Người giữ gìn điệu múa cổ nghìn năm của Hà Nội

Nghệ nhân dân gian Triệu Đình Hồng là một trong hai người của làng Triều Khúc (nay thuộc Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) tường tận về điệu múa trống bồng, đang truyền dạy lại cho thế hệ con cháu để không thất truyền những tinh hoa văn hóa ngàn năm.

Ông Triệu Đình Hồng sinh năm 1946 là người gốc làng Triều Khúc. Được xem điệu múa từ bé, ông Hồng đã say mê và thuộc lòng nhiều động tác. Khi tham gia đoàn rước trong lễ hội, ông nhún nhảy, từng nhịp di chuyển chân, những động tác lắc người... của trai làng Triều Khúc rất uyển chuyển.

Điệu múa này được ông Hồng gọi là "múa trống bồng", song dân gian xưa nay vẫn quen gọi múa "con đĩ đánh bồng". Điệu múa xuất hiện 4 lần trong năm ở Triều Khúc, đó là vào dịp lễ hội làng từ 10-12 tháng Giêng; 20/2; 13/8; 20/8 (Âm lịch).

Hiện tại Triều Khúc chỉ còn ông Hồng và anh trai ông là Triệu Đình Vạn (87 tuổi) biết rõ về kĩ thuật điệu múa này. Ông Hồng chủ trì câu lạc bộ múa trống bồng Triều Khúc, đích thân ông là người truyền dạy các kĩ thuật cổ cho lớp trẻ.

Cái hay, cái lạ của múa trống bồng là trai giả gái để múa. Mỗi động tác phải nhịp nhàng với từng bước di chuyển, lắc thân. Trong lúc múa, còn phải “liếc ngang, liếc dọc”. Bởi thế, dân gian còn có câu “lẳng lơ như con đĩ đánh bồng”. Trong ảnh là ông Hồng chỉ bảo cặn kẽ thành viên đội múa trống bồng Triều Khúc trong lễ hội của làng. Khi hóa trang, các chàng trai phải mặc váy đụp, chít khăn mỏ quạ, tô son, điểm phấn như phụ nữ.

Khi hóa trang, các chàng trai phải mặc váy đụp, chít khăn mỏ quạ, tô son, điểm phấn như phụ nữ để phù hợp với các động tác của điệu múa giả gái lẳng lơ. Đây chính là sự độc đáo khi những hành động đầy nữa tính của nữ giới lại được đàn ông thể hiện điêu luyện.

Về nguồn gốc điệu múa trống bồng, tương truyền khi Bố Cái Đại Vương thắng trận, ngài dừng chân tại đất Triều Khúc để khao quân. Trong buổi lễ đó, ngài cho nam giới cải trang thành nữ múa để khích lệ tinh thần quân sĩ. Người múa đeo một chiếc trống nhỏ trước bụng, vừa múa vừa đánh trống nên có tên gọi là múa trống bồng.

Động tác liếc mắt đưa tình độc đáo trong điệu múa trống bồng.

Động tác liếc mắt đưa tình độc đáo trong điệu múa trống bồng.

Ông Triệu Đình Hồng đau đáu với niềm yêu di sản, lo lắng điệu múa cổ của làng bị thất truyền. Ngoài lúc lo việc mưu sinh, ông cất công vận động, thuyết phục người làng tham gia học múa bồng để gây dựng, tiếp nối phong trào, nhưng như ông thừa nhận, lớp người hưởng ứng chỉ “được chăng hay chớ”.

Ông Triệu Đình Hồng luôn đau đáu với niềm yêu di sản, lo lắng điệu múa cổ của làng bị thất truyền. Ông cất công vận động, thuyết phục người làng tham gia học múa bồng để gây dựng, tiếp nối phong trào. Dù đã ngoài 70 tuổi song ông vẫn nhớ chính xác các động tác kĩ thuật của điệu múa và luôn sẵn sàng trình diễn nếu được yêu cầu.

Ông Hồng giúp một thành viên trong đội múa cách chít khăn mỏ quạ đúng cách. Các trang phục trong điệu múa này không thay đổi, cả nghìn năm qua vẫn là khăn mỏ quạ, mặc váy đụp và chiếc trống bồng treo trước bụng.

Hiện tại ông Hồng đã thành lập và duy trì được đội múa có 30 thành viên. Trẻ nhất mới học lớp 7 và người nhiều tuổi nhất là 40.

Múa trống bồng đã được ghi danh là một trong những điệu múa cổ hay nhất, nổi tiếng nhất của đất Thăng Long. Dù thời gian trải qua nhiều biến cố, thăng trầm nhưng nghệ nhân Triệu Đình Hồng vẫn vẹn nguyên đam mê thuở nào. Ông luôn nhiệt tình giảng dạy cho giới trẻ, vẫn say mê với điệu múa, dù cho tuổi đã cao.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/nguoi-giu-gin-dieu-mua-co-nghin-nam-cua-ha-noi-72997.html