Người ghi lại những hình ảnh quý giá

Nhà báo Trần Hồng sinh ra và lớn lên tại Hà Tĩnh. Tốt nghiệp khóa 1 chuyên ngành nhiếp ảnh trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền) và trở thành PV ảnh báo Quân đội Nhân dân từ năm 1973. Sau nhiều năm cầm máy, Trần Hồng đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc ở thể loại ảnh chân dung về người mẹ Việt Nam và đặc biệt là chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Làm báo trong môi trường quân đội đã cho ông có cơ hội tiếp cận với cuộc chiến tranh ác liệt, đầy gian khổ của dân tộc ta. Đặc biệt, ông đã được trực tiếp tham gia tác nghiệp tại nhiều mặt trận như mặt trận biên giới Tây Nam, Tây Bắc, Tây Nguyên với tư cách là PV mặt trận. Vì vậy, Trần Hồng đã có điều kiện để trò chuyện cùng các chiến sĩ, nắm bắt được tâm tư, tình cảm của họ ngoài mặt trận.

Trong quá trình cầm máy, ông đã tập trung khai thác 2 đề tài chính là người mẹ Việt Nam và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Rồi một cơ duyên đã đến với ông đó là vào tháng 10-1994, Đại tướng nói với Đại tá Nguyễn Huyên (thư ký của Đại tướng) rằng: “Để cậu này vào gặp tôi bất kỳ lúc nào”. Đó là ngày đã mở ra cánh cửa mới trong cuộc đời ông.

Đại tá Trần Hồng luôn tâm niệm: Người ta mong muốn một lần được gặp Đại tướng đã khó mà ông có bao cơ hội để tiếp cận như vậy thì phải có trách nhiệm để trau dồi bản lĩnh, trau dồi nghề nghiệp. Vì vậy, mỗi lần tác nghiệp tại Văn phòng Đại tướng, cái say sưa làm việc nghiêm túc, hết mình và trân trọng làm cho Đại tướng có độ tin cậy cao. Trần Hồng nhớ lại: “Khi các đoàn vào thăm và chúc mừng Đại tướng, xin chụp ảnh lưu niệm chung với Đại tướng thì bao giờ Đại tướng cũng hỏi Trần Hồng đã chụp được chưa?”.

Đại tá - nhà báo Trần Hồng phát biểu tại buổi lễ trao tặng những bức ảnh quý về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho một trường đại học.

Đại tá - nhà báo Trần Hồng phát biểu tại buổi lễ trao tặng những bức ảnh quý về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho một trường đại học.

Cho đến nay, Đại tá Trần Hồng rất hài lòng với công việc mình làm: “Đối với tôi, bức ảnh nào chụp về Đại tướng cũng có ý nghĩa bởi tôi đã ghi lại mọi khoảnh khắc của Đại tướng từ lúc tiếp khách cho đến những công việc thường ngày. Theo lẽ thường, người chụp ảnh nói chung hay PV nhiếp ảnh nói riêng luôn mong ống kính của mình là những bức chân dung đẹp, những cái gì hào khí, những cái gì phấn chấn… người ta bất đắc dĩ lắm mới chĩa ống kính đến những nơi mà cần phải ghi. Nhưng cuộc đời không phải như vậy, đặc biệt là với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi đã làm những việc ấy trong điều kiện mình cần làm.

Những bức ảnh của tôi chụp hoàn toàn chân thực, không qua bất kỳ một một khâu xử lý kỹ thuật nào. Những bức ảnh tôi chụp nhằm khắc họa phẩm chất thanh cao, sự giản dị của một vị Tướng trong cuộc sống đời thường-một người luôn đau đáu vì nước, vì nhân dân; một con người huyền thoại, một thiên tài, nhưng rất mực giản dị và gần gũi với tất cả chúng ta.

