Người đi 'xay đá'

Công ty TNHH sản xuất - thương mại Trang Minh Đức (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) là doanh nghiệp chuyên sản xuất máy nghiền đá cho các mỏ đá từ Bắc vào Nam.

Ông Vũ Văn Toàn (Trái) đang cùng công nhân kiểm tra dàn máy nghiền đá.

Ông Vũ Văn Toàn, Giám đốc công ty cho biết, cuối năm là mùa cao điểm sản xuất, công ty hiện đang nhận hợp đồng sản xuất máy xuất khẩu sang Campuchia.

* Nội địa hóa máy xay đá

Ông Toàn chia sẻ: “Mỗi dàn máy nhỏ có công suất 250 tấn/giờ nếu nhập khẩu từ Nhật Bản có giá hơn 20 tỷ đồng, từ Hàn Quốc là khoảng 16 tỷ đồng và của Trung Quốc hơn 10 tỷ đồng, nhưng chế tạo tại Việt Nam chỉ có giá 8 tỷ đồng. Những bộ phận quan trọng chính thì vẫn nhập khẩu từ Hàn Quốc, còn lại các bộ phận khác như: khung, băng tải, sàng phân loại đá... thì chế tạo tại đây”.

Ông Toàn bước chân vào lĩnh vực chế tạo máy nghiền đá được xem là đúng thời điểm, bởi nhu cầu khai thác đá phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 10 năm nay liên tục tăng. Năm 2003, ông thành lập cơ sở chế tạo cơ khí sản xuất máy nghiền đá. Thời điểm đó với ông đầy gian nan bởi mới lập nghiệp nên vốn ít, trong khi nhu cầu vốn để mua sắm nguyên vật liệu sản xuất là rất lớn, cơ sở luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Chưa kể, đầu ra của sản phẩm cũng không mấy dễ dàng bởi sản phẩm của cơ sở mới chưa được nhiều người biết.

Năm 2007 ông Toàn thành lập doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu hoạt động. Ông cho biết, một dàn máy khi đưa vào sử dụng có nhiều bộ phận bị mòn khá nhanh, phải thay thế liên tục. Khi khách hàng thấy máy của ông sử dụng ổn định, giá lại hợp lý, từ đó đối tác đặt phụ tùng thay thế nên hoạt động của nhà máy phát triển mạnh lên. Chỉ vào một chiếc sàng đá đang được đan, ông Toàn nói: “Toàn bộ thép dùng để đan sàng đá phải nhập khẩp vì thép sản xuất trong nước không đáp ứng được. Sản phẩm sản xuất trong nước nhưng nguyên liệu vẫn là ngoại nhập”.

* Hướng đến cát nhân tạo

Hiện tại trung bình mỗi năm công ty ông Toàn cung cấp cho thị trường khoảng 7 dàn máy khai thác khoáng sản, chủ yếu là máy nghiền đá tầm trung, có công suất 350 tấn/giờ (giá hơn 10 tỷ đồng). Theo ông Toàn, thời gian tới không chỉ dây chuyền nghiền đá mà dây chuyền sản xuất cát nhân tạo cũng sẽ tăng mạnh. “Những năm trước đây cát nhân tạo chỉ các công trình thủy điện dùng nhưng hiện nay nhiều công trình xây dựng dân dụng cũng đã sử dụng. Vừa qua khi tình trạng khan hiếm cát xây dựng tự nhiên nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tính toán đến việc cung cấp cát nhân tạo để thay thế” - ông Toàn nói.

Ông Toàn cũng cho hay, nhu cầu về khai thác đá để làm đường, làm gạch và làm cát rất cao nên ngành công nghiệp chế tạo máy cho lĩnh vực khai thác mỏ vẫn còn nhiều “đất” phát triển. Mục tiêu của ông Toàn trong thời gian tới sẽ cập nhật công nghệ tiên tiến để thay đổi sản xuất và cho ra những dàn máy nghiền hiệu quả hơn.

Vân Nam

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201810/nguoi-di-xay-da-2917313/