Người gieo mầm đổi thay nếp nghĩ, cách làm ở Lam Thịnh

Ở độ tuổi ngũ tuần, ông Lâm Văn Tiến vẫn chịu khó học hỏi, tiếp thu cái mới, chắt lọc áp dụng phù hợp với thực tiễn thổ nhưỡng, khí hậu của mảnh đất quê nhà ở huyện Thanh Chương, dâng quả ngọt cho đời, tiên phong mở hướng đi khả thi để canh tác nông nghiệp bền vững...

Lãnh đạo huyện Thanh Chương thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Lâm Văn Tiến. Ảnh: NVCC

Lãnh đạo huyện Thanh Chương thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Lâm Văn Tiến. Ảnh: NVCC

Những ngày đầu năm Quý Mão, gia đình ông Lâm Văn Tiến ở thôn Lam Thịnh, xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương luôn rộn rã tiếng cười. Niềm vui Xuân mới như được nhân đôi, bởi gia đình ông Tiến đón “song hỷ” - ông vừa được trao giải Nhất cuộc thi Vườn chuẩn Nông thôn mới đẹp cấp huyện, vừa “cháy hàng” lứa bưởi mà vợ chồng ông dày công chăm bẵm. Đây là khởi đầu tốt đẹp cho những dự định của người nông dân đã ngoài ngũ tuần nhưng luôn trăn trở tìm tòi hướng mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Bén duyên không sớm…

Lam Thịnh là vùng đất chẳng được trù phú, phì nhiêu như tên gọi của nó. Người dân địa phương vẫn thường bảo, do địa hình đất đồi nhiều, thiên nhiên lại không ưu đãi cho khí hậu mưa thuận gió hòa, nên trồng cây gì, nuôi con gì cũng khó. Số mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả tại đây vì thế có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng trong cái luồng xu thế dịch chuyển “ly nông”, thì ông Lâm Văn Tiến (sinh năm 1966) lại quyết định “ngược dòng”, từ bỏ những công việc cho thu nhập ổn định trong lĩnh vực điện lực, xây dựng,… để quyết tâm trở thành người tiên phong làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên chính quê hương.

Ông tâm sự: “Tôi từng làm nhiều nghề, có dịp đi nhiều nơi cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, từng xuýt xoa, trầm trồ trước những vườn cây ăn quả giá trị ở các tỉnh khác, để rồi tự hỏi vì sao quê mình lại không được vậy? Mối băn khoăn ấy cứ lớn dần, lời giải đáp “do khí hậu” của những người xung quanh không đủ thỏa mãn, thôi thúc tôi tự tìm câu trả lời. Và rồi tôi bỏ hết để về gắn bó với vườn tược từ năm 2017, phá 3.500m2 vườn tạp để tiến hành "cuộc cách mạng" mà mình ấp ủ, dẫu khi ấy đã xấp xỉ 50, cái tuổi mà chắc chẳng mấy người mặn mà với sự thay đổi nữa”.

Ông Lâm Văn Tiến chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: NVCC

Tuy bén duyên với nông nghiệp muộn, nhưng với nền tảng vốn có, cộng thêm tâm thế cầu thị, chịu khó học hỏi, ông Lâm Văn Tiến dần trở thành một “nông dân 4.0” thực thụ, biết khai thác một cách có chọn lọc những tri thức, kinh nghiệm từ mạng Internet, mạng xã hội,… để áp dụng linh hoạt, phù hợp vào mô hình của mình. Diện tích vườn sau khi cải tạo được vợ chồng ông “quy hoạch” khoa học, rồi đặt mua cây giống có nguồn gốc uy tín về trồng thí điểm. Vừa học hỏi, vừa bắt tay thử nghiệm trên đất, khoảng 1 năm sau đó, vườn cây ăn quả đã bắt đầu thành hình, với khoảng 150 cây giống bưởi đường ruột đỏ chín muộn sinh trưởng, phát triển tốt.

Mô hình vườn cây ăn quả của hộ ông Lâm Văn Tiến được nhiều người đánh giá là khác so với cách làm thường gặp ở địa phương, canh tác theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Chẳng hạn, thay vì sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật một cách bừa bãi, ông cùng vợ mình tìm hiểu kỹ, lựa chọn các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cẩn trọng tính toán liều lượng, thời điểm sử dụng, kết hợp với biện pháp xua đuổi, bẫy sinh học,… để ngăn côn trùng phá hại, đảm bảo chất lượng quả, đồng thời không lạm dụng thuốc làm ảnh hưởng chất lượng đất và nguồn nước.

“Giờ vườn chủ yếu trồng bưởi đường ruột đỏ chín muộn, có thể cho thu hoạch vào dịp Tết để đáp ứng nhu cầu thị trường, khác với giống bưởi truyền thống ở địa phương thường cho thu hoạch vào tháng 7, tháng 8 âm lịch. Tôi đã thử trồng bưởi da xanh nhưng nhận thấy không hiệu quả, nên chỉ giữ lại một ít gốc loại này, mục đích là trồng xen để tăng chất lượng bưởi đường. Để “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu tôi còn trồng xen 180 gốc ổi lê Đài Loan, cũng đem lại thu nhập khá tốt”, ông Tiến chia sẻ.

