Người đi xây 'nhà tắm ấm' cho trẻ em vùng cao

Mùa đông trên vùng cao lạnh giá khắc nghiệt. Điều này khiến trẻ em vùng cao rất ngại tắm, nhất là khi phải tắm ngoài trời, hoặc trong những nhà tắm tạm bợ. Do đó, Ngô Anh Tuấn, thủ lĩnh của nhóm thiện nguyện Mùa đông ấm đã nghĩ ra việc phải làm những 'nhà tắm ấm' cho học sinh vùng cao.

 Ngô Anh Tuấn (ngoài cùng, bên trái) trong một buổi bàn giao nhà tắm tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú-Trung học cơ sở Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ảnh do nhóm Mùa đông ấm cung cấp

Ngô Anh Tuấn (ngoài cùng, bên trái) trong một buổi bàn giao nhà tắm tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú-Trung học cơ sở Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ảnh do nhóm Mùa đông ấm cung cấp

Tôi biết đến nhóm Mùa đông ấm (MĐA) từ những ngày đầu mới thành lập, năm 2007. Từ đó đến nay, đã gần 12 năm, Ngô Anh Tuấn, cậu thanh niên có vóc dáng cao, gầy, vẫn luôn giữ lửa nhiệt huyết để đưa các chương trình thiện nguyện đến được những bản làng xa xôi nơi biên cương. Trên hành trình thiện nguyện, ý tưởng xây "nhà tắm ấm" cho một số điểm trường trên vùng cao đến với nhóm MĐA hết sức tình cờ. Tuấn kể: “Năm 2011, MĐA đến tặng quà từ thiện tại xã Lũng Chinh (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Đây là lần đầu tiên nhóm đến một nơi không có điện, nước thì phải xách từ hồ treo cách trường khoảng 2km. Trường nằm giữa khe của hai ngọn núi nên độ ẩm cao và gió lạnh. Khoảng thời gian 4 ngày là trải nghiệm đáng nhớ cho một số thành viên người Hà Nội lần đầu tiên tham gia hành trình của MĐA cùng đi bộ vào những điểm trường, thôn, bản để tặng quần áo và đồ dùng học tập. 4 ngày, nơi đoàn ở không điện, nước, thời tiết lạnh buốt, thiếu thốn đủ thứ. Về đến Hà Nội, cả nhóm đã quyết định từ nay về sau sẽ xây “nhà tắm ấm”, một nhà tắm đúng nghĩa là kín đáo và có nước nóng. Bởi qua khảo sát của nhóm, trên các trường nội trú hầu như không có nhà tắm. Trường nào có điều kiện hơn thì nhà tắm chung với nhà vệ sinh. Các em học sinh phải đi kiếm củi về đun nước tắm. Có những nơi, học sinh phải tự quây bạt hoặc tấm proximăng sơ sài để che chắn.

Tuấn tâm sự: “Mục tiêu "nhà tắm ấm" là bảo đảm sức khỏe và để cha mẹ học sinh yên tâm khi con em mình học bán trú. Quan trọng hơn đó chính là tạo cho các em ý thức được giới tính của mình. Khi bắt đầu thực hiện, có người hỏi sao không chọn làm gì lại đi xây nhà tắm? Lúc đó, mình chỉ hỏi lại: Mùa đông bạn có tắm ở ngoài trời không? Câu hỏi đó không ai trả lời nhưng trong lòng chắc chắn mọi người đều đã có câu trả lời”.

Ý tưởng có rồi nhưng cả nhóm loay hoay vẫn chưa biết bắt đầu như thế nào. Cuối năm 2014, trong một chuyến thiện nguyện, nhóm đã tìm được Trường THCS dân tộc bán trú Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Trường không có nhà tắm, cũng không có nước. Hồ treo cách trường gần 1km, học sinh từ tiểu học, thầy, cô giáo đều phải đi xách nước. Vậy là nhóm đi xin tài trợ, gây quỹ từ bộ tranh “1001 lý do không tắm” và đầu tư luôn cả hệ thống dẫn nước từ hồ treo về đến trường và xây nhà tắm. Công trình đó có chi phí gần 100 triệu đồng. Mà trung bình mỗi nhà tắm hai gian (nam-nữ), hai bình nóng-lạnh chỉ tốn khoảng 35-40 triệu đồng.

Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, khi khảo sát xây dựng nhà tắm ở nơi nào thì MĐA yêu cầu nhà trường phải có đường dẫn nước để phù hợp với nguồn lực của mình. Cách làm của MĐA là làm triệt để tại một khu vực. Ví dụ ở huyện Mèo Vạc, MĐA đã ký hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hà Giang cung cấp danh sách các trường chưa có nhà tắm hoặc nhà tắm tạm bợ. Sau đó Tuấn nhờ một thầy giáo ở Lũng Chinh đi khảo sát cũng như quản lý tiến độ công trình. Ngoài ra, Sở GD&ĐT phải có đối ứng 20% tổng ngân sách của dự án.

Đầu năm 2017, MĐA chuyển địa bàn đến huyện Bát Xát (Lào Cai). Theo báo cáo của Bát Xát, tại đây có 23 trường đang cần có "nhà tắm ấm". Trong năm 2017, nhờ có sự tài trợ của Samsung tại Việt Nam, MĐA đã xây được hai nhà tắm tại hai trường của xã A Lù và xã Ngải Thầu. Đến thời điểm hiện tại, điều vui mừng nhất là nhiều nhà tài trợ tự tìm đến MĐA.

Tuấn tâm sự, còn rất nhiều nhà tắm “hở” trên vùng cao vẫn đang chờ MĐA quay lại để đặt những viên gạch lên, thế chỗ cho những tấm tôn, vách gỗ, liếp che chắn sơ sài. Năm 2017 mới có hai nhà tắm được xây, một điểm trường được sơn. May mắn, mới đây Công ty Cổ phần sơn Sonata cam kết đồng hành cùng các chương trình thiện nguyện của MĐA. Chắc chắn những năm tiếp theo, với nỗ lực của trưởng nhóm Ngô Anh Tuấn và các trợ thủ đắc lực thì sức lan tỏa của MĐA sẽ giúp xây dựng thêm được nhiều nhà tắm ấm áp, làm giảm bớt cái giá lạnh của mùa đông trên vùng cao.

BẢO AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/nguoi-di-xay-nha-tam-am-cho-tre-em-vung-cao-605879