Người già bị bạo hành ngay trong nhà: 'Tôi như người thừa...'

Bà Mùi chia sẻ, ở nhà bà không được trông cháu, không được cho cháu ăn, cuộc sống hàng ngày của bà chỉ có ăn và nằm.

Trong quan niệm, lối sống của người Việt, cha mẹ trước hết luôn là những người hy sinh vì con cái. Chính vì thế, trong suy nghĩ của các bạn trẻ hay những cặp vợ chồng trẻ đã quen với ý nghĩ, đã là cha mẹ là phải hy sinh và con cái đương nhiên được thừa hưởng những quyền lợi đó.

Ngày 5/10, phóng viên báo Đất Việt đã có buổi tìm hiểu về mối quan hệ với con cái của những người già tại một Viện dưỡng lão ở Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Mùi (73 tuổi, Hà Nội) tâm sự, bà vào Viện dưỡng lão được 2 năm rồi nhưng số lần con cháu vào thăm bà được tính trên đầu ngón tay.

"Mặc dù nhà tôi và Viện dưỡng lão chẳng xa nhau là mấy nhưng mỗi năm con cháu chỉ vào thăm tôi có 1, 2 lần thôi. Lý do tôi vào viện dưỡng lão cũng bởi ở nhà tôi không có ai trò chuyện, không có việc gì để làm.

Suốt ngày chỉ có đến bữa ăn qua loa rồi lại vào phòng nằm, tôi thấy bí bách vô cùng. Vợ chồng con trai tôi có con nhỏ hơn 2 tuổi nhưng tôi cũng không được trông cháu, không được cho cháu ăn. Tôi cứ như người thừa trong cái nhà của tôi, chỉ có việc ăn việc ngủ, mà tuổi già đâu có ngủ được nhiều?", bà Mùi chia sẻ.

Tuổi già họ chỉ mong muốn có người tâm sự, được con cái quan tâm nhưng khi không có được điều đó, họ phải tìm đến Viện dưỡng lão. Ảnh minh họa

Tuổi già họ chỉ mong muốn có người tâm sự, được con cái quan tâm nhưng khi không có được điều đó, họ phải tìm đến Viện dưỡng lão. Ảnh minh họa

Theo bà Mùi, nhiều hôm bà muốn ra ngoài tập thể dục, đi bộ cùng các ông, các bà trong khu phố nhưng con bà không đồng ý vì sợ bà ra đường sẽ bị xe tông vào. Lúc buồn chán, bà muốn tâm sự, nói chuyện với con nhưng các con bà đều kêu bận, không có thời gian.

"Cuộc sống trong những năm cuối đời tôi chỉ cần có người bầu bạn, chồng tôi đã mất, chỉ có con cháu để tâm sự thôi nhưng cũng không được. Từ khi đến Viện dưỡng lão, tôi cảm giác như mình trẻ ra được mấy tuổi bởi ở đây tôi có người nói chuyện, được đi lại, được làm những việc mình thích, được thắc mắc những gì mình không hiểu, được giao lưu", bà Mùi chia sẻ.

Cũng theo bà Mùi, tiền đóng ở viện dưỡng lão mỗi tháng hơn 7 triệu đồng nhưng số tiền này đều do bà tự đóng từ tiền lương hưu và tiền góp nhặt từ hồi bà còn trẻ. Mỗi lần con cháu vào thăm bà trong viện dưỡng lão chỉ đem theo ít bánh kẹo, chưa một lần hỏi xem mẹ ở đây tiền chi phí thế nào để con lo.

"Tôi vào viện dưỡng lão như trút được gánh nặng cho con cái, vậy mà chúng nó cũng không trả tiền viện phí cho tôi. Có lần tôi hỏi thì con trai tôi bảo giờ tôi già không tiêu gì đến tiền thì lấy lương hưu để chi trả viện phí.

Tôi không phải không có tiền, tiền của tôi sau này cũng để cho con thôi nhưng tôi cũng cần một câu nói của chúng thể hiện sự quan tâm đến tôi. Ở nhà thế nào cũng được nhưng không được gần mẹ mà các con tôi không có chút động lòng hay cảm xúc gì sao?", bà Mùi trầm giọng.

Cũng có mặt tại Viện dưỡng lão này, ông Lê Văn Sĩ (69 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, từ ngày vợ ông mất, ông đã chuyển hẳn đến viện dưỡng lão vì ông biết ở nhà chỉ khiến ông thêm căng thẳng.

Ông Sĩ kể, khi vợ ông còn sống, vợ chồng ông hàng ngày phải trông cháu, trông nhà nhưng tối về vẫn bị vợ chồng con trai mắng về chuyện cho cháu ăn.

"Chúng tôi có tuổi rồi và hơn nữa ngày xưa nuôi con khác, làm sao theo được thời buổi bây giờ mà biết cho cháu ăn theo cách của Nhật, của Mỹ. Tôi cũng đã nói với vợ chồng con tôi về việc muốn chăm con cẩn thận và theo ý mình thì bỏ tiền thuê người giúp việc nhưng chúng nó không đồng ý, bảo thuê người ngoài không yên tâm.

Không yên tâm để người ngoài chăm con để ông bà chăm cháu thì phải biết thông cảm về cách nuôi dạy cho bố mẹ chứ. Chúng tôi già, chân tay đều chậm chạp, làm sao nhanh tay nhanh mắt được như thế hệ trẻ mà so sánh", ông Sĩ tâm sự.

Cũng theo ông Sĩ, từ ngày ông vào viện dưỡng lão đến giờ, ông có tình cảm với một bà ở trong viện. Hai ông bà thân thiết với nhau hơn chỉ từ những việc rất nhỏ nhặt như đi bộ cùng nhau, tâm sự nhiều, nâng đỡ nhau khi dùng nạng. Từ khi 2 ông bà ở cạnh phòng, giờ là chung phòng và đến kê sát giường.

"Ban đầu hai bên con cái không ai đồng ý nhưng do chúng tôi thuyết phục dần mà các cháu đã gật đầu. Tuy nhiên, con cái hai bên để chúng tôi ở viện dưỡng lão cũng không bên nào bảo đón về nhà. Mặc dù có chút buồn nhưng dù sao thấy chỉ có nơi này mới có không gian riêng cho chúng tôi, đưa bà ấy về nhà cũng không thể trông cháu như xưa được", ông Sĩ chia sẻ.

Có thể thấy rằng, một vấn nạn mà xã hội đang phải đối mặt là nhiều bậc cha mẹ còn khỏe mạnh, minh mẫn nhưng vẫn bị coi như gánh nặng và bị gạt ra khỏi cuộc sống chung trong gia đình. Thậm chí, có quan điểm cho rằng, đây là một dạng bạo lực mà nhiều người già hiện nay đang phải gánh chịu.

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/nguoi-gia-bi-bao-hanh-ngay-trong-nha-toi-nhu-nguoi-thua-3366828/