Người giàu nhất thế giới chi tiền chống biến đổi khí hậu

Jeff Bezos (ảnh), nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn thương mại điện tử Amazon, vừa thông báo sẽ ủng hộ 791 triệu USD cho 16 tổ chức đang nỗ lực bảo vệ môi trường.

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Nổi bật trong danh sách các tổ chức nhận tài trợ có Quỹ Hỗ trợ khí hậu, Quỹ Bảo vệ môi trường (EDF), Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, Hiệp hội Các nhà khoa học (UCS), Viện Tài nguyên thế giới và Quỹ Ðời sống hoang dã thế giới. Nguồn tiền này sẽ được đầu tư vào những dự án cụ thể. Theo đó, EDF sẽ sử dụng 100 triệu USD để phóng một vệ tinh giúp xác định nguồn và đo lượng phát thải methane - loại khí nhà kính khiến Trái đất nóng lên xấp xỉ 30 lần so với carbon dioxide (CO2). Trong khi đó, UCS dùng 15 triệu USD để hỗ trợ nâng cấp lưới điện của Mỹ và điện khí hóa xe tải thương mại - một nguồn phát thải chính.

Khoản đóng góp được công bố hôm 16-11 là một phần trong Quỹ Trái đất Bezos 10 tỉ USD mà hồi đầu năm nay tỉ phú Bezos đã cam kết tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Người giàu nhất hành tinh với khối tài sản trị giá 184 tỉ USD khi đó gọi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa hiện hữu”. Ðóng góp này đáng kể nếu biết chỉ có 2% (5-9 tỉ USD) trong tổng số tiền từ thiện trên toàn cầu năm ngoái là dành để giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra, trong đó có cả Amazon.

Các nhà hoạt động môi trường lâu nay chỉ trích gay gắt ông Bezos và Amazon, chủ yếu bởi lượng phát thải carbon của tập đoàn này tăng do lạm dụng bao nhựa để đóng gói cũng như chạy theo nỗ lực chuyển hàng ngày càng nhanh. Amazon còn bị tố là tìm cách “bịt miệng”, thậm chí sa thải những nhân viên lên tiếng về vấn đề phát thải carbon. Trước sức ép của các nhân viên, tỉ phú Mỹ hứa sẽ biến Amazon thành công ty trung tính carbon vào năm 2040, sớm hơn 1 thập niên so với cam kết trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, và cũng sẽ mua 100.000 xe tải điện để giao hàng.

Giới chuyên gia nhận định việc cắt giảm lượng khí thải là thách thức lớn đối với Amazon. Thống kê cho thấy gã khổng lồ thương mại điện tử của Mỹ giao 10 tỉ vật phẩm mỗi năm và sử dụng lượng lớn phương tiện để giao hàng, kéo theo đó là lượng khí thải cũng như rác từ việc đóng gói hàng hóa cũng rất lớn. So với năm 2018 chỉ ở mức 44,4 triệu tấn CO2, “dấu chân carbon” của Amazon trong năm rồi đã tăng lên 51,17 triệu tấn. Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ ước tính mức phát thải này tương đương 13 nhà máy điện than hoạt động trong một năm.

Chỉ tính riêng trong ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm 2019 (Black Friday), Amazon đã thực hiện 4,4 triệu giao dịch. Năm nay, con số đó được dự báo nhảy lên tới 5,1 triệu giao dịch. Một nghiên cứu ước tính mua sắm thông qua trang Amazon vào Black Friday (ngày 27-11 tới) sẽ kéo theo các hoạt động thải ra thêm gần 19.000 tấn CO2 vào khí quyển.

Cuối tháng rồi, Amazon đã cho ra mắt nền tảng “thân thiện với khí hậu” trên website của hãng với mục đích cắt giảm lượng bao bì đóng gói cũng như “dấu chân carbon”. Hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới khẳng định sáng kiến này hỗ trợ cam kết trở thành công ty trung tính carbon vào năm 2040. Dù vậy, các chuyên gia môi trường cho rằng điều đó vẫn chưa đủ.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nguoi-giau-nhat-the-gioi-chi-tien-chong-bien-doi-khi-hau-a127574.html