Người già ở Singapore phải chăm cả con lẫn bố mẹ

Khi tuổi thọ Singapore ngày càng tăng, nhiều người về hưu cảm thấy áp lực khi phải chăm sóc bố mẹ đã ngoài 80.

Kor Ter Ming (61 tuổi, tài xế taxi) vẫn luôn nhớ và thích những chuyến du lịch cùng bố mẹ, em trai ở vùng biển phía đông Malaysia.

Cứ mỗi lần trở lại bãi biển mộc mạc ở Pahang và Terengganu, ông Kor lại hồi tưởng về những kỷ niệm đẹp của gia đình, những điều bố từng dặn dò hai anh em.

Giờ đây, người đàn ông 60 tuổi này vẫn tiếp tục truyền thống của gia đình khi mỗi năm ít nhất một lần ông lại cùng vợ và hai con đã trưởng thành đi du lịch.

Và thỉnh thoảng, bố của ông Kor, cụ Kor Hong Fatt (87 tuổi) - người đã khởi xướng thói quen này - cũng tham gia cùng họ.

“Việc có thể cùng đi du lịch với bố và gia đình là một điều may mắn, một đặc ân với tôi. Tôi có thể tận hưởng chuyến đi trọn vẹn khi vừa làm cha, vừa là con”, ông Kor nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hạnh phúc khi bố mẹ mình sống thọ như ông Kor. Với Martha Lee (từ chối tiết lộ tên thật vì sợ bị kỳ thị), việc chăm lo cho người mẹ 92 tuổi đã phá hỏng ước mơ cũng như nghề nghiệp của bà.

Singapore đứng đầu thế giới về tuổi thọ trung bình - gần 85, vượt xa cả Nhật Bản.

Singapore đứng đầu thế giới về tuổi thọ trung bình - gần 85, vượt xa cả Nhật Bản.

Bà Lee đã một mình chăm sóc mẹ hơn 15 năm qua trong khi 5 anh chị em khác trong nhà chỉ hỗ trợ tài chính. Người phụ nữ độc thân 60 tuổi này đã phải bỏ việc nhưng mọi thứ vẫn rất khó khăn khi mẹ bà bị mất trí và sức khỏe ngày một yếu.

“Tôi thực sự không bao giờ nghĩ rằng mẹ vẫn còn sống khi mình đến tuổi 60”, bà Lee nói.

Ông Kor Ter Ming và bà Martha Lee thuộc thế hệ sandwich của Singapore - những người đang phải chăm sóc bố mẹ lẫn con cái cùng một lúc. Hầu hết thế hệ sandwich là những người trong độ tuổi từ 30-60 nhưng vẫn có nhiều người đã nghỉ hưu ở độ tuổi 60-70.

Khi Singapore đứng đầu thế giới về tuổi thọ trung bình - gần 85 năm, vượt xa cả Nhật Bản - những người về hưu không còn lớn tuổi nhất trong gia đình.

Tình hình được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn khi tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tiếp tục tăng cao.

Sống lâu nhưng không khỏe

Người Singapore đang sống lâu hơn bao giờ hết. Tại cuộc họp vào tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết số lượng người già trăm tuổi đã tăng gấp đôi từ gần 500 trong năm 2007 lên 1.300 ở hiện tại.

Điều này được cho là nhờ vào sự phát triển của các cơ sở chăm sóc sức khỏe đẳng cấp thế giới và phòng ngừa sớm các bệnh mạn tính.

Tuy nhiên, có một thực tế rất đáng lưu tâm: Người Singapore bây giờ có thể sống thọ nhất thế giới, nhưng phần lớn người già lại có tình trạng sức khỏe kém hơn nhiều so với 30 năm trước.

Nghiên cứu được thực hiện trong năm nay cho thấy từ 2009 đến 2017, tỷ lệ người cao tuổi mắc 3 bệnh mạn tính trở lên đã tăng gần gấp đôi.

Ngoài việc gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, nhiều người Singapore từ 60 tuổi trở lên bị nhiều bệnh như huyết áp cao, cholesterol trong máu cao, đục thủy tinh thể, viêm khớp và tiểu đường.

Một phụ nữ lớn tuổi bán chocolate ở khu tài chính của Singapore. Người dân Singapore đang sống lâu hơn, nhưng phần lớn người già lại có sức khỏe kém.

Trong khi thế hệ sandwich hiện tại như ông Kor Ter Ming và bà Martha Lee có thể nhờ cậy anh chị em chia sẻ gánh nặng chăm sóc bố mẹ, thì thế hệ tiếp theo sẽ không còn dám mơ về điều này.

