Người 'giữ hồn' chữ Thái cổ

Ở bản Dốn, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong (Nghệ An), có ông giáo già đã dành hàng chục năm để sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu và truyền dạy chữ Thái cho bà con dân tộc mình. Ông là Lô Khánh Xuyên, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong - người được mệnh danh 'Ông già chữ Thái' trên vùng đất biên cương.

Ông Xuyên và những cuốn sách chữ Thái cổ. Ảnh: Hồ Duy

Đam mê từ thời niên thiếu

Sau nhiều lần gọi điện hẹn, ngược Quốc lộ 48, chúng tôi vượt qua nhiều đoạn đường rừng, rồi cũng may mắn gặp được ông Lô Khánh Xuyên. Rót nước mời chúng tôi, ông Xuyên tâm sự: “Theo các cụ cao niên trong bản, người Thái là một trong số dân tộc có chữ viết riêng, từ cách đây 10 thế kỷ. Trước đây, chữ Thái được sử dụng phổ biến trong cộng đồng người Thái. Tuy nhiên, khi người dân sử dụng tiếng phổ thông trong giao tiếp và học tập thì chữ Thái cũng dần mất đi. Mấy chục năm nay, tôi đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức tìm tòi, nghiên cứu những mong giữ lại cái “hồn” của người Thái. Nếu không lưu truyền lại chữ Thái cho thế hệ hôm nay và mai sau, tôi có lỗi với tổ tiên mình”.

Ông Xuyên nhớ lại: “Tôi bắt đầu “bén duyên” với chữ Thái từ ngày đi làm liên lạc cho cán bộ miền xuôi lên vùng Mường Nọc hoạt động. Ngày ấy, cán bộ thường giao cho tôi tài liệu, khẩu hiệu tuyên truyền để nhờ các cụ cao niên trong bản dịch ra chữ Thái. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chữ Quốc ngữ chưa phát triển, những công việc hành chính ở lý, tổng (tương đương cấp xã, huyện bây giờ-PV) đều sử dụng chữ Thái cùng với chữ quốc ngữ...”.

Sau một thời gian mày mò tìm hiểu, chẳng bao lâu, Lô Khánh Xuyên đã đọc và hiểu được nhiều truyện truyền thuyết của người Thái như Khủn Tưởng - Khủn Tinh, Náng La... hay truyện thơ nổi tiếng Xằng Chú (Xống Chụ Xon Xao – Tiễn dặn người yêu...) khiến Xuyên mê mẩn lúc nào không hay. Cũng từ đó, chàng thanh niên Xuyên như có “duyên nợ” với chữ Thái.

Năm 1953, chàng trai người Thái Lô Khánh Xuyên được cử đi học Trường Sư phạm miền núi Trung ương tại Việt Bắc. Trong suốt thời gian học tập ở đây, ông Xuyên hoạt động nhóm văn tự tộc người Thái, ngoài giờ học nhóm thường tìm hiểu và dịch truyện, thơ tiếng Thái sang chữ Quốc ngữ. Ông Xuyên cho biết: “Chúng tôi đã phải mất nhiều thời gian, bỏ công sức ra tìm hiểu từ những tài liệu ít ỏi, chủ yếu là dựa vào kiến thức sẵn có của mỗi người. Ngày đó, tài liệu rất hiếm, nhiều cuốn sách cũ, rách nát, mất trang... nhiều chữ nhòe không thể đọc được. Để chắp nối được thông tin đầy đủ, tôi đã đi vào các bản của người Thái tìm mượn sách cổ về đối chiếu và dịch...”.

“Giữ hồn” cho người Thái

Ông Xuyên cho biết, việc mở lớp dạy chữ Thái chỉ là sự tình cờ. Ngày còn là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong, có lần, đồng nghiệp cấp dưới thấy ông cặm cụi với mớ tài liệu như “giun”, khi biết đó là “hồn” của người Thái, vị đồng nghiệp ấy xin theo học. Từ đó, ý định mở lớp dạy chữ Thái cho bà con được nhen nhóm trong lòng ông.

