Người già cần có một 'vai' mới trong xã hội

Năm 2030 châu Á sẽ là nơi sinh sống của 60% số người già trên thế giới (tính từ 65 tuổi trở lên). Ở một châu lục có nhiều thế hệ vẫn cùng chung sống trong một mái nhà; người già vẫn phải tự mưu sinh, có khi vẫn là lao động chính thì vị thế của họ trong gia đình hay xã hội vẫn là một câu chuyện dài.

Bộ phim “Bố già” (đạo diễn Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng) bất ngờ trở thành một hiện tượng của điện ảnh Việt. Một bộ phim dù được xem là: "chưa hoàn hảo", "quá ôm đồm" và "quá cầu toàn" nhưng có lẽ đã chạm đến một điều gì sâu thẳm trong tâm hồn con người hôm nay.

Năm 2030 châu Á sẽ là nơi sinh sống của 60% số người già trên thế giới (tính từ 65 tuổi trở lên). Ở một châu lục có nhiều thế hệ vẫn cùng chung sống trong một mái nhà; người già vẫn phải tự mưu sinh, có khi vẫn là lao động chính thì vị thế của họ trong gia đình hay xã hội vẫn là một câu chuyện dài.

Bác sĩ Trương Thị Hội Tố (phải) đang tư vấn cho bệnh nhân tại phòng khám.

Bác sĩ Trương Thị Hội Tố (phải) đang tư vấn cho bệnh nhân tại phòng khám.

Ở tuổi 52, ông Đoàn Ngọc Hải vẫn tham dự hơn 10 giải marathon cự ly 42km và chinh phục nhiều cung đường dài trên mọi miền đất nước bằng chiếc xe cứu thương thiện nguyện. Bà Nguyễn Thị Năm, 87 tuổi (Đắk Lắk) vẫn miệt mài làm kẹo kéo bán cho học sinh vì muốn nhìn thấy những hình ảnh tuổi thơ.

Ở tuổi ngoài 90, bác sĩ Trương Thị Hội Tố (Hà Nội) vẫn hàng ngày khám bệnh miễn phí cho các bệnh nhân cao niên… Người già chọn cho mình cách sống, tự tạo ra con đường cho mình sau khi đã nghỉ chế độ, khi con cái đã có thể tự lập. Phải chăng, đã đến lúc cần bàn đến câu chuyện xa xôi hơn: một hành trình mới của những người không còn trẻ.

Lâu nay, trong nếp nghĩ của nhiều người, tuổi già đồng nghĩa với sự thoái lui khỏi vị thế trung tâm của xã hội. Người già chỉ cần được an hưởng để giữ sức khỏe. Vì thế, họ có thể dần mất đi tiếng nói trong gia đình, xã hội, hoặc trở nên “lệch pha” với quan niệm sống của người trẻ như nhân vật ông Thuấn (trong truyện ngắn “Tướng về hưu” của nhà văn Nguyễn huy Thiệp) hay nhân vật Ba Sang trong phim “Bố già”. Sự lệch pha đó dẫn đến những bi kịch của xã hội mà chúng ta vẫn cảnh báo như tình cảm gia đình, thái độ ứng xử với cha mẹ, giá trị đạo đức… Nhưng, nhìn ở một góc độ khác, người già đang tự vận động theo cách của họ như một xu thế mới để tạo lập vị thế mới.

Năm 2016, ông cụ Mahashta Murasi, người Ấn Độ (sinh năm 1835) đã rời quê nhà Bangalore qua thành phố Varanasi làm công nhân. Lý do thật đơn giản vì con cháu, bạn bè và họ hàng của ông đều đã qua đời. Có thể, đó là câu chuyện lạ của thế giới. Nhưng, trong xã hội ngày nay, có rất nhiều người hết tuổi lao động, có thời gian, sức khỏe và có điều kiện kinh tế, có chuyên môn lại đang lúng túng khi lâu nay đã không còn chỗ đứng trong xã hội, bị lãng quên trong guồng quay của cuộc sống.

Nhìn vào các quốc gia khác ta sẽ thấy những thay đổi thú vị: theo cơ quan Thống kê Lao động Mỹ dự báo, đến năm 2024, 36% người Mỹ từ 65-69 tuổi sẽ là một bộ phận của thị trường lao động, (năm 1994 mới chỉ ở mức 22%). Theo một cuộc khảo sát của Aegon, khoảng 1/3 người lao động ở Nhật, Mỹ và Anh muốn làm việc qua 70 tuổi. Ở Canada, tỷ lệ này là gần 30% .

Phải chăng, cần có một suy nghĩ khác về người già: “tuổi già là một ý niệm mang tính giao cắt: vừa là một hiện tượng thuộc về quá trình sinh lý của con người, vừa là một kiến tạo văn hóa; vừa biểu hiện ở những đặc điểm và triệu chứng thể chất, lại vừa gắn với những trải nghiệm tinh thần đặc thù” (theo Trần Ngọc Hiếu, tạp chí Sông Hương, tháng 4-2020).

Vậy điều gì đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ ấy? Vì người cao tuổi vẫn phải mưu sinh để nuôi thân, vì họ vẫn còn mang gánh nặng lo toan cho con cháu hay thói quen thích làm việc?

Ông Đoàn Ngọc Hải tại Giải Marahton khám phá Quảng Bình.

