Người dùng TPCN tăng nhanh nhưng nhiều sản phẩm quảng cáo sai sự thật

Nếu như năm 2000 chỉ khoảng 500.000 người (0,5% dân số) biết và sử dụng TPCN thì năm 2017, số người dùng đã tăng lên 21,48% dân số. Hiện, hầu hết các bệnh viện, đặc biệt bệnh viện tư, các hiệu thuốc đều có bán và sử dụng TPCN.

Một gian hàng TPCN được trưng bàu tại Hội nghị

Một gian hàng TPCN được trưng bàu tại Hội nghị

Đây là thông tin được PGS. TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam cho biết tại Hội nghị khoa học Quốc tế về TPCN lần thứ 2 do Bộ Y tế, Cục ATTP và Hiệp hội TPCN Việt Nam tổ chức vào sáng nay 22/11.

Theo ông Đáng, những sản phẩm TPCN đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 1999 là những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ. Đến năm 2000 mới chỉ có 13 doanh nghiệp nhập khẩu với 63 sản phẩm. Đến năm 2016 đã có 1872 công ty sản xuất kinh doanh với 3447 sản phẩm, trong đó sả phẩm sản xuất trong nước chiếm 56,45%.

“Số người sử dụng TPCN ngày càng tăng. Theo đó, năm 2000, số người biết và sử dụng TPCN còn rất ít, chỉ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn ước tính chỉ có khoảng 500.000 người, sử dụng (khoảng 0,5% dân số).

Đến năm 2005 có sấp xỉ khoảng 1.000.000 người sử dụng TPCN (chiếm 1,1% dân số) chỉ ở 23 tỉnh. Năm 2010, có khoảng 5.700.000 người sử dụng (chiếm 6,6% dân số) ở khắp 63 tỉnh thành cả nước.

Năm 2015 có khoảng 15.500.000 người dùng (chiếm 17,22% dân số) ở khắp các tỉnh thành. Hầu hết các bệnh viện, nhất là bệnh viện tư, các hiệu thuốc đều có bán TPCN và sử dụng TPCN. Kể cả ở các làng, xã, miền núi, biên giới, hải đảo. Năm 2017, số người dùng TPCN đã tăng lên 21,48% dân số”, ông Trần Đáng nêu.

Trước sự “bùng nổ” các sản phẩm TPCN, Cục trưởng Cục ATPT Nguyễn Thành Phong cho biết, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản quản lý mặt hàng này. Đặc biệt đến năm 2010, TPCN chính thức được quản lý bởi Luật ATTP và NĐ số 38/2012/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết thi thành một số điều của Luật ATTP, dưới đó là các TT của Bộ Y tế quy định, hướng dẫn việc đăng ký sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo… đối với thực phẩm chức năng.

Và gần đây nhất là NĐ số 15/2018/NĐ- CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, đặc biệt trong đó có quy định : Kể từ ngày 1/7/2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải áp dụng Thực hành sản xuất tốt (GMP).

Ông Phong cũng chỉ ra những tồn tại về TPCN trong thời gian qua. Đó là tình trạng, quảng cáo chức năng sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung. Quảng cáo vi phạm các quy định cấm quảng cáo theo QĐ của pháp luật, bên cạnh đó sản xuất TPCN không đúng với chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm,; Ghi nhãn sản phẩm chức năng không đúng với các quy định của pháp luật, sản xuất TPCN khi chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; sản xuất TPCN ở nơi không có đủ điều kiện đảm bảo ATTP.

Ông Phong cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ cũng như các Bộ ngành sẽ triển khai quyết liệt việc quản lý TPCN. Cụ thể: các cơ sở sản xuất TPCN phải áp dụng thực hành sản xuất tốt GMP theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm túc công bố sản phẩm theo quy định; triển khai quyết liệt việc xử phạt vi phạm hành chính về ATTP.

Ông Phong nhấn mạnh, không lo thiếu TPC chỉ lo thiếu TPCN không chất lượng. Nếu không nghiêm khắc, để tình trạng như hiện nay thì doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc, rất lớn cũng như một DN đầu tư hết sức tiết kiệm, rất nhỏ tạo sự không bình đẳng đối với TPCN.

Khi chất lượng khó kiểm soát thì thiệt hại đầu tiên ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng. Do đó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm cho biết sẽ “kiên quyết thực hiện lộ trình GMP, đề nghị các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện lộ trình này”.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường công tác hậu kiểm lấy mẫu trên thị trường và gửi đơn vị kiểm nghiệm để kiểm tra mẫu, trường hợp có vi phạm các quy định về các chỉ tiêu sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, hàng giả hàng nhái sẽ chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Công thương để quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh theo phương pháp bán hàng đa cấp là TPCN sai quy định.

Về xử phạt vi phạm các doanh nghiệp ngoài các hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định còn áp dụng hình thức phạt bổ sung là công khai tên các sản phẩm cũng như tên các doanh nghiệp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Phong nhấn mạnh.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nguoi-dung-tpcn-tang-nhanh-nhung-nhieu-san-pham-quang-cao-sai-su-that-post282632.info