Người giáo viên tiểu học

Tôi là giảng viên Đại học Yangon từ đầu những năm 1960. Trước đó, khoảng 3 năm, tôi có dạy tại một trường trung học ở Taungdwin-gyi và được đánh giá tương đối tốt.

Thực ra, tôi từng nghĩ rằng điều đó chẳng có gì to tát: Người ta có thể trở thành một giáo viên giỏi mà chẳng cần phải nỗ lực, có năng khiếu hay tài năng gì nhiều. Thế nhưng, những gì tôi chứng kiến trong một lần về thăm quê khiến tôi phải suy nghĩ lại.

Tôi về quê đúng vào dịp bắt đầu năm học mới và nhận ra rằng, việc đánh giá như thế nào là một “giáo viên tốt” còn nhiều phiến diện. Để tôi kể thêm cho kỹ.

Lần đó về Taungdwin-gyi, tôi muốn đến vãn cảnh chùa Shwe In Taung, nơi người ta có đặt một thư viện nhỏ. Tôi là một trong những người điều hành thư viện đó cùng mấy người bạn. Vì thế, chúng tôi thường gặp gỡ nhau ở đó vào buổi tối. Trên đường tới thư viện, tôi ghé qua ngôi trường tiểu học cạnh chùa để thông báo cho một người bạn rằng tôi sẽ đợi anh ấy ở thư viện. Bạn tôi là U Nyan Sein, một giáo viên nghệ thuật nhưng cũng dạy cả hai môn đọc và viết cho học sinh lớp một.

 Minh họa: PHÙNG MINH.

Minh họa: PHÙNG MINH.

Khi tôi tới ngoài cửa lớp thì thấy U Nyan Sein đang vẽ một hình gì đó lên bảng. Lũ trẻ năm tuổi, mới vào lớp một, ngồi trật tự phía dưới. Chỉ với vài nét đưa phấn, bạn tôi đã vẽ xong một nhân vật hoạt hình quen thuộc.

Lũ học sinh lập tức đồng thanh nói: “Cụ rùa!”

Bạn tôi lại vẽ thêm một chiếc gậy. Lũ trẻ lại đồng thanh: “Cụ rùa chống gậy đi bộ!”

U Nyan Sein tiếp tục vẽ, lũ trẻ lại đồng thanh: “Cụ rùa đang hút tẩu!”

Bạn tôi quay về phía lũ học sinh, hỏi: “Một hôm, cụ rùa ra ngoài đi bộ. Theo các em thì cụ gặp ai nào?”

Nói rồi U Nyan Sein quay lên bảng và lại vẽ thêm một hình nữa.

Lũ trẻ đồng thanh: “Anh chàng thỏ ạ!”

“Ồ, rồi thỏ nói với cụ rùa…”

Có vẻ như bạn tôi đang kể một câu chuyện nào đó mà tôi không nhớ nên tôi chỉ phẩy tay ra dấu cho bạn tôi cứ tiếp tục rồi định rời đi. Bạn tôi cười, gọi theo: “Cậu ở lại cùng nghe cũng được!”

Cỡ khoảng hai, ba ngày gì đó, tôi liên tục thấy bạn tôi vẽ và kể chuyện. Vì vậy, tôi hỏi U Nyan Sein rằng tại sao anh chẳng dạy bọn trẻ gì cả. U Nyan Sein bảo: “Tớ dạy viết và đọc cho lũ trẻ lúc nào mà chẳng được? Đúng thế, ý tớ là vậy. Có điều là vào thời điểm này thì điều quan trọng nhất là phải làm sao cho lũ trẻ yêu thích việc tới trường đã. Chúng phải thích tới trường chứ không phải tới trường vì sợ. Đó mới là bước đi quan trọng nhất!”

Tôi cũng cho rằng bạn mình có lý. Thế là hôm sau tôi lại tới xem U Nyan Sein dạy học. Hôm đó, có một thằng bé ngồi ở hàng ghế đầu cứ khóc mãi. Thằng bé chẳng buồn nhìn những hình vẽ hay nghe chuyện bạn tôi kể. Nó cứ khóc và chẳng có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ nín. Chốc chốc nó lại liếc nhìn ra ngoài cửa sổ. Ở đó là một người phụ nữ lớn tuổi, có lẽ là bà của nó, đang ngồi dưới một gốc me.

Nhận ra điều đó, U Nyan Sein bảo người phụ nữ ngồi dưới gốc me: “Bà Daw Aye Thar ơi, bà cứ về đi. Đừng lo gì về thằng bé. Nếu bà cứ ngồi đó thì nó vẫn sẽ khóc thôi”.

Ngay lúc đó, thằng bé lại gào lên. Người phụ nữ ngần ngừ không muốn đi.

U Nyan Sein bảo tôi: “Nhiều khi ứng xử với phụ huynh còn khó hơn với lũ trẻ ấy chứ”.

Nói rồi U Nyan Sein bảo người phụ nữ: “Nếu không về thì bà có thể đi ra góc xa kia, khuất hẳn tầm nhìn của thằng bé ấy”.

Người phụ nữ chầm chậm quay đi. Thấy vậy, thằng bé lại tiếp tục gào lên.

U Nyan Sein tiếp tục câu chuyện của mình, còn thằng bé cũng tiếp tục “công việc” của nó. Cứ thế, vài phút trôi qua “ai làm việc nấy”. Cuối cùng, U Nyan Sein bảo: “Nào các con, có vẻ như anh bạn nhỏ của chúng ta có nhiều nước mắt quá nên mãi vẫn chưa nín được. Sao chúng ta không khóc cùng bạn để nhanh chóng hết nước mắt nhỉ?”