Vợ chồng ông phấn khởi cho biết thêm, dịp cận Tết Nguyên đán vừa qua, khoảng 1/2 số cây trong vườn bưởi đã cho thu hoạch hơn 5.000 quả, trọng lượng bình quân 1,2 - 1,3kg/quả, múi to đồng đều, tép bưởi hồng đẹp, mọng nước, vị ngọt đậm, nên được thị trường đón nhận và nhanh chóng hết hàng.

…nhưng mong ước bền lâu

“Có công trồng cây, có ngày hái quả”, đằng đẵng 5 năm chăm chút, giờ đây vườn cây ăn quả đã thực sự đem lại những trái ngọt đầu mùa cho gia đình ông Tiến. Cuối năm 2022, vợ chồng ông quyết định đăng ký tham gia khi hay tin huyện tổ chức cuộc thi Vườn chuẩn Nông thôn mới đẹp. Dù đi thi với mục đích học tập, trao đổi kinh nghiệm, mô hình của ông Lâm Văn Tiến đã xuất sắc vượt qua 20 vườn khác trên toàn huyện Thanh Chương để giành giải Nhất. Quy hoạch tốt, áp dụng khoa học kỹ thuật, và đặc biệt là tâm huyết của chủ vườn là những yếu tố giúp ông Tiến ghi điểm và lọt vào “mắt xanh” của Ban Giám khảo cuộc thi.

Vườn bưởi của ông Tiến được quy hoạch bài bản, khoa học. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Xuân Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương đánh giá: “Vườn chuẩn của ông Tiến có cách làm mới, khác so với địa phương. Về quy hoạch, giống bưởi được chọn trồng phù hợp với thổ nhưỡng, cho quả đồng đều, chất lượng tốt. Ông Tiến lại chịu khó nghiên cứu các giải pháp hay, luôn tìm tòi áp dụng khoa học kỹ thuật mới, tính toán cẩn thận các thời điểm để tác động vào quá trình sinh trưởng, chú trọng canh tác hữu cơ, thậm chí tự tay mua cá về ủ làm phân bón cho cây… Chừng ấy cũng đủ để thấy được lòng đam mê, tâm huyết của người chủ vườn này, xứng đáng được tôn vinh trong cuộc thi”.

Dẫu phấn khởi khi được trao tặng danh hiệu này, ông Lâm Văn Tiến bộc bạch, rằng bản thân vẫn còn những mong ước, khát khao dài hạn hơn nữa. Ông muốn ngày càng có thêm nhiều nông dân trong thôn, trong xã và huyện của mình hiểu được lợi ích, giá trị của việc cải tạo vườn tạp, đó là vừa tăng thu nhập cho gia đình, vừa làm đẹp cho làng xã, tạo cảnh quan nông thôn mới.

Và cũng chẳng “bo bo giấu nghề”, ông bày tỏ sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai muốn tìm hiểu, học hỏi, để có thể nhân rộng mô hình vườn cây ăn quả, tiến tới xây dựng tổ hợp tác, các trang trại, gia trại cây ăn quả liên kết theo hướng hàng hóa.

“Tôi hiểu rằng khó nhất là thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người dân địa phương. Thực tế là nhiều người vẫn tưởng phải có nhiều tiền mới làm được mô hình theo hướng hữu cơ, cũng có không ít người ngại học hỏi, cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật mới mà chủ yếu vẫn làm theo tư duy cũ. Nhưng đã có những tín hiệu vui, khi gần đây dần có nhiều người quan tâm, tới tham quan, tìm hiểu tại vườn cây ăn quả của gia đình tôi, có hộ cũng đã đến đặt vấn đề về giống và hỗ trợ kỹ thuật, dĩ nhiên tôi luôn sẵn sàng…” - ông cho biết.

Hội Nông dân huyện Thanh Chương cũng luôn sẵn sàng để đồng hành với những điển hình nông dân có cách làm mới, làm hay như ông Lâm Văn Tiến, giúp họ vượt qua khó khăn, hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu, công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP… Để từ đó, những sản phẩm nông nghiệp chất lượng từ bàn tay, khối óc và tâm huyết của người nông dân tiếp cận được thị trường rộng lớn hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp họ vững tin gắn bó với con đường phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hãy cứ tin rằng một ngày không xa, trái bưởi Lam Thịnh sẽ được nhiều người biết đến, trở thành thức quà ngon sạch, vương vấn tình quê như mong ước của ông Tiến…

Hoàng Bách

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nguoi-gieo-mam-doi-thay-nep-nghi-cach-lam-o-lam-thinh-post264614.html