Người già Nhật Bản sống cô đơn, đến chết vẫn cô đơn

Sự phát triển kinh tế và dịch chuyển xã hội đã làm xói mòn mối quan hệ gia đình tại Nhật Bản.

Một cụ già sống đơn côi trong căn hộ tại Tokiwadaira

Sự phát triển kinh tế và dịch chuyển xã hội đã làm xói mòn mối quan hệ gia đình tại Nhật Bản. Thực tế này cũng đã để lại hậu quả lớn đó là sản sinh ra một thế hệ người Nhật Bản buộc phải sống và chết trong sự cô đơn.

4.000 người qua đời trong cô đơn/tuần

Theo báo Bưu Điện Hoa Nam, câu chuyện một người đàn ông 69 tuổi chết trên nền nhà ở khu dân cư Tokiwadaira, ngoại ô Tokyo trong suốt 3 năm mà không ai hay biết có lẽ đánh dấu sự ra đi trong cô đơn đầu tiên tại Nhật Bản.

Sau khi người này qua đời, tiền thuê nhà hàng tháng và các khoản chi trả sinh hoạt hàng ngày vẫn được trừ tự động từ tài khoản ngân hàng. Cuối cùng, sau khi các tài khoản tiết kiệm của ông hết sạch tiền vào năm 2000, giới chức mới đến căn hộ và phát hiện người thuê chỉ còn là bộ xương khô nằm gần bếp, cách các nhà hàng xóm xung quanh chừng vài mét.

Thực trạng đáng báo động về việc sống và chết trong cô đơn của người dân buộc giới chức địa phương tại Nhật Bản phải khởi động các dịch vụ kiểm tra người già sống cô đơn và khuyến khích hàng xóm quan tâm tới nhau.

Ngôi nhà mà người già này qua đời nằm trong khu nhà của Chính phủ xây dựng, một trong những khu dân cư lớn nhất tại Nhật vốn là biểu tượng cho sự bùng nổ trẻ em thời hậu chiến và tạo tiền đề cho một cuộc sống hiện đại, kiểu phương Tây.

Nhưng ngày nay, khu nhà bỗng nhiên trở nên nổi tiếng với cái tên rùng rợn nơi “chết trong cô đơn”.

Có thể, nước nào cũng có những trường hợp người già chết trong cô đơn nhưng chưa có nước nào trải qua thực trạng giống như Nhật Bản, nơi có dân số già hóa với tốc độ nhanh nhất trên thế giới.

Hiện nay, hơn 1/4 dân số Nhật Bản trên 65 tuổi và dự kiến tăng 40% tính đến năm 2050. Vấn nạn này đã trở nên đáng báo động và buộc Chính phủ Nhật phải lưu tâm sau khi một tạp chí hàng tuần nổi tiếng đăng tải thông tin “4.000 người chết cô đơn/ tuần” ngay trên trang bìa.

“Cách chúng tôi chết phản chiếu cách chúng tôi sống”

Xu thế chết trong cô đơn là hậu quả một xã hội dân số già và những thay đổi trong cấu trúc gia đình. Suy nghĩ đơn điệu, chỉ tập trung vào phát triển kinh tế sau một thế hệ dài bị trì trệ, đã làm tan rã cấu trúc và ý nghĩa về gia đình, cộng đồng, khiến thế hệ về sau của Nhật mắc kẹt giữa tình trạng tuổi ngày càng tăng và tỉ lệ sinh giảm.

Những hộ gia đình 3 thế hệ không còn nhiều như trước. Hiện nay, hầu hết người Nhật thích sống một mình, số lượng cặp đôi kết hôn rất thấp và nếu có thì cũng ít người sinh con.

Theo cô Masaki Ichinose, đến từ Trung tâm Nghiên cứu sự sống và cái chết tại Đại học Tokyo, đàn ông Nhật Bản lớn tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương vì danh dự và ngại ngần nhờ cậy sự giúp đỡ.

Họ về hưu sau một vài công việc gắn bó cả đời và mất đi cộng đồng duy nhất. Nếu những người này góa vợ, ly hôn hoặc không kết hôn, họ sẽ rơi vào cảnh cô đơn đến cuối đời - cô Kumiko Kanno, tác giả một cuốn sách về sự qua đời trong cô đơn chia sẻ.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng, thế hệ trẻ quá tập trung vào sự nghiệp và không có con cái đẩy họ đến cảnh sống cô đơn khi về già. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, một số người Nhật nghĩ, họ hoàn toàn có thể sống tốt và không cần phải có thêm bạn mới.

Cứ như vậy, sự cô đơn tuyệt đối của người già Nhật Bản trở thành điều hoàn toàn bình thường. Ông Takumi Nakazawa, 83 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Cư dân tại khu nhà Tokiwadaira trong suốt 32 năm cho biết: “Cách chúng tôi chết phản chiếu cách chúng tôi sống”.

Nở rộ dịch vụ dọn dẹp thi thể, tín ngưỡng

Thực trạng trên đã kéo theo nhu cầu phát triển ngành công nghiệp chôn cất cho những người qua đời mà không có người thân, bạn bè. Các công ty bảo hiểm còn bán cả dịch vụ cho chủ nhà trong trường hợp người thuê chết trong khu nhà trọ của họ.

Những dịch vụ này bao gồm chi phí dọn dẹp căn hộ và bồi thường thất thoát trong hoạt động thuê nhà. Một số chủ nhà thậm chí còn trả tiền làm các thủ tục liên quan đến tín ngưỡng sau khi có người qua đời tại đây.

Chủ một căn hộ tại Kawasashi, ở phía Nam Tokyo do không mua bảo hiểm trên nên đã mất tới 2.250 USD dọn dẹp căn hộ khi một người thuê qua đời một mình trong nhà của ông.

Chủ nhà chỉ phát hiện ra khách thuê là ông Hiroaki (54 tuổi) qua đời sau khi ông chậm trễ nộp tiền thuê nhiều tháng liền. Một đại diện từ công ty quản lý bất động sản đã tới tận nhà để xem xét tình hình.

Khi mở cửa, vị đại diện này tá hỏa phát hiện ông Hiroaki nằm phục trên ghế sofa. Có lẽ, ông đã nằm đây suốt 4 tháng qua. Mặc dù có mùi hôi thối nồng nặc nhưng lạ thay người dân xung quanh hoặc cửa hàng ngay phía bên dưới không hề cảm thấy bất thường.

Sau khi thi thể được đưa đi, công ty quản lý đã gọi điện cho một công ty tên Next đến dọn dẹp. Một đội gồm 4 người đã tới cùng một chiếc xe tải trống và đồ bảo hộ toàn thân. Họ dọn ghế sofa, hút bụi và dọn dẹp đồ đạc, rác thải lên xe tải.

Căn phòng rộng 18m2 bộc lộ toàn bộ cuộc sống cô đơn của ông Hiroaki, quanh quẩn với những bát mỳ ăn liền, chai nước giải khát, lon cà phê, đầu thuốc lá, hàng chục chiếc bật lửa và quần áo bẩn chất đống.

Ông Hiroaki là điển hình cho trường hợp người Nhật thích sống một mình, không muốn kết giao với thế giới bên ngoài nên sự biến mất của ông cả tháng trời cũng không ai hay biết hoặc để ý.

Sau khi đội nhân viên dọn dẹp xong đồ đạc của ông cũng là lúc mọi dấu vết của ông trên cõi đời gần như biến mất, không còn những lưu luyến từ bạn bè, người thân hay những di sản, kỷ niệm để lại.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nguoi-gia-nhat-ban-song-co-don-den-chet-van-co-don-d254742.html