Người đội trưởng có tài phán đoán

Trong số những người tên Thọ, cùng độ tuổi được gọi lên kê khai lý lịch, thiếu tá Hùng để ý thấy một người dáng vẻ e ngại. Và khi người này ngẩng mặt lên, nhìn thấy chiếc đinh râu ở cằm anh ta, Thiếu tá Hùng khẽ à lên một tiếng rồi tiến tới hỏi chuyện.

Hành trình chạy trốn của tên tù cướp bạc

Lê Văn Thọ, SN 1948, ở khu tập thể nhà máy thuốc lá Thăng Long, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Năm 1982, sau nhiều lần tham gia đánh bạc, biết nhiều con bạc lắm tiền thường tới xới bạc này để sát phạt, Thọ cùng một nhóm đối tượng bàn nhau đi cướp.

Cả nhóm gồm 7 người đã cầm dao xông vào xới bạc, đe dọa rồi cướp tiền của những con bạc cùng chủ chứa. Vụ việc bị phát hiện, cả nhóm lần lượt bị bắt giữ. Riêng Thọ bị kết án 7 năm tù về tội cướp tài sản, về một trại giam ở khu vực phía bắc cải tạo.

Trong thời gian thi hành án ở trại giam này, Thọ đã lợi dụng sơ hở của cán bộ quản giáo trong lúc dẫn giải phạm nhân đi lao động để bỏ trốn. Cục cảnh sát hình sự đã ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Lê Văn Thọ, gửi lệnh truy nã tới các đơn vị CA trên toàn quốc.

Theo lời khai của Thọ thì sau khi bỏ trốn, anh ta đón xe khách đi một mạch vào TP HCM. Tại đây, Thọ kiếm sống bằng nhiều nghề như bán bánh mì, đánh giày và cả làm phu hồ.

Thấy Thọ chăm chỉ nên một người phụ nữ hơn anh ta hai tuổi đã đem lòng thương mến rồi nên duyên vợ chồng với Thọ. Vì sợ bị bắt nên sau khi lấy vợ, Thọ không đăng ký kết hôn. Hộ khẩu của vợ cũng chỉ ghi chung chung quê quán của chồng là ở Hà Nội.

Năm 1990, lấy lý do vì tương lai con cái, Thọ bàn với vợ chuyển cả gia đình vào Lâm Đồng. Được vợ đồng ý, họ bán nhà ở thành phố Hồ Chí Minh vào Đà Lạt mua đất và từ một kẻ có hộ khẩu treo, giờ thì Thọ đã có một hộ khẩu đàng hoàng nhưng vẫn chỉ ghi rõ tên tuổi, quê quán của vợ và hai con còn bản thân anh ta dù vẫn giữ nguyên tên, năm sinh nhưng đã thay đổi họ và phần quê quán vẫn ghi chung chung là Hà Nội.

Để quên đi quá khứ của mình, Thọ tỏ ra là người chăm chỉ, không chỉ giỏi lo toan vun vén cho gia đình mà còn rất tích cực tham gia vào các phong trào của thôn xã. Sự nhiệt tình, năng nổ của Thọ đã được mọi người nhìn nhận và tin tưởng.

Chính vì thế mà năm 1997, Thọ được người dân tín nhiệm, bầu làm CA viên của thôn. Kể từ lúc này, mọi thông tin về tình hình trong huyện xã cùng những công văn, yêu cầu của những nơi khác đề nghị xác minh, phối kết hợp nhất là về đối tượng phạm tội, trốn nã, Thọ đều nắm được để tìm cách ứng phó.

Ba mươi năm trôi qua, Thọ giấu biệt quá khứ của mình để làm người cha, người chồng mẫu mực trong gia đình. Hai đứa con Thọ lần lượt trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định và xây dựng gia đình.

Thọ trở thành ông nội, ông ngoại, được dân làng tín nhiệm đến nỗi nhiều gia đình khi có việc trọng đại trong gia đình như ma chay, cưới hỏi còn nhờ ông ta làm chủ trì hoặc đi nói chuyện hộ.

Chỉ đến khi Lê Văn Thọ bị CA Hà Nam bắt giữ, tất cả những ai quen biết Thọ mới vỡ lẽ rằng bấy lâu sống với một tên tội phạm có lệnh truy nã mà không hay biết.

Trong thời gian thi hành án ở trại giam, Lê Văn Thọ đã lợi dụng sơ hở bỏ trốn (ảnh minh họa)

Sự liên tưởng tuyệt vời của người đội trưởng

Nhắc đến chuyến đi bắt tên tù trốn trại Lê Văn Thọ Thiếu tá Đinh Văn Hùng, đội trưởng đội án tham mưu, Phòng CSHS CA tỉnh Hà Nam bảo, đấy chỉ là một trong số những đối tượng trốn nã lâu nhất mà các anh bắt được trong chuyến công tác vừa rồi. Thông tin về Thọ, năm nào các anh cũng cập nhật nhưng do địa chỉ rất vu vơ nên nhiều chuyến vào Nam, các anh đã dò tìm nhưng không đạt kết quả.

