc áo thổ cẩm tua rua, đầu đội mũ lông chim sặc sỡ, cổ đeo nhiều vòng mã não, nanh heo rừng, tay cầm quạt cánh chim, thổi tù và và khuôn mặt cười tươi rói cùng mái tóc xoăn đen nhánh rủ dài hai bên vai, đôi mắt to và sâu hun hút như cánh rừng pơ-mu thượng ngàn. Trong những đoàn biểu diễn văn hóa Cơ tu, A Lăng Đợi luôn là người đi đầu đoàn múa cồng chiêng, đẹp tựa một vị thần của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.

Nghệ nhân A Lăng Đợi luôn đau đáu với nỗi niềm gìn giữ văn hóa Cơ tu của mình.

Và ít ai biết rằng, còn một nghệ nhân tạc tượng gỗ mang tên A Lăng Đợi. Với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết, A Lăng Đợi đã tạo nên vô số những bức tượng bằng gỗ mang hình ảnh giản dị của cuộc sống thường ngày như phụ nữ địu con, người đàn ông trầm tư,…Tuy chỉ là những hình ảnh đời thường, song lại được ông khắc họa một cách hết sức sống động trên những thân gỗ.

A Lăng Đợi bảo để thổi hồn vào những bức tượng gỗ, các nghệ nhân thường là những người lớn tuổi, hiểu thấu văn hóa dân tộc, với nhiều năm kinh nghiệm sống. Họ tạc nên những bức tượng có hồn, sinh động và gần gũi với đời sống sinh hoạt của bà con dân làng. Chỉ sử dụng đục, rìu, rựa, dao, nhưng những bức tượng luôn ẩn chứa tình cảm người tạc để khi nhìn vào tượng, du khách như thấy được đời sống hằng ngày của những con người ở dãy núi Trường Sơn.

Nghệ nhân A Lăng giới thiệu văn hóa Cơ tu với du khách nước ngoài.

Mỗi bức tượng tạc được đều thể hiện tinh hoa, trí lực của ông nên đường nét rất sắc sảo, tinh tế. Cũng tùy theo thời gian và cảm hứng sáng tạo mà mỗi tác phẩm của ông có một giá trị nghệ thuật riêng. Những thân gỗ vô tri qua bàn tay và tâm hồn của những người nghệ nhân như A Lăng Đợi thành những người phụ nữ giã gạo, dệt vải, là cánh đàn ông vào rừng săn bắn, đi rẫy, là không khí lễ hội rộn ràng của buôn làng cùng những khuôn mặt tươi vui khi biểu diễn nhạc cụ, nhảy múa, uống rượu cần...; là người đàn ông đàn bà đang yêu, là người mẹ bồng con chờ chồng đi chiến trận...

Căn nhà Alăng Đợi đã và đang hình thành một bảo tàng thu nhỏ về văn hóa của người Cơ Tu. Và lớp trẻ sau này, mỗi lần ngồi với Alăng Đợi, là lại được nghe những câu chuyện về Cơ tu như tiếng ru trầm hùng của rừng núi thâm sâu bên mái nhà Gươl huyền thoại. Như kiến trúc nhà Gươl làng Gừng, một công trình Gươl được xem lớn bậc nhất của đồng bào Cơ tu ở Trường Sơn có phần đóng góp rất lớn của A Lăng Đợi cùng nhiều già làng, thanh niên khác trong làng.

Nghệ nhân A Lăng Đợi.

Khi được mời xuống khu du lịch Suối Hoa, để mang theo văn hóa Cơ tu phục vụ khách du lịch. Người nam tìm đến ông để học đẽo tượng, người nữ tìm đến vợ ông để học đan lát, thêu thùa. Thời gian qua, ông đã truyền đạt lại nghề điêu khắc cho 10 thanh niên trong thôn và 10 người khác ở huyện Tây Giang (Quảng Nam). Tượng gỗ được người biết tạc ngày một nhiều hơn, thổ cẩm, sản phẩm đan lát Cơ tu được nhiều người biết đến hơn và trở thành mặt hàng lưu niệm nhiều người ưa thích.

Nghệ nhân A Lăng Đợi là một trong những nghệ nhân nổi bật của người Cơ tu tại địa phương. Hiện nay, nhiều địa phương đã đặt hàng hoặc mời ông Alăng Đợi đến tạc tượng, làm mô hình Gươl. Ông là một trong 26 nghệ nhân tiêu biểu ở địa phương, được UBND huyện Đông Giang tặng giấy khen nhân tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Minh Ngọc - Minh Khang

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nguoi-giu-hon-rung-nui-co-tu-128562.html