Người giữ 'hồn' gốm cổ Đông Triều

Mặc dù ra đời muộn hơn so với một số làng nghề gốm sứ nổi tiếng ở nước ta như: Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng..., nhưng gốm sứ Đông Triều đã được nhiều người biết đến. Làng gốm Đông Triều có những người cống hiến cả cuộc đời mình cho gốm sứ, giữ và truyền 'ngọn lửa' đam mê cho các thế hệ sau. Trong số đó có nghệ nhân Đặng Đức Thạch (khu Vĩnh Hồng, phường Mạo Khê, TX Đông Triều).

Đến làng nghề gốm sứ Vĩnh Hồng ở khu Vĩnh Hồng, phường Mạo Khê, TX Đông Triều, hỏi bất cứ ai ở đây cũng biết đến nghệ nhân Đặng Đức Thạch - nghệ nhân cao niên, thành thục, lão luyện trong nghề gốm.

Nghệ nhân Đặng Đức Thạch kiểm tra chất lượng sản phẩm gốm sứ mới ra lò.

Ông Đặng Đức Thạch sinh năm 1938 ở Nam Định. Năm 1960, ông đến Đông Triều (Quảng Ninh) để học nghề làm gốm sứ. Ông Thạch nhớ lại: “Vào khoảng những năm 1960, sản phẩm gốm sứ của làng rất nổi tiếng, được phân phối khắp các tỉnh miền Bắc. Hồi đó, tôi làm ở HTX Gốm sứ Ánh Hồng nên có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về kỹ thuật làm gốm; may mắn được các thầy trên Trung ương dạy thêm nghề chế tác men nên dần thành thạo".

Sau này, khi tham khảo thêm nhiều kinh nghiệm làm nghề, ông Thạch đã có bí quyết, kỹ năng, kỹ xảo trong việc pha chế 16 bài men nghệ thuật các loại, như: Men đen, men trắng, men nâu, men xanh các loại, men rạn, men sao, men rêu, phục chế men thời Lý, men ngọc thời Lý, thời Trần và các bài men chảy tổng hợp. Về mặt mỹ thuật, men ngọc và men chảy rất đẹp. Men ngọc vốn có từ xa xưa và chính ông Thạch đã cho thêm vào một số phụ gia để thành men ngọc Đông Triều, loại men chế từ hỗn hợp nhiều loại đá, không pha tạp bất cứ thứ hóa chất nào. Men có độ chịu nhiệt rất cao, xanh như màu ngọc bích, rất đẹp. Men chảy khi nung ra, bề ngoài sản phẩm tráng lớp men như chảy từng dòng từ trên xuống rất sinh động... Các mẫu sản phẩm của ông đạt trình độ nghệ thuật cao và có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao.

Dần dần, với những kiến thức được truyền dạy và những kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình làm nghề, ông Thạch dạy thêm cho những xã viên của mình. Vì tay nghề vững, lại có kiến thức chuyên sâu về pha chế men, ông đã được mời đi dạy cho các HTX ở Lạng Sơn, Cao Bằng. Ông trở thành người thầy truyền nghề cho con cháu, cho những người thợ đời sau.

Sau khi đất nước hòa bình, HTX Gốm sứ Ánh Hồng giải thể, nghề gốm Đông Triều mất dần đi sự hưng thịnh, nhiều gia đình đã phá bỏ lò gốm. Niềm đau đáu về một làng nghề nức tiếng thủa xa xưa khiến ông Đặng Văn Thạch đem hết tâm huyết của mình cho dòng gốm cổ truyền này. Có được vốn nghề, ông cùng gia đình tự mở lò gốm. Đúc rút kinh nghiệm nhiều năm, ông đã làm chủ được công nghệ và tự vươn lên bám nghề bằng chính đôi bàn tay của mình.

Tác phẩm "Bình rượu men màu tổng hợp" của ông Đặng Đức Thạch đạt giải nhất cuộc thi Hàng thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Ninh năm 1998.

Tuy thị hiếu khách hàng nhiều lúc thay đổi, dòng sản phẩm gốm sứ lúc thịnh lúc suy, nhưng ông vẫn giữ niềm tin vào sản phẩm gốm sứ Đông Triều. Bởi để sản xuất được một sản phẩm là cả một quá trình kỳ công và đam mê thực thụ. Ông Đặng Đức Thạch chia sẻ thêm: “Dòng gốm sứ ở Đông Triều là gốm sứ nặng lửa, được nung ở nhiệt độ cao. Dòng gốm này có ưu điểm là bền chắc, chống chịu va đập tốt. Với vốn liếng học được trong suốt 40 năm làm nghề gốm, tôi đã duy trì nghề nuôi sống gia đình và phát triển kinh tế, tạo việc làm cho con cái nhờ dòng gốm nặng lửa này".

Nghệ nhân Đặng Đức Thạch đã trực tiếp thiết kế, chế tác các sản phẩm, tác phẩm có giá trị kỹ thuật, mỹ thuật cao. Ông được trao Huy chương vàng WIPO 1989 tại Triển lãm Hợp tác giữa ngành Tiểu thủ công nghiệp và các công ty thương mại quy mô nhỏ. Tác phẩm "Bình rượu men màu tổng hợp" đạt giải nhất tại cuộc thi Hàng thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Ninh năm 1998. Năm 2016, ông được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú.

Đinh Yến (Trung tâm TT-VH Đông Triều)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201812/nguoi-giu-hon-gom-co-dong-trieu-2413000/