Người già tiếp tục tham dự vào các hoạt động xã hội, tiếp tục làm việc có trở thành một lực cản với người trẻ? Chẳng phải, chúng ta đã dành những tháng năm tuổi trẻ để đương đầu với thử thách, chiến thắng áp lực và giờ đây khi có tuổi, lại bỏ đi những kinh nghiệm, những suy ngẫm ấy một cách uổng phí. Trong khi, người trẻ thì lại vẫn đang rong ruổi trên con đường va vấp, tìm kiếm những thứ đang sẵn có trong bàn tay của chính thế hệ cha anh mình.

Từ những vấn đề đặt ra trong bộ phim “Bố già”, từ chính thực tế cuộc sống, đặt ra cho chúng ta những suy cảm về một chặng đường mới của những người có tuổi.

1.Người già cần có một chỗ đứng trong gia đình, trong cuộc sống nếu như chính họ luôn xác định được vị thế của mình. Điều đó xuất phát từ cách tiếp cận, nhìn nhận của chính chúng ta về họ ngày hôm nay. Người trẻ vẫn cần đến họ ở sự cống hiến bằng những phương thức mới chứ không thể chỉ dựa trên những so sánh đơn giản về sức khỏe, về độ nhanh nhạy nắm bắt kĩ năng, công nghệ.

Ví như chuyện ông cụ Từ Trung Chánh (77 tuổi) suốt 25 năm qua đã miệt mài đến thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh để tự học tiếng Anh; cụ Trần Nhật Thứ (86 tuổi) ở TP Hồ Chí Minh đã trở thành sinh viên công nghệ thông tin (CNTT) trực tuyến tại FUNiX; Năm 2018, ông Ngô Tôn Đức (SN 1945 ở Hà Nội) trở thành sinh viên văn bằng 1 hệ vừa học vừa làm của Trường đại học Luật Hà Nội… tất cả các trường hợp đó nói lên điều gì? Liệu ở vào độ tuổi thất, bát tuần, việc học của các cụ có đem lại hiệu quả? Xã hội có cần thêm một người già biết ngoại ngữ, CNTT, kiến thức luật hay không?

Chính việc làm của các cụ thể hiện sự văn minh, tinh thần làm việc và sẽ truyền nguồn cảm hứng đó cho những người trẻ đang ngại học, ngại tiếp thu, ngại đổi mới; tạo ra một biên độ rộng lớn hơn của xã hội học tập. Hay, nói một cách khác, họ đang học tập vì chính bản thân chúng ta, học cũng chính là cách các cụ làm một việc có ý nghĩa tích cực cho xã hội. Đó cũng là cách chúng ta lạc quan ở tương lai sau của chính mình.

2. Người già cần một sự dũng cảm từ phía chúng ta để được tin tưởng. Lâu nay, chúng ta chỉ kêu gọi nhau hãy tin tưởng ở người trẻ, nhân tố mới, tin như một sự mạo hiểm. Trong khi, lại đang vô tình mất niềm tin ở người già, đặc biệt là khi họ đã nghỉ hưu. Niềm tin của xã hội với người già không chỉ là cách tiếp cận một đối tượng, một nhóm mà còn là thái độ ứng xử, sự trân trọng với họ. Niềm tin là sự kế thừa truyền thống “kính già yêu trẻ” của người Việt Nam nhưng bằng một cách thức mới mẻ khoa học và đúng đắn hơn.

3. Người già cũng cần thoát khỏi cái bóng của chính mình. Cũng trong bộ phim “Bố già”, nhân vật Quắn từng nói cha khi thấy ông Ba Sang chỉ chăm lo cho con cái, họ hàng mà không quan tâm đến bản thân mình: "Tại sao ba cứ hy sinh cho người khác mà không quan tâm người ta có cần hay không?". Câu thoại ấy có phần lạnh và gắt, có phần đau xót nhưng vô cũng trân quý.

Hơn thế nữa, nó còn là một phản đề: Người già cần được kính trọng nhưng ở phương diện nào đó hãy tự thoát ra khỏi cái bóng của chính mình, thoát khỏi vai tuổi tác để gánh vác một vai mới. Đó là vai một người bạn đồng hành cùng những người trẻ chinh phục những thử thách mà chưa thế hệ nào trải qua. Đó là những rạn nứt trong tình cảm gia đình giữa thời kinh tế thị trường. Đó là những tiện ích, những hệ lụy của thời đại công nghệ. Người già cùng trải nghiệm ở mực độ nào đó những sản phẩm của xã hội mới để cùng thấu hiểu, sẻ chia và có lẽ đó là cách để kéo dài thời gian quý giá trong cuộc đời này.

Câu chuyện về tuổi tác, về người già không chỉ là công việc của những lĩnh vực chính sách, an sinh xã hội mà còn là câu chuyện của văn hóa, của đời sống tâm hồn. Người già vẫn cần được ứng xử để tạo ra sự hài hòa trong xã hội, cần có một sự hòa nhập đúng nghĩa với cuộc sống một cách bình đẳng bằng cách riêng của mình. Chúng ta cần những người già, sẵn sàng ứng xử với họ như những người bạn đồng hành thay vì chỉ kính trọng họ và vô hình trung tạo ra một bầu khí quyển cô đơn vây quanh họ. Bởi họ đã và sẽ mãi mãi là một báu vật của thế giới này…

Kiến Văn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/vu-ca-kho-co-gioi-thuc-pham-sach-lieu-co-an-toan-636412/