Người gieo chữ nơi triền sóng

Dưới chân những con sóng vỗ ào ào vào bờ vẫn không át đi được tiếng cô, trò của lớp học tình thương ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Ở vùng biển này, nhiều người đàn ông khỏe mạnh lên thuyền vươn khơi nhưng biển cả nổi cuồng phong, nhiều ngư dân một đi không trở lại. Không ít những đứa trẻ bơ vơ vì mồ côi cha và thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, ước mơ con chữ trở thành xa xỉ đối với nhiều con trẻ ở vùng quê nghèo. Xót xa cho những phận đời, phận người ấy, cô Nguyễn Thị Thông ở cái tuổi xưa nay hiếm lại tiếp tục gieo chữ trên những triền sóng của quê hương…

Lớp học dưới chân sóng

Chúng tôi tới nhà cô Thông khi lớp học đang được diễn ra. Để không làm gián đoạn, anh em cũng ngồi vào bàn nghe cô giảng. Tiếng cô nhỏ nhẹ, nghe thật trìu mến. Lớp học này không chỉ có các em nhỏ mà có cả những người đã trưởng thành nhưng không biết chữ cũng tới để xóa mù. Tranh thủ giờ giải lao, cô tâm sự: Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, từ nhỏ, cô đã nuôi mơ ước được đứng trên bục giảng dạy chữ cho con em vùng quê quanh năm lăn lộn với sóng gió. Học hết lớp 7, cô năn nỉ bố mẹ xin cho dạy lớp vỡ lòng của thôn. Làm cô giáo làng một năm, UBND xã thấy cô yêu nghề, động viên cô đi học sư phạm. Năm 1966 tốt nghiệp, cô về dạy tại Trường Tiểu học Đa Lộc, xã Đa Lộc, Hậu Lộc. Sau nhiều năm nỗ lực, cô giáo Thông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Lộc, rồi Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Minh (Đông Sơn), đến năm 1987, cô về Trường Tiểu học Ngư Lộc 2, đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng đến khi nghỉ hưu. Mặc dù làm quản lý nhưng hằng ngày, cô vẫn đứng lớp để được gần gũi với học trò, tận tay uốn các em từng nét chữ. Đến năm học 1996 - 1997, cô được phong tặng Nhà giáo ưu tú.

Năm 2001, cô nghỉ hưu, thấy nhiều cháu đến tuổi đi học không được đến trường, nhiều người lớn chưa biết chữ, cô đến gõ cửa từng nhà, vận động cha mẹ các em cho con tới lớp của cô. Ngày 10/2/2002, cô khai giảng lớp học ở ngay căn nhà hai gian của mình, với 16 em nhiều độ tuổi. Lớp học thiếu bàn, ghế, cô lên xin trường cấp 1 được ít bàn ghế gãy, nhờ thợ mộc sửa sang lại cho các cháu ngồi tạm. Thương học sinh, cô bê cả bàn uống nước, tháo cánh cửa nhà, cửa bếp làm bàn ghế cho các em. Nhiều hôm, cô trò đang học thì trời đổ mưa, mái nhà bị mưa hắt, mấy cô trò mang áo mưa che lại để nước đỡ chảy xuống nền. Giáo trình ở lớp học tình thương này cũng không giống bất kỳ trường lớp nào, bởi những học sinh của cô lớn có, bé có, đều học cùng.

Học trò hầu hết chưa biết mặt chữ, nhiều em trí nhớ kém, học trước quên sau. Tan học, các em lại ném sách vở vào góc nhà, đi nhặt rác, nhặt ngao, ốc mưu sinh. Hành trình đưa con chữ tới học trò của cô cũng khó khăn như sự mưu sinh của các em. Vừa đảm nhiệm vai trò người thầy trên bục giảng, cô vừa đảm nhiệm thiên chức của người mẹ, lo cho các em từ sức khỏe đến ăn mặc. Cô đi xin quần áo cũ ở các gia đình trong xã về cho các em. Vì thế, học trò gọi cô bằng cái tên trìu mến “mẹ Thông”. Tiếng lành đồn xa, lớp học tình thương của cô được nhiều người biết đến, nhiều phụ huynh đăng ký cho con em tham gia. Cô còn mở thêm lớp dạy ban đêm cho những người lớn tuổi. Đến nay, cô đã dạy được hàng trăm em biết đọc, biết viết thành thạo, nhiều em sau khi được cô dạy đã chuyển vào học tại các trường tiểu học. Nhiều trường hợp đang học tại trường do tiếp thu kiến thức chậm, không theo kịp chương trình học, nhà trường lại gửi vào lớp học của cô. Lớp học ban đêm của cô cũng đã xóa mù chữ cho 43 người lớn tuổi… Nhiều thế hệ trưởng thành, vẫn luôn nhắc và nghĩ về cô như người khơi nguồn ánh sáng, lật giở những trang buồn của tuổi thơ sang trang mới nhiều niềm vui, tươi sáng hơn.

 Các học trò thành đạt về thăm cô

Các học trò thành đạt về thăm cô

Những trăn trở thường nhật

Theo tìm hiểu của PV, Ngư Lộc là xã thuần ngư, có 319 phương tiện hoạt động khai thác với hơn 2.000 lao động đi biển và nuôi trồng thủy sản. Hằng năm, địa phương chịu nhiều rủi ro, mất mát do gió bão, thiên tai gây ra. Bởi thế, từ xa xưa, người dân vạn chài Ngư Lộc thường ví von cho thân phận người phụ nữ “Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm”. Toàn xã có khoảng hơn 200 phụ nữ sống đơn thân do chồng đi biển không trở về, nhiều trẻ em sớm vắng bóng cha. Hình ảnh những đứa trẻ da cháy nắng, mái tóc vàng hoe, xơ xác, buộc vội bằng dây chun hoặc cắt gần như trọc. Áo mặc, cái sờn vải, cái khuy còn, khuy mất… hằng ngày ra biển nhặt tôm cá sau mẻ lưới từ mờ sáng cho kịp phiên chợ chiều trở thành quen thuộc với người dân nơi đây.

Tận mắt chứng kiến cảnh đau lòng đó, cô Thông trăn trở tìm cách giúp đỡ các em. Năm nay cô đã bước sang tuổi 68, mái tóc ngả bạc nhưng những trăn trở không nguôi còn hằn in trong đôi mắt. Với cô, được chèo lái con thuyền tri thức và chắp cánh cho mỗi thế hệ học trò là niềm vui lớn. Nhưng sức người có hạn, tuổi người hữu hạn chẳng biết “ánh đèn” thắp sáng cho các em khi nào vụt tắt. Những khắc khoải khôn nguôi của cô giáo già về những đứa trẻ lam lũ, nheo nhóc càng làm cho mái tóc thêm bạc. Biết thế nên hàng ngày cô Thông càng cố gắng, miệt mài với công việc gieo chữ thầm lặng của mình nơi chân sóng Ngư Lộc. Bởi hơn ai hết, cô hiểu, cái nghèo đeo bám nơi vùng quê là thiếu vắng ánh sáng của tri thức. Những mong ước, tâm huyết, sức lực của cô Thông sẽ giúp các em học sinh nơi miền biển đầy sóng và gió này có bước khởi đầu may mắn để trưởng thành.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/phong-su/nguoi-gieo-chu-noi-trien-song-51848.html