“Từ ngày tôi còn làm trinh sát, hồ sơ về đối tượng này đã được đem ra nghiên cứu nhưng thông tin về nơi anh ta ẩn náu rất mông lung. Thọ trốn trại từ năm 1984, sinh sống ở nhiều nơi khác nhau nên có những lúc chúng tôi tưởng như đã mất dấu”, Thiếu tá Hùng kể.

Dáng người nhỏ bé, trông anh như người chỉ quen với công việc bàn giấy vậy mà theo nhận xét của anh em trong phòng thì những lần vào Tây Nguyên, anh lại là người dẻo dai nhất đội.

Mặc dù năm nào cũng giở hồ sơ về đối tượng Thọ ra để nghiên cứu và nhất là những chuyến vào các tỉnh thành phía Nam bắt đối tượng truy nã, anh Hùng đều liên lạc với các đồng nghiệp ở các tỉnh, nhờ xác minh thông tin về đối tượng này nhưng lần nào dò được một địa chỉ, các anh tới nơi thì Thọ lại mới chuyển đi chỗ khác.

Nhận định trốn lâu như thế mà không liên lạc về với gia đình, hẳn Thọ đã có vợ con và việc di chuyển nay nơi này, mai chỗ khác chỉ là để phục vụ việc làm ăn buôn bán còn Thọ chắc chắn sẽ có một nơi ở cố định.”.

Tuy nhiên, để tìm ra nơi ở cố định của kẻ trốn nã này giữa những vùng đất bao la với số lượng khổng lồ người các tỉnh ngoài Bắc di cư vào lập nghiệp thật không dễ dàng chút nào.

Giữa lúc đó thì anh Hùng đã gặp may. Là đội trưởng đội án tham mưu, anh Hùng có điều kiện tiếp xúc với nhiều hồ sơ của các loại đối tượng phạm tội. Trong một lần đi trinh sát một vụ án, anh Hùng tình cờ nhận được thông tin, có một đối tượng người Hà Nội chơi với đối tượng ở Hà Nam, tâm sự với nhau rằng nhiều khả năng Lê Văn Thọ sống ở Lâm Đồng.

Để khẳng định nguồn tin này là chính xác, anh Hùng đã trực tiếp tìm gặp người đã kể chuyện kia để hỏi chuyện. Những câu hỏi vu vơ, không đầu không cuối và chẳng ăn nhập gì với thời cuộc hay công việc đã cho thiếu tá Hùng một nhận định rằng thông tin này là có thực.

Người đàn ông tên Thọ mà người kia nhắc tới, tầm tuổi kẻ trốn nã, điểm đặc biệt là có một cái đinh râu ở cằm giống như trong tấm ảnh của đối tượng mà anh Hùng dù không nhìn cũng nhớ rất rõ vì đã xem quá nhiều rồi.

Sau khi lấy lý lịch sâu hơn về tên Thọ từ Cục cảnh sát hình sự, tổ công tác của Thiếu tá Hùng lên đường vào Lâm Đồng. Được các đồng nghiệp giúp đỡ tận tình, các anh đã có một bản danh sách những người đàn ông tên Thọ, cùng sinh năm 1948, quê Hà Nội để sàng lọc, phân loại.

Khi những người này được gọi lên, yêu cầu kê khai lý lịch thì ở một chỗ kín đáo, Thiếu tá Hùng ngồi quan sát họ. Thấy một người đàn ông dáng vẻ e ngại khi đón tờ giấy kê khai do cán bộ đưa cho, anh Hùng để ý kỹ và khi người này ngẩng mặt lên, anh Hùng khẽ à lên một tiếng khi nhìn thấy dưới cằm anh ta có một cái đinh râu. Thầm nghĩ “đúng là đối tượng đây rồi”, anh Hùng tiến lại hỏi luôn: “Bao lâu rồi anh Thọ không ra Hà Nội thăm gia đình”. Người đàn ông này thoáng ngập ngừng, tức thì anh Hùng giơ ra tờ lệnh truy nã, chỉ vào tấm ảnh rồi hỏi: “Anh có biết người này trong ảnh là ai không”. Người đàn ông lắp bắp: “Dạ đó là tôi”.

Hỏi anh Hùng nếu lúc đó Thọ không thừa nhận người trong ảnh chính là anh ta thì sẽ làm thế nào, người đội trưởng này vui vẻ: “Thì sẽ có cách đấu tiếp thôi”. Cách đấu tiếp của anh là lấy dấu vân tay à, tôi hỏi, anh lại cười: “Đó là cách cuối cùng phải làm với những kẻ cố tình và ngoan cố hoặc với tội phạm là người nước ngoài”. Ngay sau đó, Thiếu tá Hùng đã đọc lệnh bắt đối với Lê Văn Thọ. Anh ta được dẫn giải ra xe để về nhà tạm giam trước ánh mắt ngỡ ngàng của rất nhiều người. Vợ Thọ lúc này mới hay tin, chỉ biết đấm ngực than trời vì chung sống bao nhiêu năm với kẻ phạm tội mà không biết.

Nguyễn Vũ – Hạ My

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nguoi-doi-truong-co-tai-phan-doan-106666.html