Tỷ lệ sinh ở Singapore là 1,4, thấp hơn mức sinh thay thế 2,1. Một ví dụ đơn giản: Trong khi bà Martha có 5 anh chị em để chia sẻ, ông Kor và vợ sẽ chỉ có 2 con luân phiên chăm sóc họ trong tương lai.

Thế hệ sandwich ở Singapore sẽ còn bị "ép" chặt hơn nữa khi vào năm 2050, 3,08 triệu người - tương đương 47% tổng dân số đảo quốc sư tử - được dự đoán trên 65 tuổi.

Yorelle Kalika, giám đốc điều hành của Active Global Caregivers - một công ty chăm sóc cao cấp có chi nhánh tại Hong Kong và Singapore - nhận định điều này sẽ gây áp lực rất lớn đối với lực lượng.

Kết hợp với thực tế là 26,6% người cao tuổi dự kiến mắc các bệnh mạn tính vào năm 2035, bà Kalika tin rằng Singapore cần có hệ thống chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp hơn.

Chuẩn bị cho người trẻ khi về già

Dân số già cũng ngày càng gây nhiều tốn kém cho Singapore. Báo cáo gần đây của trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho thấy một công dân Singapore từ 65 tuổi trở lên sống một mình cần khoảng 1.379 SGD/tháng (1.015 USD) để đáp ứng các nhu cầu cơ bản.

Còn những người 55-64 tuổi cần khoảng 1.721 SGD (1.267 USD).

Ngoài việc phải tự nuôi sống bản thân, nhóm người này phải cố gắng đảm bảo đủ tiền tiết kiệm để chăm sóc cha mẹ ở độ tuổi sau 60.

Nhưng vẫn có một số tín hiệu khả quan. Theo chuyên gia Helen Ko từ ĐH Khoa học Xã hội Singapore, chính phủ đang tích cực chuẩn bị các biện pháp đối phó với sự già hóa dân số.

Tuổi nghỉ hưu đã được tăng lên 65 và 70 để giúp những người phải chăm sóc người già đảm bảo nguồn thu. Ngoài ra, một số có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được trợ cấp 200 SGD (147 USD) mỗi tháng.

Tuy nhiên, bà Ko tin rằng giải pháp quan trọng không kém đó là chuẩn bị tâm lý cho người trẻ.

"Họ cần được chuẩn bị để gánh vác trách nhiệm chăm sóc người già cũng như đảm bảo rằng mình vẫn khỏe mạnh ở tuổi xế chiều", bà Ko nói.

Nhiều người Singapore ở độ tuổi 60, 70 cảm thấy áp lực vì vừa chăm sóc con cái lẫn bố mẹ.

Cải thiện cuộc sống cho người cao tuổi cũng trở thành ưu tiên hàng đầu của Singapore.

Năm 2015, chính phủ nước này đã giới thiệu Gói Thế hệ Tiên phong để giúp công dân sinh trước năm 1950 đối phó với các chi phí chăm sóc sức khỏe và sinh hoạt.

Năm nay, Gói Thế hệ Merdeka đã được đưa ra để giúp đỡ những người sinh trong những năm 1950.

Với bà Marimuthu Govindasamy (61 tuổi), việc có thể thưởng thức một tách cà phê hoặc trò chuyện với mẹ (84 tuổi) là điều bà chưa bao giờ tưởng tượng khi còn trẻ.

"Khi đó, tôi đã nghĩ tuổi 60 đồng nghĩa với sự yếu đuối và già nua. Thế nhưng bây giờ khi ở tuổi này, tôi cảm thấy khỏe mạnh và hạnh phúc hơn bao giờ hết. Mối quan hệ với mẹ đã tốt đẹp hơn vì bây giờ chúng tôi giống như bạn bè. Chúng tôi chia sẻ những điều mà trước đây không thường nói đến", bà Govindasamy kể.

Tương tự, ông Kor Ter Ming cũng đang tận dụng mọi cơ hội để có thể bắt kịp tuổi già của bố. Nhưng ông biết rằng cánh cửa đang đóng rất nhanh.

"Ký ức của cha ngày càng nhạt nhòa và vì vậy tôi cố gắng kể về quá khứ để giúp ông nhớ lại", ông Kor chia sẻ.

Lê Vy
Ảnh: AFP

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/the-he-sandwich-o-singapore-tuoi-xe-chieu-phai-cham-ca-con-lan-bo-me-post1008780.html