Người đưa tin, người bạn trung thành và người thầy của các nhà ngoại giao

Báo Thế giới & Việt Nam luôn khẳng định được mình khi chất lượng tờ báo ngày càng tăng lên và đạt được những thành tựu đáng tự hào, góp phần vào thành công chung của Ngành.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.

Thấm thoắt đã 30 năm trôi qua, mới hôm nào còn chập chững bước vào cổng số 1 Tôn Thất Đàm với bao tự hào xen lẫn ngập ngừng bỡ ngỡ. Nhìn lại quãng đời ngoại giao, thầm cảm ơn số phận đã mang đến biết bao người bạn, người thầy giúp tôi học hỏi nên người. Tôi may mắn được đi học ngoại giao ở Liên Xô trong khi đất nước còn khó khăn, nhưng cũng lại là điều thiệt thòi khi hơn 7 năm xa quê hương. Ngày trở về, cái gì cũng lạ lẫm, lơ ngơ, lóng ngóng. Khi ấy, tôi vượt qua kỳ thi tuyển đầu tiên của Bộ Ngoại giao, tập sự làm công tác đối ngoại, cái gì cũng mới, cũng phải học. Thật may mắn cho tôi, Tạp chí Quan hệ Quốc tế ra đời. Tôi như một người từ nơi xa lạ gặp được người bạn hiền, bảo ban tôi mọi điều. 30 năm qua, Tạp chí Quan hệ Quốc tế, nay là báo Thế giới & Việt Nam luôn đồng hành và trở thành người bạn tri kỷ dạy tôi mọi điều.

Tạp chí ra đời vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Thế giới đổi thay, hệ thống Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ, biên giới phía Bắc còn chưa bình thường hóa, nền kinh tế đất nước vô cùng khó khăn trong vòng bao vây cấm vận của kẻ thù, Quân đội Việt Nam vẫn đang giúp đỡ nhân dân Campuchia ngăn chặn sự quay trở lại của Khmer Đỏ....

Các nguồn thông tin đối ngoại lúc đó rất ít và chỉ lưu hành nội bộ. Đối với một cán bộ ngoại giao trẻ khi đó chưa được tiếp cận các nguồn thông tin mật, thì tờ báo là nguồn thông tin quý để nắm bắt tình hình đối ngoại. Tôi vẫn nhớ, các bài viết của các thế hệ tiền bối, các chuyên gia, đã dạy cho tôi nhiều về cách viết, cách nghiên cứu. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch luôn có các bài viết với giọng văn đanh thép, thuyết phục lòng người. Thứ trưởng Thường trực Đinh Nho Liêm, lúc đó phụ trách Trung Quốc, có cách viết thâm thúy, rất chắt chiu trong sử dụng cấp độ từ cảm thán. Thứ trưởng Nguyễn Dy Niên luôn có giọng văn bay, nhẹ nhàng của người phụ trách lĩnh vực Văn hóa UNESCO. Thứ trưởng Trần Quang Cơ với các bài phân tích về vấn đề Campuchia sắc bén, chống lại sự vu cáo của các nước thù địch với Việt Nam lúc đó. Thứ trưởng Vũ Khoan thường có các bài viết kinh điển về kinh tế vĩ mô, quan hệ kinh tế quốc tế và kinh nghiệm về mở cửa kinh tế, đầu tư, du lịch, kèm theo nhiều con số rõ ràng, cụ thể để chứng minh luận điểm rất thuyết phục lòng người. Các bài do Thứ trưởng Lê Mai phụ trách về Mỹ viết luôn hấp dẫn với giọng văn hóm hỉnh, đôi khi hài hước, làm người đọc vừa cười vui vừa tâm đắc...

Đối với tôi, các bài viết trong báo Thế giới & Việt Nam, đều có giá trị và ý nghĩa. Ngoài thông tin đặc biệt khó có thể tìm được ở các thể loại báo khác phục vụ cho công tác nghiên cứu đối ngoại, những bài viết hay hoặc dở (mà chắc chắn không có bài dở, mà chỉ do chủ quan người đọc thích hoặc không hợp mà thôi), tất cả đều có ích giúp cho người cán bộ ngoại giao trẻ như một nguồn dinh dưỡng để họ lớn lên, trưởng thành, giúp cho họ trau dồi kiến thức, kỹ năng đối ngoại, trở thành cán bộ ngoại giao của đất nước.

Đại sứ Vũ Hồng Nam

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguoi-dua-tin-nguoi-ban-trung-thanh-va-nguoi-thay-cua-cac-nha-ngoai-giao-105277.html