Người 'giữ' đàn bróh của đồng bào Ca Dong

Một chiều giữa tháng 12-2018, men theo con đường nhựa phẳng lì bên triền núi phía Nam của dòng sông Tranh để về khu tái định cư thôn 3, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi ghé nhà già Hồ Văn Giỏi để tìm hiểu về cây đàn bróh…

Già Hồ Văn Giỏi bên cây đàn bróh do già chế tác. Ảnh: Văn Gia Phúc

Khi nghe chúng tôi nhắc chuyện muốn được tìm hiểu về đàn bróh truyền thống của người Ca Dong, già Giỏi cho biết: Bróh là loại nhạc cụ hơi, được làm từ ống nứa lấy trên nương, đồi và trong các khu rừng nơi có đồng bào Ca Dong sinh sống. Làm một cây đàn bróh, mất rất nhiều công và cần tỉ mỉ trong từng chi tiết chế tác. Đầu tiên, lên rừng lấy ống nứa, phải đi vào thời điểm cuối mùa Thu dần chuyển sang Đông, chọn lấy những cây nứa thẳng đẹp, thân tròn đều... Có như vậy, khi làm đàn bróh không bị mọt, cho âm thanh ngân vang. Đàn bróh có thân là một ống nứa dài 1,2m, trên thân có gắn 2 chốt gỗ (xuyên qua thân để lên dây đàn) và có 2 dây đàn bằng dây rừng bện lại. Hộp đàn là một nửa quả bầu khô, gắn cẩn thận vào thân đàn. Người Ca Dong sử dụng nhạc cụ này để trải lòng với thiên nhiên. Tuy bróh có cấu tạo đơn giản, nhưng không dễ sử dụng. Nếu người chơi không có tâm hồn, cảm xúc thì tiếng đàn bróh trở nên lạc lõng, cô độc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay từ nhỏ, già Giỏi đã nảy sinh tình yêu với âm nhạc truyền thống dân tộc Ca Dong, nên ông đã gắn bó và biết chơi đàn bróh khi mới 10 tuổi. Cách làm một cây đàn bróh, già Giỏi cũng được bố chỉ dạy từng tí một. Được biết, người Ca Dong có nhiều loại nhạc cụ làm từ ống nứa như: Sáo, đàn ktốc... Ngày xưa, hầu như nhà ai cũng có một chiếc bróh. Đàn bróh đã từng là thứ không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của đồng bào Ca Dong, nó được tấu lên để đưa tiễn hoàng hôn. Bróh chỉ dành riêng cho các chàng trai Cadong dùng bày tỏ tình cảm lứa đôi với người mình thương.

Giữa phố núi Trà Bui, màn đêm dần buông xuống, tiếng kêu của côn trùng đã bắt đầu rộn rã. Già Giỏi lôi từ góc nhà chiếc đàn bróh đã sẫm màu, mặt sau bóng nhẵn. Già Giỏi đặt những ngón tay thô ráp lên dây đàn, so dây rồi cất lên làn điệu Ca Dong mượt mà: “Ơi, anh ơi/Ta vui cuộc đời mới/ Lúa khoai đây màu mỡ, rẫy nương tươi tốt/ Ơi, anh ơi/ Quê hương người Ca Dong còn khổ/ Quê hương của người Ca Dong còn nghèo/ Ta hát mừng ngày vui liên hoan/ Ta hát mừng ngày vui bên nhau hơ... hơ”. Âm thanh sâu lắng của tiếng bróh khi trầm, khi bổng vang xa, lan tỏa vào từng nhà, từng ngõ ngách làng bản. Trên triền núi cao nơi định cư lâu đời của người Ca Dong, tiếng đàn, tiếng hát của ông tạo nên một không gian văn hóa huyền ảo...

Hằng ngày, ngoài thời gian ở rẫy, già Hồ Văn Giỏi thường ngồi bên bếp lửa nhà của mình đàn hát và chơi các loại nhạc cụ truyền thống của người Ca Dong cho các con cháu ông nghe. Dù đã qua hơn 70 mùa rẫy, nhưng già Giỏi vẫn đau đáu một nỗi niềm là làm thế nào để tiếng đàn bróh của đồng bào Ca Dong luôn được ngân nga trong gió núi mây ngàn Trường Sơn... Theo già Giỏi, lớp trẻ Ca Dong bây giờ không còn nhiều người biết chế tác và chơi bróh hay nữa, nên ông luôn trăn trở làm sao để nét văn hóa cổ truyền của dân tộc mình không bị mai một. Già đang nỗ lực tìm cách gìn giữ và truyền dạy cho con cháu.

Chị Trịnh Thị Hồng Nga, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Không chỉ biết chế tác nhạc cụ, già Hồ Văn Giỏi còn chơi thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc Ca Dong và hát nhiều làn điệu dân ca của người Ca Dong rất hay. Ở phố núi Trà Bui này, tên tuổi của già Giỏi đã nổi tiếng khắp vùng. Nhiều lần già Giỏi được mời đi tham gia các lễ hội văn hóa dân tộc do tỉnh tổ chức. Mọi hoạt động, phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương, già Giỏi đều tham gia nhiệt tình. Những đóng góp của già Giỏi trong việc bảo tồn nhạc cụ dân tộc là rất đáng trân trọng”.

Văn Gia Phúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-giu-dan-broh-cua-dong-bao-ca-dong/