Ngay lập tức lũ trẻ sắm vai mới đầy hào hứng. Lớp học bỗng ngập tràn tiếng khóc, tiếng nấc. Thằng bé thì ngược lại. Nó đột nhiên nín bặt vì ngạc nhiên. Khi lũ trẻ ngừng lại, tôi chẳng thể nhịn được cười. Một khung cảnh náo loạn, chẳng bao giờ thấy ở một lớp học bình thường.

U Nyan Sein quay lại với câu chuyện của mình. Khi thằng bé khóc trở lại, lớp học lại cùng khóc để “lấy bớt đi nước mắt” cho bạn. Và rồi nước mắt đã không còn rơi trong ngày hôm đó nữa.

Hôm sau, tôi đến lớp học của U Nyan Sein thật sớm. Có vẻ như thằng bé vừa mới nín khóc. U Nyan Sein hào hứng bảo cả lớp: “Này các con, hôm nay thầy mang mận cho các con đấy nhé. Có ai muốn ăn mận không nào?”

Lũ trẻ đồng thanh: “Có ạ!”

“Vậy thì ai muốn ăn giơ tay”.

Những cánh tay nhỏ bé giơ lên. Thằng bé hay khóc không giơ tay như lũ bạn mà chỉ hỏi thầy giáo: “Mận thật hả thầy? Con cũng thích!”

U Nyan Sein quay lên bảng, vẽ một hình tròn và một cuống lá phía trên. Quay xuống dưới, U Nyan Sein bảo: “Đây là quả mận. Ai là người lấy trước nào?”

U Nyan Sein vờ như đang hái trái mận và ném về phía một cậu học sinh: “Này, bắt lấy. Con nhỏ tuổi nhất nên được ưu tiên đấy nhé”. Thằng bé cũng vờ đón lấy “quả mận”, đưa vào miệng, nhai ngon lành. Cả lớp ồ lên vui vẻ với trò chơi mới. Đứa thì bảo: “Quả này chua!”; đứa lại bảo: “Ngọt đấy chứ!”; đứa thì vờ vứt đi, bảo: “Quả này bị ủng rồi”. Đứa nào cũng giơ tay đòi thêm mận. Tiết học trôi nhanh. Thằng bé hay khóc giờ đã hòa cùng chúng bạn.

Ngày hôm sau, bạn tôi bảo: “Hôm nay thầy sẽ mua mận của các em. Mỗi lần mua 5 quả, nhưng chỉ những quả ngọt là được tính điểm thôi nhé. Thầy sẽ không mua quả chua hay quả ủng đâu. Nào, giờ thì thầy sẽ vẽ quả mận ngọt nhé”. Nói rồi, U Nyan Sein vẽ một hình tròn. “Còn đây là quả mận ủng”, U Nyan Sein cũng vẽ một hình tròn nhưng hơi méo. Lũ trẻ lần lượt vẽ hình tròn theo hướng dẫn của U Nyan Sein.

Cứ thế, lũ trẻ vẽ và kiểm tra chéo lẫn nhau xem đâu là “mận ngọt”, đâu là “mận ủng”. Cuối cùng, mỗi đứa đều có 5 quả mận trên chiếc bảng con của mình. U Nyan Sein lần lượt gọi từng đứa mang bảng lên kiểm tra: “Quả này hơi chua rồi, vì nó hơi méo. Lần sau thầy không mua đâu nhé, nhưng lần này thì thầy mua tạm. Mỗi quả một điểm nhé”.

Lũ trẻ vui vẻ nhận điểm. Thằng bé hay khóc hôm trước cũng mang bảng lên đưa U Nyan Sein với vẻ hơi ngần ngại. U Nyan Sein bảo: “Này, con hay khóc nhưng mận của con lại rất ngọt đấy!” Thằng bé vui sướng chạy vụt về chỗ. Từ đó, thằng bé vui vẻ hơn hẳn và hay tham gia phát biểu.

Ngày hôm sau nữa, khi buổi học bắt đầu, U Nyan Sein yêu cầu học sinh lần lượt đứng dậy nói to tên của mình. Sau cùng, U Nyan Sein viết chữ cái đầu tiên lên bảng. Anh quay xuống nói với học trò của mình: “Các con đều có tên của riêng mình. Người bạn này của chúng ta cũng vậy. Tên cậu ấy là “A”, chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái”.

Cứ thế, lũ trẻ lần lượt nhớ tên những “người bạn” mới trong bảng chữ cái. Nhìn vào lớp, không ai nghĩ rằng chúng đang học những chữ cái đầu tiên, mà người ta tưởng rằng ở đó đang diễn ra một trò chơi gì đó rất hấp dẫn. Những nét chữ đầu tiên cũng được viết lên bảng con chẳng mấy khó khăn bởi lũ trẻ đã luyện được cách vẽ “mận ngọt” trước đó.

Ra về sau những buổi “dự giờ” ngẫu nhiên ấy, tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều về ý niệm thế nào là một giáo viên tốt và tự đặt câu hỏi: “Liệu mình đã là một người thầy tốt như U Nyan Sein, một thầy giáo tiểu học, hay chưa?”. Và tôi nhớ ở đâu đó, ai đó đã nói một câu thế này: “Người giáo viên giỏi là người có thể bước lên bục giảng với chỉ một viên phấn trong tay”.

Truyện ngắn của Aung Thinn (Myanmar) MAI CHI (dịch)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nguoi-giao-vien-tieu-hoc-549450