Người đưa kỹ thuật 'Cấy chỉ Việt Nam' rạng danh khắp châu Âu

Với hàng nghìn bệnh nhân mắc các bệnh như tự kỷ, Down, bại liệt, vô sinh, ung thư… qua phương pháp cấy chỉ đã điều trị thành công khiến tên tuổi bác sỹ Lê Thúy Oanh được cộng đồng quốc tế biết tới.

Bác sỹ Oanh và bệnh nhân Albert Laszlo. (Ảnh: NVCC)

Bác sỹ Oanh và bệnh nhân Albert Laszlo. (Ảnh: NVCC)

Bác sỹ Lê Thúy Oanh - Giám đốc Trung tâm cấy chỉ Việt Nam tại Hungary, tác giả của phương pháp cấy chỉ Lê Thúy Oanh, một kỹ thuật mà bà đã cần mẫn, miệt mài học hỏi, theo đuổi và phát triển trong hơn 30 năm qua.

Với hàng nghìn bệnh nhân mắc các bệnh như tự kỷ, Down, bại liệt, vô sinh hay ung thư… qua phương pháp cấy chỉ của bà đã được điều trị thành công khiến tên tuổi của nữ bác sỹ người Việt nổi tiếng toàn châu Âu.

Tại hội thảo quốc tế “Hội ngộ đỉnh cao ngành căng chỉ, cấy chỉ - Bước tiến mới trong thẩm mỹ, y khoa," diễn ra ngày 2/4/2021, tại Hà Nội, từ đầu cầu Hungary, bác sỹ Oanh đã có những chia sẻ về thành tựu của mình trong suốt 30 năm qua.

Người Việt tạo dấu ấn riêng

Nhờ các thành công từ phương pháp cấy chỉ này, bác sỹ Oanh đã được nhiều kênh truyền hình trên thế giới giới thiệu và được tạp chí uy tín nhất của Hunggari "Ki So-đa Ki" (Ai là Ai) bình chọn là một trong hai người châu Á tiêu biểu nhất của năm 1992. Bác sỹ Lê Thúy Oanh là người đã đưa kỹ thuật “Cấy chỉ Việt Nam” rạng danh khắp châu Âu.

Bác sỹ Oanh cho hay, bà là bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền. Bà thực hiện phương pháp cấy chỉ từ năm 1982. Năm 1989 bà được mời sang Hungary làm chuyên gia. Từ đây, bà phát triển và thành lập một Viện phương pháp cấy chỉ mang tên Lê Thúy Oanh – phương pháp đông tây y kết hợp có thể điều trị hàng trăm loại bệnh khác nhau. Trong 20 năm qua, phương pháp cấy chỉ mang tên Lê Thúy Oanh đã chứng minh hiệu quả, với hàng chục ngàn ca điều trị, trong đó có cả những ca bệnh khó như tự kỷ, Down, bại liệt, vô sinh hay ung thư… hay thông qua các chương trình đào tạo cho hàng ngàn bác sỹ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Hungary và các nước châu Âu.

Trung tâm cấy chỉ Việt Nam tại Hungary. (Ảnh: NVCC)

Bác sĩ Lê Thúy Oanh cho biết đã chữa khỏi cho 950 trường hợp vô sinh, kéo dài thời gian sống cho 9.500 trường hợp mắc bệnh ung thư, điều trị cho 1.800 ca tự kỷ, 400 trường hợp mắc bệnh Down, 200 trường hợp liệt do tai nạn, 450 trường hợp liệt do tai biến, hơn 200 trường hợp động kinh, hơn 400 trường hợp mắc bệnh tiểu đường, hơn 2.000 trường hợp bị dị ứng…

Bác sỹ Oanh dẫn chứng, một trường hợp nữ bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú từ năm 1989, đã di căn 6 nơi: tử cung, đại tràng, phổi, hạch bạch huyết, thận, xương. Bệnh nhân đã hóa trị nhiều lần không có kết quả và dị ứng với tất cả các loại thuốc. Tháng 6/1990, bệnh viện trả bệnh nhân về trong tình trạng bị liệt toàn thân. Sau đó, bác sỹ Oanh đã điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp cấy chỉ. Sau 1 năm điều trị bằng phương pháp này, bệnh nhân đã đi lại được và sức khỏe hồi phục. Sau đó, bệnh nhân vẫn duy trì liệu trình điều trị cấy chỉ 6 tháng 1 lần. Đến nay, sau gần 31 năm điều trị, bệnh nhân vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.

Bác sỹ Oanh và trường hợp nữ bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú điều trị từ năm 1990 (Ảnh: NVCC)

Một trường hợp khác bác sỹ Oanh cho biết, đó là bệnh nhân Albert Laszlo, ở Hungary, 58 tuổi. Bệnh nhân trên mắc bệnh viêm toàn bộ màng mieline thần kinh viêm tủy, vì vậy anh nằm liệt 18 năm. Đến năm 2000 anh được điều trị bằng phương pháp cấy chỉ Lê Thúy Oanh. Sau 1 năm anh Albert Laszlo phục hồi hoàn toàn. Từ đó đến nay, cứ 3-6 tháng 1 lần, anh đến viện cấy chỉ của bác sỹ Oanh để điều trị củng cố. Và 21 năm qua, anh hoàn toàn khỏe mạnh.

Bác sỹ Oanh phân tích, phương pháp cấy chỉ mang tên bà có sự khác biệt: Đưa chỉ vào huyệt kích thích kéo dài thay cho kim châm cứu. Ngoài luồn chỉ tại chỗ cần cấy tại chỗ còn giúp nâng cao chức năng các phủ tạng liên quan thông qua huyệt châm cứu để nâng cao tác dụng và kéo dài hiệu quả.

