Người gìn giữ những giá trị cổ xưa của dân tộc Mường

Nhà nghiên cứu, sưu tầm Bùi Thanh Bình đã có những đóng góp to lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Mường. Những đóng góp của ông đã góp phần khơi dậy, truyền cảm hứng cho chính chủ thể văn hóa hiểu và trân trọng, chung tay gìn giữ vốn quý này.

Ông Bùi Thanh Bình giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu của người Mường với Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong “Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (24/2/2018) .

Ông Bùi Thanh Bình giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu của người Mường với Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong “Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (24/2/2018) .

Trăn trở và ấp ủ dự định

Sinh ra và lớn lên ở Kim Bôi, Hòa Bình, là người con dân tộc Mường, Bùi Thanh Bình được thừa hưởng năng khiếu văn hóa - nghệ thuật và tình yêu với những giá trị văn hóa truyền thống, dân gian Mường từ cha mẹ mình, nhất là bố, vốn làm Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin của huyện Lương Sơn, Hòa Bình.

Năm 13 tuổi, ông Bình trúng tuyển vào Trường Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc và sau đó đầu quân về Đoàn văn công Quân khu Tây Bắc. Với vai trò là một chiến sỹ trên mặt trặn văn hóa, ông cùng Đoàn văn công đi khắp mọi miền đất nước từ Bắc đến Nam để phục vụ đồng bào và chiến sỹ cả nước. Từ năm 1984, ông chuyển sang làm hướng dẫn viên cho Công ty du lịch Hòa Bình và đảm nhiệm những công việc khác nhau về văn hóa, du lịch. Suốt những năm tháng ấy, tình yêu của ông với những giá trị văn hóa truyền thống, dân gian của người Mường được nuôi dưỡng, gìn giữ tự nhiên từ trong máu thịt. Ông trăn trở khi mỗi ngày trôi qua, những giá trị ấy - nhất là những di sản văn hóa phi vật thể mai một dần. Nhiều giá trị văn hóa mất đi nếu không có ai đó làm gì để gìn giữ, bảo tồn.

Với trăn trở này, từ năm 1985, khi là một hướng dẫn viên du lịch, có điều kiện đi nhiều hơn, được tiếp xúc với nhiều người, có thêm điều kiện tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Mường, ông bắt đầu sưu tầm tất cả những gì là di sản văn hóa Mường. Hơn 30 năm đi đến hầu khắp các vùng Mường ở Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Sơn La… và lặn lội tìm hiểu về văn hóa của đồng bào Mường khi di cư vào Buôn Ma Thuột. Không quản khó khăn vất vả, thời gian, tiền bạc, công sức ông đã dành cho việc sưu tầm văn hóa Mường. Ông sưu tầm được ngày càng nhiều di vật, cổ vật. Hơn thế nữa, nhờ những chuyến đi ấy, vốn hiểu biết về lịch sử, văn hóa Mường ngày càng được tích lũy dày hơn. Với ông, đây là “tài sản vô giá” mà ông có được.

Ông chủ của kho báu Mường

Công việc sưu tầm của ông không chỉ đơn giản là sở thích cảm tính, mà là tình yêu và trách nhiệm xã hội của một người con dân tộc Mường. Vì thế, ngoài sưu tầm, ông Bùi Thanh Bình còn chú tâm tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến lễ hội, ẩm thực và nghệ thuật truyền thống, dân gian Mường.

Ông đã nghiên cứu, dàn dựng nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc Mường (Lễ hội sắc bùa; Lễ hội cầu mùa; Lễ hội xuống đồng (khuống mùa); Lễ mừng cơm mới; Đám cưới Mường xưa. Trong đó, phần tái hiện trích đoạn “Lễ hội Khuống mùa” do ông dàn dựng và đạo diễn tham gia trình diễn tại hội thi trong dịp kỷ niệm 125 năm ngày thành lập tỉnh Hòa Bình đã được Ban tổ chức trao giải B.

Ông Bùi Thanh Bình tham gia đón tiếp và giới thiệu văn hóa Mường với nguyên Chủ tịch Liên minh nghị viện Saber Chowdhury và phu nhân tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (20/1/2018).

Ông còn tham gia viết bài nghiên cứu và phối hợp xuất bản sách ảnh “Văn hóa ẩm thực truyền thống dân tộc Mường” (năm 2015). Vốn là người nắm khá vững về nhạc cụ cò ke, ống sáo Mường, ông đã có những bài viết giới thiệu và tổ chức trình tấu để thu âm và phát hành đĩa DVD về nhạc cụ này.

Ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, ông đã tham gia phối hợp trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa Mường, chủ yếu về âm nhạc cổ truyền diễn tấu nhạc cụ truyền thống Mường (cồng chiêng, cò ke, ống sáo) và văn hóa ẩm thực Mường.

Nhưng đối với ông, điều tâm huyết nhất mà ông làm được, ấp ủ bao lâu chính là sự ra đời bảo tàng tư nhân về Di sản văn hóa Mường của mình. Sau sự nỗ lực, động viên của bạn bè, ngày 9/4/2015, Bảo tàng Di sản văn hóa Mường của ông đã được khai trương và đưa vào hoạt động tại tổ 6, phường Thái Bình, TP. Hòa Bình. Hiện bảo tàng trưng bày khoảng 6.000 hiện vật phong phú về chủng loại mà ông đã dày công sưu tầm. Trong số đó, có những cổ vật quý như trống đồng, chiêng, đồ gốm cổ có niên đại cách đây hàng ngàn năm.

Ông cũng là người tập hợp, đào tạo đội ngũ những người tham gia giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của người Mường. Họ chính là chủ thể văn hóa để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, dân gian của người Mường.

Cùng với hoạt động trưng bày, Bảo tàng còn có các hoạt động giao lưu, giới thiệu và quảng bá nền văn hóa Hòa Bình, du khách không chỉ được tìm hiểu những nét lịch sử, văn hóa cơ bản và những giá trị cốt lõi trong văn hóa Mường mà còn được tương tác vào các trò chơi của chủ thể văn hóa, được tận tay chế biến và thưởng thức những món ăn truyền thống của người Mường.

Không bằng lòng với những gì đã làm, ông không ngừng nỗ lực bằng những hoạt động thiết thực để những giá trị văn hóa Mường không chỉ được gìn giữ mà còn luôn tỏa sáng. Với ông, điều đó không chỉ là đam mê mà hơn thế, còn là lẽ sống. Nếu không có những người tâm huyết như ông với các giá trị văn hóa Mường, thế hệ mai sau sẽ thiệt thòi khi kho tàng văn hóa này vơi bớt…

Thu Loan

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nguoi-gin-giu-nhung-gia-tri-co-xua-cua-dan-toc-muong-66059