Người già, trẻ nhỏ lũ lượt nhập viện trong đợt nắng đỉnh điểm ở Hà Nội

Người già nhập viện do đột quỵ, nhồi máu não… Trong khi, trẻ nhỏ chủ yếu mắc bệnh đường hô hấp và tiêu hóa.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, trong đợt nắng nóng cao điểm từ ngày 12-19/5/2019, Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận hàng chục ca bệnh lý liên quan trực tiếp đến nắng nóng với biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi, chuột rút, rối loạn điện giải máu...

Một số ca bệnh nặng đã được chuyển đến Viện Tim mạch quốc gia (BV Bạch Mai) để tiếp tục theo dõi thêm. Số còn lại đã ổn định và được xuất viện.

Người bệnh tại BV Bạch Mai trong ngày nắng lên tới 40 độ C.

Người bệnh tại BV Bạch Mai trong ngày nắng lên tới 40 độ C.

Theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cấp cứu tổng hợp, Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai: “Đây là đợt nắng nóng cao điểm lần thứ 2 tại miền Bắc trong năm nay, số lượng bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu A9 chỉ tăng nhẹ. Đáng chú ý là những bệnh nhân có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi mãn tính, suy thận…Với những bệnh nhân có sẵn bệnh lý nền như vậy, nắng nóng sẽ là yếu tố thuận lợi gia tăng tình trạng đột quỵ, nhồi máu não…. nếu bệnh nhân không có kiến thức để tự chăm sóc và kiểm soát tốt các bệnh lý sẵn có này”.

Trong khi đó, tại BV Đa khoa Thanh Nhàn, trong những ngày nắng nóng vừa qua, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 20 bệnh bị đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, tăng 3 lần so với bình thường.

Theo BS Phạm Thị Trà Giang, Trưởng khoa Cấp cứu BV Thanh Nhàn, nắng nóng làm thân nhiệt đột ngột tăng cao như một stress cơ thể và gây ra những biến chứng. “Trong những ngày nắng nóng, với người già tốt nhất là ở trong phòng mát không ra ngoài trời. Thứ hai là kiểm soát huyết áp tốt bằng cách uống thuốc và thường xuyên đo huyết áp”, bác sĩ Giang khuyến cáo.

Cũng tại BV Thanh Nhàn, sau những ngày nắng nóng đỉnh điểm số trẻ nhập viện và điều trị tại Khoa nhi cũng tăng gấp rưỡi so với bình thường, phần lớn nhập viện vì bệnh lý đường hô hấp và tiêu hóa. Trong đó, 50% số trẻ mắc bệnh đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phổi. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao và co giật.

Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng khiến cơ thể trẻ không kịp thích nghi. Khi trẻ có biểu hiện sốt, các bậc phụ huynh cần chú ý điều chỉnh thân nhiệt trẻ ổn định. khi có dấu hiệu bất thường như ho nhiều, sốt cao nên cho trẻ đi khám, không tự ý điều trị tại nhà.

Các chuyên gia y tế lưu ý người dân, trong điều kiện nắng nóng bất thường nên tránh thời điểm nắng nóng nhất - thường là từ 12h đến 16h hàng ngày. Trong trường hợp phải làm việc ngoài trời hay phải di chuyển trên đường, mọi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng hiệu quả. Cần lưu ý uống đủ nước, uống ít một, uống liên tục.

Nếu có các biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, chuột rút, thân nhiệt tăng cao bất thường cần được đưa vào nơi râm mát nghỉ ngơi và nên đến kiểm tra tại cơ sở y tế gần nhất.

Đặc biệt, thời tiết cực đoan quá nóng hoặc quá lạnh sẽ tác động xấu đến sức khỏe của người già, nhất là những người mắc bệnh lý nền mãn tính như tiểu đường, béo phì, cao huyết áp… Người già nếu có biểu hiện chân tay yếu, nhìn mờ, méo miệng, khó thở hay đau ngực… cần được đưa ngay tới các cơ sở y tế thăm khám, cấp cứu kịp thời. Thời gian vàng để điều trị đột quỵ não là dưới 4,5 tiếng; nhồi máu cơ tim là 30 phút-1 giờ./.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/nguoi-gia-tre-nho-lu-luot-nhap-vien-trong-dot-nang-dinh-diem-o-ha-noi-911787.vov