Người được hoãn... báo tử

Từ cuối năm 1972, chị Phạm Thị Hon, Bí thư Đoàn xã Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), thường xuyên lui tới thăm nom gia đình mẹ Nguyễn Thị Duyện ở cuối làng Xuân Nẻo (xã Hưng Đạo). Nhận ra sự 'quan tâm khác biệt', mẹ Duyện chủ động nói: 'Cô Hon cứ về báo cáo với lãnh đạo xã, tôi là thành viên Hội Mẹ chiến sĩ của xã, tôi rất vững vàng, kể cả khi thằng Tứ không trở về. Dù vậy, tôi vẫn không tin là nó đã mất'.

Sau phút bất ngờ, chị Hon thủ thỉ với mẹ Duyện, rằng chị đang làm công tác tư tưởng cho gia đình về việc UBND xã Hưng Đạo chuẩn bị báo tử anh Nguyễn Xuân Tứ (con trai của mẹ). Thấy thế, mẹ Duyện bảo: "Hãy cứ để xem đã, tôi linh cảm thằng Tứ không chết đâu!".

Nguyễn Xuân Tứ sinh năm 1952, nhập ngũ tháng 1-1971, rồi đi B, là chiến sĩ thuộc Trung đội 3, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, miền Đông Nam Bộ. Chiến trường Phước Long, Bình Long, Thủ Dầu Một, Chơn Thành, Tân Khai... là những địa bàn quen thuộc mà anh cùng đồng đội từng chiến đấu qua hàng chục trận giao tranh quyết liệt với đối phương. Một trong những kỷ niệm sâu sắc của cuộc đời anh là trận đơn vị đối đầu với quân địch trong những ngày chúng điên cuồng phá cụm chốt chặn Tàu Ô-Xóm Ruộng, bên Đường 13 trên đất Bình Long (tháng 6-1972). Cụm chốt này được ví như "cánh cửa thép" ngăn chặn, không cho quân địch đến giải vây thị xã An Lộc, đồng thời ngăn chặn địch ở An Lộc rút chạy khỏi vòng vây của Quân Giải phóng.

CCB Nguyễn Xuân Tứ (bên trái) chăm sóc cây ăn quả trong vườn nhà.

Nửa đêm hôm ấy, Trung đội 3 (sau trận đánh Bến Cát, nhiều đồng chí hy sinh, chỉ còn 15 tay súng, hầu hết mới được bổ sung) dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Nguyễn Văn Phồn (quê Thanh Hóa) lập chốt chặn ở khoảng giữa hai căn cứ của địch là sân bay Téc-ních (trên đất Quản Lợi, Bình Long) và cứ điểm Núi Gió, nhằm ngăn chặn địch từ Núi Gió tiếp tế cho sân bay; đồng thời tạo thuận lợi để khi thời cơ đến sẽ tấn công sân bay, tiêu diệt đại đội biệt động của quân địch ở đó...

Ngày hôm sau, khoảng 8 giờ, địch phát hiện ra chốt chặn và huy động hỏa lực mạnh tấn công áp đảo. Khi bộ binh của chúng tràn vào chốt, bộ đội ta từ các hầm cố thủ xông lên, dùng tiểu liên và súng B40, B41 đánh trả quyết liệt. Mũi chiến đấu của anh Tứ gồm đồng chí trung đội trưởng và 4 chiến sĩ, vừa đánh vừa tìm cách hạn chế tiêu hao lực lượng... Máu thấm đỏ công sự. Lúc từ dưới hào nhô lên bắn trả địch, anh Tứ bị thương do một quả M79 của chúng nổ ngay sau lưng. Trong giây lát, anh chỉ kịp cảm nhận mảnh đạn găm vào người, rồi lịm đi... Khi tỉnh dậy, trong trạng thái mơ màng, anh có cảm giác như đang tắm ở ao đồng làng thuở chăn trâu, cắt cỏ. Hóa ra, trận mưa bất thường đã “hồi dương” cho anh. Anh cứ một mình nửa chìm nửa nổi, lõm bõm dưới hào sâu.

Đến đêm, các chiến sĩ vận tải của trung đoàn vào hầm để đưa thương binh và thi hài của anh em ra ngoài, thấy Tứ đôi mắt lờ đờ, tấm lưng loang lổ vết thương nhưng vẫn còn thở, nên cấp tốc chuyển anh về bệnh xá sư đoàn. Ngay sau đó, anh được chuyển thẳng lên Bệnh viện Miền, điều dưỡng trong 6 tháng. Đồng đội ở đơn vị cũ đánh trận liên miên, ai cũng gắng trả thù cho các chiến sĩ đã hy sinh ở chốt chặn, trong đó có anh. Và, giấy báo tử Nguyễn Xuân Tứ đã sớm về tới quê hương anh.

Sau khi Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (ngày 27-1-1973), Sư đoàn 9 in "Thiếp báo tin" để các chiến sĩ gửi về gia đình, trùng hợp với lần cuối cùng chị Hon thay mặt lãnh đạo xã Hưng Đạo làm công tác tư tưởng đối với mẹ Duyện như đã nói ở trên. Nhờ đó, lễ báo tử và truy điệu Nguyễn Xuân Tứ đã được dừng lại kịp thời.

Tháng 6-1976, anh Tứ xuất ngũ về quê với tỷ lệ thương tật 41%, thương binh hạng 3/4. Anh tham gia công tác thông tin tuyên truyền của xã. Ba năm sau, bạn bè thân hữu chúc mừng anh "song hỷ", bởi cùng một lúc anh trúng cử Bí thư Đoàn xã Hưng Đạo và được Nguyễn Thị Hoan-cô gái làng 18 tuổi, đẹp như trăng rằm, nổi tiếng về nghề thêu ren, nhận lời kết hôn...

Từ đó đến nay, Nguyễn Xuân Tứ vừa nhiệt tình công tác, xây dựng địa phương, vừa hăng say làm vườn, phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, ông cùng vợ làm chủ phòng tranh thêu tay Hoan Tứ nổi tiếng, gồm hơn 50 tay thêu. Sản phẩm có mặt khắp thị trường nội địa và ở các nước: Anh, Pháp, Nga, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhiều tác phẩm, trong đó có "Hoa sen-quốc hoa của Việt Nam" mang đậm sắc thái nghệ thuật, khiến du khách càng ngắm càng say... Cơ sở thêu tay Hoan Tứ còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần lưu truyền, phát huy và quảng bá sản phẩm nghề thêu truyền thống của dân tộc.

Hôm nhận bằng của Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, bà Hoan cảm động nói: "Có được vinh hạnh này, ngoài sự quan tâm giúp đỡ của những người thầy dạy nghề, của lãnh đạo địa phương, của bạn bè, đồng nghiệp, sự nỗ lực của bản thân..., tôi còn có một chỗ dựa vững vàng về mọi mặt, đó là chồng tôi-thương binh Nguyễn Xuân Tứ".

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/nguoi-duoc-hoan-bao-tu-508325