Người 'gieo chữ' bên dòng Nậm Làn

Trung úy Lò Văn Thoại, nhân viên Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La, là một trong những tấm gương tiêu biểu về thực hiện công tác xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới. Với sự cố gắng không ngừng, vượt qua nhiều khó khăn, anh đã lặn lội đến các bản làng biên giới, vận động và tổ chức mở lớp xóa mù chữ cho hàng trăm học viên và hiện nay đang duy trì 1 lớp với 31 học viên đồng bào dân tộc Mông, độ tuổi từ 15 đến 35, ở bản Nậm Làn, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, Sơn La.

Trung úy Lò Văn Thoại tỉ mẩn hướng dẫn từng nét chữ cho học viên. Ảnh: Danh Anh

Nằm bên dòng Nậm Làn thơ mộng, căn phòng nhỏ của Trung úy Lò Văn Thoại được dân bản tận dụng, sửa sang từ nhà văn hóa bản. Đồ đạc bên trong, tư trang chỉ là những vật dụng cơ bản phục vụ sinh hoạt hằng ngày và chiếc giường kê tạm bằng những mảnh ván gỗ ghép lại. Bức tường nhà thưng bằng ván gỗ được phủ lớp bạt ni lông và những tờ báo giấy dán lên để chắn bớt sương mù dày đặc và những cơn gió lạnh thấu xương của vùng sơn cước. Dù khó khăn là vậy, nhưng người thầy giáo quân hàm xanh Lò Văn Thoại vẫn hằng đêm chong đèn lên lớp, đưa “ánh sáng” đến với đồng bào.

“Là cán bộ vận động quần chúng cắm bản, luôn bám dân tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tôi luôn trăn trở về thực trạng mù chữ, tái mù chữ của bà con địa bàn đơn vị quản lý. Việc đồng bào không biết chữ là trở ngại lớn trong tiếp cận các chính sách, pháp luật và các vấn đề xã hội, lại dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự thôn bản. Từ suy nghĩ đó, tôi đã mạnh dạn tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị, mở các lớp học xóa mù chữ để giải quyết dứt điểm tình trạng mù chữ và tái mù chữ cho bà con” - Trung úy Lò Văn Thoại tâm sự.

Khi chủ trương được chỉ huy đơn vị thông qua, Thoại phải bắt tay giải quyết một "núi" những khó khăn. Trước mắt là việc anh chưa được đào tạo qua trường lớp về nghiệp vụ sư phạm. Thêm vào đó, người học hầu hết là những phụ nữ luôn bận rộn với công việc nương rẫy, nội trợ và sự mặc cảm...

"Để giải quyết được khó khăn, tôi đã gõ cửa các nhà trường trên địa bàn, tìm đến những giáo viên đã có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác xóa mù chữ để nhờ họ "bật mí" kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, xây dựng chương trình giảng dạy, biên soạn giáo án phù hợp với đặc điểm từng nhóm học viên. Mặt khác, để giải quyết tốt việc bất đồng ngôn ngữ, tôi phải bổ sung vốn từ tiếng Mông phục vụ giảng dạy, nâng cao hiệu quả bài giảng" - Trung úy Lò Văn Thoại bộc bạch.

Sau những giờ lên lớp, anh tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đặc biệt là áp dụng các mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi gia súc... Khi bản làng đã yên giấc, anh Thoại vẫn cặm cụi đọc tài liệu, soạn giáo án để làm sao dễ truyền đạt và giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ nhất.

Trung úy Thoại chia sẻ: “Để tuyên truyền các học viên đến lớp đều đặn, mình phải dựa vào những người có uy tín và các gia đình gương mẫu, vận động chị em, vận động chồng con trong gia đình họ xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện cho chị em tham gia học tập. Do điều kiện của chị em vừa học, vừa phải chăm lo gia đình, làm kinh tế nên các lớp học xóa mù chữ được tổ chức từ 19-22 giờ, các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Cái khó nhất trong công tác xóa mù chữ là vận động được các học viên đến lớp và duy trì sĩ số từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc. Tuy thời khóa biểu là như vậy, nhưng giờ học phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, ngày mùa, nên việc bố trí thời gian học phải linh hoạt mới đem lại hiệu quả".

Vất vả là vậy, nhưng anh Thoại vẫn luôn nhiệt huyết với công việc. Trong quá trình giảng dạy, anh gần gũi chia sẻ, động viên học viên; mỗi khi họ ngại học hoặc kêu khó thì phải bình tĩnh, ân cần, chỉ bảo từng người. Với sự nỗ lực không ngừng, chỉ trong một thời gian ngắn, được sự giúp đỡ của đơn vị, đồng đội và chính quyền địa phương, anh đã lần lượt cho "ra lò" hàng chục học viên. Đến nay, nhiều học viên đã hòa nhập tốt tại Trường Trung học cơ sở Mường Lạn, 100% học viên đều đọc thông, viết thạo.

Trung úy Lò Văn Thoại chia sẻ: "Nhận thức của bà con ở đây còn hạn chế, cái bụng còn đang lo cho nồi cơm, cho mảnh nương, đàn lợn ở nhà nên việc tập trung cho học hành rất khó. Giảng dạy làm sao cho bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu, để con chữ không rơi rớt trên đường lên nương, xuống suối là điều mình thấy khó nhất. Vì vậy, người làm công tác xóa mù chữ phải thật sự tâm huyết, đam mê với công việc, biết nói tiếng dân tộc, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào và đặc biệt, phải chịu khó bám dân, bám học viên và có sự chia sẻ đồng cảm cùng người học. Trong các buổi lên lớp, tôi đã kết hợp giữa tiếng phổ thông và tiếng dân tộc làm cho người học dễ hiểu, dễ nhớ, tạo không khí sôi động trong các buổi học để học viên hứng thú học tập, thu hút được đông đảo học viên hăng say học tập".

Chị Vàng Thị Pạ Dê (bản Nậm Làn, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp) tâm sự: "Mù chữ khổ lắm. Tôi là Hội trưởng Hội phụ nữ bản nhưng không biết chữ. Đi họp không biết viết, triển khai các chính sách, mình chỉ nghe, nhớ bập bõm câu được, câu mất, về không biết triển khai cho chị em thế nào. Ngày xưa, cuộc sống sinh hoạt chỉ loanh quanh trong bản, nhưng nay điều kiện đường sá đi lại dễ dàng, nhiều lúc đi tiếp xúc với bên ngoài, hội họp ở xã, mình không biết chữ không khác gì người mù. Giờ biết đọc, biết viết rồi không ngại đi đâu, không ngại tiếp xúc với đám đông, biết đọc các văn bản pháp luật, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền cho chị em trong bản... Cảm ơn thầy giáo Thoại nhiều lắm!".

Trung tá Phạm Thái Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Lạn tâm sự: “Đối với Trung úy Lò Văn Thoại, việc dạy chữ cho bà con không còn là nhiệm vụ nữa mà đó là tình cảm của Bộ đội Cụ Hồ đối với đồng bào nghèo. Việc làm của đồng chí không chỉ đem ánh sáng tri thức cho đồng bào, mà còn nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo nông thôn mới trên biên giới Mường Lạn...”.

Với những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, năm 2017, Trung úy Lò Văn Thoại, được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Danh Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-gieo-chu-ben-dong-nam-lan/