'Người đủ mưu mô để tham nhũng cũng thừa thủ đoạn che giấu tài sản'

ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, những người có đủ mưu mô để tham nhũng tiền của Nhà nước thì cũng thừa thủ đoạn che giấu tài sản đó.

Sáng nay, QH thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Liên quan đến xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, UB Thường vụ QH nêu 2 phương án.

Phương án 1: Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét, quyết định.

Phương án 2: Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày - kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

ĐB Hoàng Văn Cường

ĐB Hoàng Văn Cường

Góp ý kiến, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhìn nhận: “Những người có đủ mưu mô để tham nhũng tiền của Nhà nước vào túi mình thì cũng thừa mưu mô, thủ đoạn che giấu tài sản đó. Việc xử lý tài sản là quá muộn so với việc phòng ngừa”.

ĐB Cường cho rằng, quan trọng là công tác phòng, chống tham nhũng chứ không phải xử lý tài sản tham nhũng.

Ông cũng cho hay, cần quy định đối tượng cần kiểm soát là những DN tư có quan hệ về kinh tế như cung cấp, mua bán tài sản, cung cấp dịch vụ cho khu vực công.

“Phải thực hiện kiểm toán công khai tài chính 3 năm, kiểm soát dòng đi của đồng tiền từ ngân sách đến khâu cuối cùng chứ không phải chỉ kiểm soát trên hóa đơn chứng từ là đủ”, ĐB Cường nói.

Ông nhấn mạnh xu thế thanh toán không dùng tiền mặt: “Người ăn xin ở một số khu vực cũng không dùng tiền mặt nữa. Không lý do gì xu hướng phát triển như thế mà dòng tiền đưa ra vẫn phải dùng tiền mặt”.

ĐB Cường đề nghị khoản 2 điều 29 phải quy định Chính phủ có biện pháp tài chính để tất cả giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ liên quan đến sử dụng tiền vốn, tài sản của ngân sách nhà nước đều không dùng tiền mặt.

Không đồng tình có thể kiện ra tòa

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc. Theo ông, đến nay chưa có quy định về xử lý trong khi đó các trường hợp vi phạm việc kê khai tài sản, thu nhập tăng thêm.

ĐB Phạm Văn Hòa

“Thời gian qua cho thấy số cán bộ công chức, viên chức có tài sản có giá trị rất lớn và giải trình không hợp lý về nguồn gốc nhưng chưa có cơ chế xử lý tài sản này gây nghi ngờ trong nhân dân”, ông Hòa nói.

Đối với phương án xử lý, ông Hòa chọn phương án 2 thông qua thuế thu nhập cá nhân, đồng thời sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại tài sản này là thu nhập chịu thuế.

Tuy nhiên, việc thu thuế cũng không loại trừ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản của người có nghĩa vụ kê khai nếu sau đó nhà nước chứng minh được tài sản này là do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có. Người có nghĩa vụ kê khai nếu không đồng tình có thể khiếu kiện ra tòa án.

Ông cho biết thêm, theo hướng này sẽ xử lý nhanh, không tạo ra tâm lý nặng nề đối với người phải kê khai so với việc xử lý thông qua con đường tòa án.

Tuy nhiên, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, không nên áp dụng đánh thuế. Bà đưa ra 6 lý do để giải thích quan điểm này, trong đó có lý do chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính công bằng, cũng không mang ý nghĩa răn đe.

“Điều này chưa chạm được đến tính nghiêm minh và tính công bằng, và hệ lụy là có thể để lọt tội phạm và không công bằng”, bà Mai nói.

Hương Quỳnh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/nguoi-du-muu-mo-de-tham-nhung-cung-thua-thu-doan-che-giau-tai-san-485148.html