Người đồng tính nam nhiễm HIV: Lời của những người trong cuộc

Tại tỉnh Bình Dương, đáng lưu ý trong số các trường hợp mắc HIV mới được phát hiện từ đầu năm đến nay có tới 52% là MSM (người đồng tính).

Bạn nam quan hệ tình dục đồng giới tìm hiểu các thông tin về điều trị HIV. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Bạn nam quan hệ tình dục đồng giới tìm hiểu các thông tin về điều trị HIV. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

“Nửa năm trước, khi cầm trên tay tờ giấy trả kết quả xét nghiệm, em đã choáng váng không tin vào thực tại.

Kết quả xét nghiệm cho thấy em đã dương tính với HIV. Có lẽ, từ khi sinh ra đến giờ, đó là thời khắc mà em cảm thấy sốc nhất trong đời. Những ngày đầu, em như gục ngã hoàn toàn, chỉ biết ân hận…”

Cậu thanh niên 20 tuổi Lê Văn G. (một người nam quan hệ tình dục đồng giới với nam - MSM) quê ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp với dáng người dong dỏng, ngồi chờ khám và lấy thuốc tại Trung tâm y tế thị xã Thuận An (Bình Dương) đã chia sẻ lại cảm xúc về những ngày đầu khi nhận được hung tin mắc bệnh HIV của mình.

HIV chưa phải là án tử

Đã nửa năm nay, tháng nào cũng vậy L.V.G., một công nhân làm việc tại Khu công nghiệp ở Bình Dương đều đặn dành một ngày tới Trung tâm y tế thị xã Thuận An lấy thuốc kháng virus (thuốc ARV) điều trị HIV.

G. kể lại: “Ban đầu khi nghe tin mình mắc HIV, do chưa hiểu biết nhiều về bệnh, em nghĩ mình dính án tử rồi và cảm thấy tuyệt vọng. Em mất ngủ triền miên và sụt cân do suy nghĩ nhiều. Sau đó, em được các bác sỹ giải thích đây chỉ như một bệnh thông thường, đã có thuốc chữa, có thể sống khỏe mạnh, có gia đình và đi làm như những người bình thường khác nếu uống thuốc đầy đủ, em đã bình tâm trở lại.”

Tâm sự về nguyên nhân mắc bệnh, G. nhớ lại trong gần một năm trước, em có yêu và quan hệ đồng tính với bạn nam không sử dụng thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV hay bao cao su. Một thời gian sau đó, người bạn của G. về quê và có gọi điện thông báo bị mắc bệnh HIV trong khoảng thời gian hai người yêu nhau. Vào tháng Ba vừa qua, G. đi xét nghiệm và nhận được kết quả dương tính với HIV.

Nhân viên y tế hướng dẫn cách dùng thuốc cho bệnh nhân L.V.G. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

G. kể, do đây là lần đầu em quan hệ với bạn nam đồng tính nên không có kinh nghiệm, em không sử dụng các phương pháp phòng hộ an toàn nào như bao cao su, hay thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Em cũng không nghĩ bạn tình của mình lại nhiễm HIV nên chủ quan.

Từ ngày 8/5, G. bắt đầu uống thuốc ARV đều đặn theo sự chỉ dẫn từ phác đồ điều trị của bác sỹ, từ đó đến nay, mỗi ngày 1 viên. Thuốc được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ nên G không phải trả bất kỳ chi phí nào.

“Em uống thuốc vào 22 giờ tối, ban đầu uống thuốc chưa quen em hay bị nhức đầu. Nhưng chỉ sau khoảng nửa tháng, em đã quen thuốc, hàng ngày vẫn đi làm bình thường và tăng cần đều. Cuộc sống của em như trở lại bình thường, em thấy lạc quan hơn,” G. chia sẻ.

G. khi được các bác sỹ tại Trung tâm tư vấn và giải thích nếu tuân thủ điều trị ARV tốt, xét nghiệm virus sẽ không còn, ít nguy cơ lây cho người khác. Đặc biệt, những người có HIV có thể lấy vợ sinh con mà không bị lây nhiễm, nam bệnh nhân đã yên tâm và tuân thủ rất tốt phác đồ điều trị.

Cũng tại Trung tâm y tế thị xã Thuận An, một nam sinh tên N.V.H. 16 tuổi là MSM nhiễm HIV đã được tư vấn và điều trị ARV.

H. giấu bố mẹ về bệnh của mình, nhưng sau đó bố mẹ phát hiện H. mắc bệnh qua sổ khám bệnh và suy sụp khi nghĩ rằng cuộc đời của H. như một dấu chấm hết.

Sau đó, H. đã nhờ bác sỹ tư vấn và giải thích cho bố mẹ về việc cậu đã tuân thủ điều trị ARV nên tải lượng virus thấp, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Bởi khi H. uống thuốc điều trị ARV đầy đủ đạt ngưỡng K=K, (tức là không phát hiện lượng virus trong máu, thì không còn nguy cơ lây truyền qua đường tình dục) và vẫn có thể sinh con khỏe mạnh.