Nhiều năm nay, tôi vẫn chụp ảnh Đại tướng bằng chiếc Nikon 801 loại thường, dùng phim chứ không phải bằng kỹ thuật số. Ngay sau mỗi lần chụp, tôi rửa ảnh luôn, rồi lưu giữ phim vào chiếc tủ gỗ bằng phương pháp thủ công. Chứ không cho phép mình can thiệp sử dụng bất kỳ kỹ thuật photoshop vào ảnh của mình. Các hãng làm ảnh đều biết cá tính này của tôi. Việc chỉnh sửa là thiện ý nhưng các nếp nhăn, sự từng trải đã xếp đầy trên khuôn mặt Đại tướng, nếu xóa mờ đi, với tôi, đó là sự xuyên tạc”.

Theo ông, một tác phẩm tốt phải hướng tới giá trị chân-thiện-mỹ. Ông luôn tôn trọng cái thật một cách tuyệt đối. Đã là ảnh thì phải là sự thật, sự thật và sự thật. Mình có thể cắt cúp cái này, cái kia đó là quyền của mỗi người chụp để lột tả được nhân vật. Đối với thể loại ảnh chân dung-đặc biệt là đối với chụp ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì càng không được tùy tiện thêm bớt, những nếp nhăn, vết sẹo thì càng phải được trân trọng.

Ông tâm sự: “Tôi rất thích một cái bớt ở ngón tay Đại tướng, mỗi khi lộ ra thì bao giờ ông cũng bấm máy rất nhiều”. Đối với ông, bao giờ Đại tướng xuất hiện trước ống kính là một thách đố quá lớn. Vì Đại tướng là một vĩ nhân, một thiên tài được thế giới công nhận. Trần Hồng chụp ảnh không chịu bất kỳ một áp lực nào trước một cây đại thụ. Và ông đã chụp theo cách của riêng mình bằng tình yêu, sự kính trọng mãnh liệt đối với Đại tướng. Nếu không chụp được những bức ảnh vừa ý thì đó sẽ là tội lỗi với cá nhân Đại tướng và nhân dân.

Một kỷ niệm khác rất đáng nhớ luôn in đậm trong tâm trí Trần Hồng trong một dịp được đi cùng Đại tướng về thăm quê Quảng Bình (năm 2004). Lần đó đi tàu Thống Nhất, khi Đại tướng vừa ăn cơm xong, ông giở cuốn sổ nhật ký để ghi chép. Tôi lặng lẽ lấy máy ảnh ra chụp được 4 kiểu, đến kiểu thứ 5 đèn lóa sáng mạnh, Đại tướng phát hiện ra và không cho. Tôi nhìn kỹ lại, hóa ra lúc ấy Đại tướng vừa ăn cơm xong, đang ngậm một chiếc tăm xỉa răng. Đại tướng luôn giữ đúng tác phong, tư thế của một quân nhân khi xuất hiện trên ảnh, còn tôi lại muốn chụp ảnh Đại tướng với những gì là đời thường nhất. Nhưng thật là khó…”.

Mỗi lần được tác nghiệp trong Văn phòng Đại tướng, dường như cái “lãi nhất” đối với ông là được gần gũi và chụp ảnh Đại tướng và đằng sau Đại tướng ông được tiếp cận rất nhiều người, rất nhiều tầng lớp trong xã hội ở trong và ngoài nước, những nhà chính trị, kinh tế, ngoại giao, thể thao… những người luôn ngưỡng mộ và trân trọng Đại tướng với tấm lòng thành kính. Ông đã chụp và tặng họ để rồi có mối quan hệ tâm giao với họ, đồng cảm với họ, có mối giao cảm giữa người được chụp và người chụp đó là những cái lãi mà ông có được. Mặt khác, ông học được ở Đại tướng một nhân cách lớn, một tấm gương mẫu mực về sự giản dị, thanh cao, hết lòng vì nước, vì dân.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-ghi-lai-nhung-hinh-anh-quy-gia-169570.html