Ban đầu, ông Xuyên chỉ dạy cho mấy đứa cháu trong nhà, dần dần, “tiếng lành” đồn xa, nhiều người đến xin học. Học viên của ông không kể độ tuổi, nghề nghiệp vì ai cũng hiểu rằng mình phải có trách nhiệm với chính nguồn cội của mình. Từng khóa học được tổ chức ba tháng một lần, dạy vào sáng thứ Bảy và sáng Chủ nhật. Những ngày đầu, ông phải chạy ngược chạy xuôi để tổ chức lớp. Nhấp chén trà, ông hồi tưởng lại: “Ban đầu, mọi người háo hức lắm, nhưng khi bắt đầu học thì bà con như tiếp cận với một thứ ngoại ngữ mới hoàn toàn. Thấy “vẽ” chữ khó quá nên nhiều người học được mấy hôm thì bỏ”.

Khó khăn với ông khi mở lớp dạy chữ Thái cho bà con là thiếu thốn cơ sở vật chất, rồi tài liệu chính thống. Ông phải tự thuê chỗ, tự soạn tài liệu cho bà con bằng nghiệp vụ sư phạm của mình. Còn học viên, không phải lúc nào họ cũng tham gia lớp học đầy đủ, những người nông dân nghèo họ phải lo cho cuộc sống gia đình nên không phải lúc nào cũng đến lớp đều đặn được. Nhiều lúc ông phải “để dành” phần học sang buổi sau cho những người vắng. Thậm chí, ông còn đưa bài giảng đến tận nhà để bà con làm bài tập và động viên mọi người cố gắng học lấy cái chữ của dân tộc mình. “Người mới học chữ Lai – Tay (chữ Thái ở Quế Phong) khá vất vả vì cách viết khác với chữ Quốc ngữ, viết từ phải qua trái, từ trên xuống dưới, vì thế, mình phải cho bà con thấy được sự đam mê và trách nhiệm với văn hóa dân tộc” - Ông Xuyên cho biết thêm.

“Tuy tuổi đã cao nhưng ông Xuyên luôn dành hết tâm huyết của mình cho để dạy chữ Thái cho bà con dân tộc mình. Nhờ đó những làn điệu dân ca của dân tộc Thái được nhiều người biết đến và bảo tồn. Người ta khâm phục ông vì đã luôn làm việc không biết mệt mỏi, thật sự có công lao lớn đối với người Thái Quế Phong. Tuy nhiên, cái khó khăn của bản thân ông cũng chính là cái khó của huyện khi thiếu về kinh phí để tổ chức lớp học cũng như bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” - Bà Lô Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Quế Phong cho biết.

Trăn trở cùng chữ Thái cổ

Những năm gần đây, khi Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là Nghị định 82 (năm 2010) của Chính phủ về Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên thì ông Xuyên như có thêm động lực đứng lớp dạy chữ Thái.

Ông nhớ nhất kỷ niệm với một lớp học tại xã Châu Kim, có gần 60 người ở nhiều độ tuổi. Tuy lớp tổ chức vào mùa gặt nhưng cứ đúng giờ là mọi người lại kéo nhau đến học quên cả mệt nhọc. Khi đó, lúa ngoài đồng chưa thu hoạch hết nhưng nhiều người đã vội đến để được học chữ từ “Ông già chữ Thái”. Những lớp học như thế như tiếp thêm động lực để ông đứng lớp truyền lại “hồn cốt” của người Thái cho những thế hệ mai sau. Năm nay, tuổi đã cao, tóc bạc trắng nhưng chỉ cần nghe ở đâu có sách, tài liệu về chữ Thái là ông tìm đến ngay.

Ông cho biết một số khó khăn như nguồn tài chính hạn hẹp, lại thiếu tài liệu chính thống nên rất khó để duy trì được những lớp học lâu dài. Ông luôn canh cánh khi mất đi chữ viết sẽ mất đi cả nền văn hóa Thái, đặc biệt những thư tịch cổ. Ngày nay, tiếng Thái cổ ít được sử dụng và bị pha trộn quá nhiều tiếng phổ thông, thể hiện rõ trong sinh hoạt hằng ngày của người dân. Đặc biệt, giới trẻ đang dần quên đi văn hóa của dân tộc mình, đơn giản như câu chào của người Thái từ xa xưa giờ chẳng mấy người trẻ biết đến. Không chỉ có thế, tính cố kết, tôn ti trật tự hay phong tục tập quán trong cuộc sống thường ngày của người Thái cũng đang ngày càng phai mờ...

Hồ Duy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-giu-hon-chu-thai-co/