Trung tâm Y tế Thuận An (tỉnh Bình Dương) đang quản lý 789 bệnh nhân có HIV điều trị ngoại trú (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Tình trạng nhiễm HIV dần trẻ hóa

Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sỹ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Thời gian gần đây, tình hình dịch HIV đã có sự thay đổi về cách thức lây truyền khi đối tượng mắc bệnh là những người nam quan hệ đồng giới gia tăng một cách “chóng mặt.” Điển hình như tại tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bác sỹ Vương Thế Linh - Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh có hơn 28 khu công nghiệp, dân số ước tính khoảng gần 2,5 triệu người, trong đó 80% là dân nhập cư. Đến nay, tỉnh Bình Dương đã phát hiện 7.509 người dương tính với HIV, trong đó có 3.939 người nhiễm HIV còn sống đang được quản lý.

Theo bác sỹ Linh, trong 8 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh phát hiện mới gần 600 trường hợp mắc HIV, tăng hơn 18% so với cùng kỳ của năm 2019. Đáng lưu ý trong số 98 trường hợp mắc HIV mới là người Bình Dương có tới 52% là MSM (người đồng tính).

Một đặc điểm nổi bật ở Bình Dương là số người mắc HIV trong nhóm MSM tăng rất nhanh. Sáu năm trước, con số này chỉ là 2,4% thì nay chiếm tới 52%, mà đáng lo khi có nhiều bệnh nhân là trẻ vị thành niên. Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm bệnh dần trẻ hóa trong nhóm tuổi từ 15 đến 25, xu hướng tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) và lây truyền qua đường tình dục.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tình trạng những người có HIV gia tăng nhanh ở nhóm nam quan hệ đồng giới cũng tăng mạnh trong những năm gần đây.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến cuối tháng 7/2020, lũy tích số người nhiễm HIV là 4.920 người nhiễm. Trong đó, số tử vong là 2.111 người, chiếm 43%, còn sống là 2.809 người (57%). Số nhiễm HIV mới phát hiện 7 tháng đầu năm 2020 là 125, chuyển gửi thành công đến phòng khám ngoại trú (OPC) là 120 trường hợp (96%).

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đáng lưu ý trong số các trường hợp mắc mới có 21,7% là đối tượng nghiện chích ma túy, đối tượng quan hệ tình dục khác giới chiếm tỷ lệ 13,3%, đối tượng chiểm tỷ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (51,7%), còn lại là các nhóm khác.

Đẩy mạnh các biện pháp can thiệp

Tủ thuốc ARV và thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Bác sỹ Đậu Mỹ Duyên - Trung tâm Y tế Thuận An (tỉnh Bình Dương) cho hay tại phòng khám của trung tâm đang quản lý 789 bệnh nhân có HIV điều trị ngoại trú, đa số bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt.

Bác sỹ Duyên cũng bày tỏ lo ngại khi tại trung tâm thời gian gần đây ghi nhận nhiều trường hợp MSM mắc bệnh HIV khi mới 18-20 tuổi. Hiện nay, khó khăn trong điều trị HIV cho nhóm MSM là nhiều người thay đổi bạn tình liên tục, thậm chí chỉ là tình một đêm, nên việc tư vấn về xét nghiệm, dịch vụ PrEP (thuốc dùng dự phòng cho người nguy cơ cao) cũng phải liên tục.

Với trẻ vị thành niên nhiễm HIV, nhân viên y tế càng gặp nhiều vấn đề khi phải tư vấn cho cả phụ huynh, linh động thời gian phát thuốc, tránh cho trẻ phải nghỉ học.

Hiện nay, cùng với tư vấn, điều trị cho các bệnh nhân MSM có HIV, các bác sỹ còn phải tư vấn cho bạn tình của họ sử dụng PrEP, vì họ là đối tượng nguy cơ cao.

Trong năm đầu, bệnh nhân uống thuốc điều trị, còn bạn tình của họ uống thuốc dự phòng, khi xét nghiệm tải lượng virus xuống thấp, nguy cơ lây truyền gần như bằng không, thì bạn tình không cần uống thuốc dự phòng nữa.

Để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch HIV ở Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, ngành y tế địa phương đang đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm hại như cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm nguy cơ cao, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), triển khai chiến dịch K=K; tăng cường truyền thông về nguy hại của virus HIV trong các công ty, xí nghiệp, khu nhà trọ để khuyến khích người nguy cơ cao kết nối điều trị dự phòng PrEP…

Bên cạnh đó, các nhóm đồng đẳng viên phát huy hiệu quả thực hiện các chương trình, chuyển gửi dịch vụ xét nghiệm, điều trị ARV thực hiện tốt bảo hiểm y tế cho bệnh nhân.../.

Thùy Giang (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nguoi-dong-tinh-nam-nhiem-hiv-loi-cua-nhung-nguoi-trong-cuoc/667669.vnp