Người giữ hồn Chapi ở miền sơn cước Khánh Sơn

Nghệ nhân Mấu Xuân Điệp là người duy nhất ở huyện Khánh Sơn còn chơi được đầy đủ các làn điệu của đàn Chapi và cũng là người duy nhất còn làm ra được cây đàn Chapi. Ông bảo, chơi đàn Chapi như là cách để chiêm nghiệm về cuộc đời mỗi con người…

Nghệ nhân Mấu Xuân Điệp với cây đàn Chapi.

Nghệ nhân Mấu Xuân Điệp với cây đàn Chapi.

Lên núi nghe đàn Chapi

Đón khách bằng chén rượu cần ấm, nghệ nhân Mấu Xuân Điệp (SN 1953, ngụ xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) như lâng lâng trong những âm bậc trầm bỗng của núi rừng miền sơn cước Khánh Sơn. Ông bảo, rượu cần nơi đây lâu say nhưng lại say lâu như chính cái tình người Raglai đằm thắm, chung thủy. Và, tiếng hồn người Raglai là những điệu đàn Chapi.

Nói rồi, ông Điệp hai tay nâng cây đàn Chapi lên ngang ngực, ghì sát đầu ống tre rỗng vào người, từng ngón tay lần bật trên những sợi dây tre khi chậm rãi, nhẹ nhàng, lúc thoăn thoắt, dữ dội. Tiếng đàn không ngân dài nhưng vang xa. Chapi trong chiều nghe như thác đổ, quặn thắt, chung chiêng dội vào vách núi, nghe như gió hú, lang thang, hun hút trên đại ngàn.

Sau khi dứt điệu đàn, ông Điệp kể: “Ngày trước, nghe ông nội khảy đàn Chapi, tôi mê lắm. Ông nội còn dạy rằng không biết làm đàn, không biết chơi đàn Chapi thì không xứng làm đứa con trai Raglai. Khi mới lên năm, lên bảy, tôi đã học chơi đàn, học cách làm đàn. Thấy ông nội đi đâu một chút là tranh thủ thời gian lấy đàn ra khảy liền. Càng lớn càng ghiền, không dứt ra được”.

Nghệ nhân Điệp bảo, người Raglai gắn bó với tiếng mã la từ bao đời nay. Tiếng mã la luôn ngân lên trong những dịp lễ, Tết, mừng lúa mới, mừng đám cưới, lễ bỏ mả. Thế nhưng, ngày trước chỉ có những nhà giàu mới sắm được đầy đủ một bộ mã la. Không có mã la, những người nghèo bèn nghĩ cách làm ra cây đàn Chapi bằng tre, phỏng theo tiếng mã la. Chỉ có mỗi một mắt tre dài chưa tới hai gang tay mà cây đàn Chapi mô phỏng được tiếng của cả một bộ mã la.

“Cây đàn Chapi là cả một bộ mã la thu nhỏ chỉ do một người đánh, thay vì mã la có tới năm, bảy, thậm chí hơn cả chục người. Đàn Chapi đơn giản, gọn nhẹ và theo chân người Raglai khắp mọi ngả rừng, mọi lối suối. Chapi là tiếng của nứa tre, tiếng của ông bà linh hiển, của rừng thiêng màu nhiệm. Nhịp Chapi chậm rãi mà phóng túng như chính phong thái khoan thai, thư thả và những bước chân tự do đầy kiêu hãnh của người Raglai”, ông Điệp chia sẻ.

Cây đàn Chapi và ché rượu cần của người Raglai.

Hồn... Chapi

Học đàn Chapi không khó nhưng khó nhất là kỹ thuật làm được đàn đúng với những thanh điệu âm vang của núi rừng. Đàn được cấu tạo từ một ống tre già được hong khô, sau đó đem phơi dưới sương núi để lấy đặc tính dẻo cho những sợi dây đàn. Từ ống tre này, người làm đàn khéo léo dùng một con dao mũi nhọn tách lớp vỏ thành 16 dây nhỏ. Điều quan trọng là khoảng cách giữa các dây phải tương ứng với các phím đồ, rê, mi, pha, sol, la, si, đố.

Sau khi đã chẻ được các sợi dây nhỏ tương ứng, bước tiếp theo là ghép các phím tương ứng với khung nhạc. Sau đó, dùng dây mây rừng đã hong héo buộc hai đầu để giữ cho các sợi dây đàn không bị đứt gãy.

“Cứ hai dây thì được nối với nhau bằng một phím, tương ứng với 8 phím nhạc trong khung. Bước kế tiếp không kém phần quan trọng là cách đặt chốt ở các đầu dây tương ứng với khoảng cách âm thanh để tạo ra độ rung như các phím đàn. Ở thân đàn phải có những lỗ nhỏ dùng để thông hơi và tạo âm rung (độ ngân) cho phím đàn. Bước cuối cùng là tạo hai thanh cầm trên thân đàn”, ông Điệp cho biết.

Nghệ nhân Điệp bảo, chơi đàn Chapi như là cách để chiêm nghiệm về cuộc đời mỗi con người. Tiếng đàn Chapi trầm bổng như cuộc đời của mỗi con người. Người chơi đàn không vội vã, không gấp gáp với bản nhạc nhanh, mà đơn giản là có những điểm nhấn tương ứng với những cung bậc rung cảm trong mỗi con người. Chính vì thế mà không phải người nào cũng chơi được đàn Chapi dù rằng cách học là không khó.

Nỗi buồn Chapi

Xưa kia, đàn Chapi là một món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Raglai. Người dân dù nghèo nhưng ai cũng có đàn chapi. Những đêm khuya thanh vắng, tiếng Chapi cứ vang lên khắp núi rừng. Trai gái tụm năm tụm ba hay từng đôi ngồi trên thềm nhà, ngoài đường hay trong vườn chơi đàn, nghe đàn. Bây giờ, tiếng Chapi ở các buôn làng Raglai cứ thưa dần.

“Lớp con cháu bây giờ không còn muốn đụng đến đàn Chapi mà chỉ thích nhạc xập xình thôi. Mai này, khi tôi đi về với thần linh, cây đàn chắc chắn sẽ trở nên cô độc khôn cùng. Sẽ không còn ai rung lên những sợi tơ lòng nhiều trắc ẩn của người Raglai trên cây đàn Chapi nữa”, ông Điệp bộc bạch.

Ông Mấu Quốc Tiến - cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Khánh Sơn, cho biết: “Thấy lớp trẻ hôm nay hững hờ với cây đàn Chapi, tôi xót xa lắm. Hiện tại, ở huyện Khánh Sơn, nghệ nhân Mấu Xuân Điệp là người duy nhất còn chơi được đầy đủ các làn điệu của đàn Chapi và cũng là người duy nhất còn làm ra được cây đàn Chapi”.

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/nguoi-giu-hon-chapi-o-mien-son-cuoc-khanh-son-21508/