Trường hợp bệnh nhân Elek 55 tuổi, cao 210cm. Bệnh nhân đã mổ ung thư tinh hoàn và hạch bụng năm 1987. Năm 2007, anh bị tai nạn xe máy, bị thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ C6 C7. Các đốt sống lưng cũng bị thoái hóa L1 đến L5. Anh được cố định cổ và sau khi điều trị ở Thái Lan 2 tháng. Tháng 10/2007, khi đến viện cấy chỉ anh vẫn phải ngồi xe đẩy, bị đau, tê bại hai tay và chân. Sau 4 lần Cấy chỉ thủy châm, anh đã đi lại được, tay gần như hết tê đau. Anh Elek trở lại làm việc cho tới nay.

Hàng trăm bệnh nhân điều trị mỗi ngày

Tại hội thảo, bác sỹ Đỗ Tân Khoa - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh - người đầu tiên tại Việt Nam tiên phong ứng dụng thực tiễn trong cấy chỉ châm cứu tại bệnh viện từ năm 2013 cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn. Ông cũng là một trong những người đặt nền móng cho ngành căng chỉ, cấy chỉ, đưa phương pháp này trở thành phương pháp điều trị phổ biến tại bệnh viện.

Bác sỹ Đỗ Tân Khoa - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sỹ Khoa cho biết tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân đến chữa bệnh bằng phương pháp cấy chỉ. Hiện nay, các bác sỹ của bệnh viện điều trị bằng phương pháp cấy chỉ hiệu quả cao như: Thoái hóa cột sống, khớp gối, các bệnh lý về cơ xương khớp, thần kinh, điều trị rối loạn tiền đình, các bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch như viêm xoang, viêm mũi di ứng…

“Những cây kim rất nhỏ có chỉ được đưa vào các huyệt của bệnh nhân đã thấy có tác dụng, khi bác sỹ rút kim ra, những chiếc chỉ vẫn còn trong các huyệt đó tiếp tục phát huy những tác dụng lâu dài. So sánh với các phương pháp khác như châm cứu, phương pháp cấy chỉ có ưu thế tốt hơn với tính hiệu quả, tiện lợi, tiết kiệm thời gian và tài chính, giảm chi phí cho các bệnh nhân rõ rệt.” bác sỹ Khoa phân tích.

Những năm qua, bác sỹ Khoa cũng là người đã truyền cảm hứng công nghệ hóa, hiện đại hóa cho phương pháp cấy chỉ y học cổ truyền tại Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, phó giáo sư Đinh Văn Hân - Giám đốc Trung tâm liền vết thương Viện bỏng quốc gia, Chủ nhiệm Bộ môn Da Liễu Học viện Quân Y - Chuyên gia liền vết thương và nuôi cấy tế bào đã chia sẻ về những công trình khoa học về nuôi cấy tế bào da, tế bào gốc và liền vết thương.

Từ đầu cầu Hàn Quốc, bác sỹ Lee Yong Hwan trình diễn kỹ thuật căng chỉ trong 120 phút. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sỹ đã có những chia sẻ khi là người tiếp cận khá sớm với phương pháp căng chỉ khi đã tự tìm tòi, thực hiện căng chỉ thẩm mỹ từ năm 2013.

Phó giáo sư Đinh Văn Hân cho biết trong quá trình ứng dụng, với kiến thức chuyên môn của mình, ông đã có nhiều phát hiện thú vị có giá trị cao về sự thay đổi cấu trúc làn da nhờ phương pháp căng chỉ.

Hội thảo quốc tế “Hội ngộ đỉnh cao ngành căng chỉ, cấy chỉ - Bước tiến mới trong thẩm mỹ, y khoa," là hội thảo quốc tế quy mô đầu tiên về ngành căng chỉ, cấy chỉ tại khu vực miền Bắc, quy tụ được các chuyên gia đầu ngành về cấy chỉ và căng chỉ đến từ 3 quốc gia Hàn Quốc, Hungary và Việt Nam.

Hội thảo cũng đồng thời tạo ra không gian kết nối, giao lưu, học hỏi và hợp tác cho cộng đồng bác sỹ da liễu, bác sỹ y học cổ truyền... Những chuyên gia về cấy chỉ của quốc tế và tại Việt Nam tiếp cận, nghiên cứu và thực hành phương pháp căng chỉ, cấy chỉ trong điều trị và làm đẹp hiệu quả cao đã làm nên tên tuổi họ và góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành căng chỉ, cấy chỉ tại Việt Nam./.

Cũng tại buổi hội thảo quốc tế trực tuyến, từ đầu cầu Hàn Quốc, bác sỹ Lee Yong Hwan - Cố vấn kỹ thuật cấp cao về căng chỉ của Tập đoàn 21 Century Medical, đã trực tiếp có 120 phút trình diễn kĩ thuật căng chỉ thẩm mỹ nâng mũi, trẻ hóa vùng mắt, định hình khuôn mặt.

Ông là một tên tuổi “gạo cội” trong ngành căng chỉ tại Hàn Quốc với hơn 10 năm kinh nghiệm và là một trong những người đầu tiên thử nghiệm và sử dụng phương pháp căng chỉ trong định hình thẩm mỹ.

Bác sỹ Đỗ Tân Khoa - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh nói về phương pháp cấy chỉ:

Thùy Giang (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nguoi-dua-ky-thuat-cay-chi-viet-nam-rang-danh-khap-chau-au/703880.vnp