Người đi để nhớ...

Dịp 21/6 này, mẹ lên tàu ra Đà Nẵng dự chương trình tôn vinh các nhà báo của truyền hình Việt Nam VTV8. Con ra Hà Nội thay cha nhận giải Báo chí quốc gia. Đó là vợ và con trai của cố nhà báo Nguyễn Đình Quân, một người của Tiền Phong.

Nhà báo Nguyễn Đình Quân (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp Tiền Phong nhận lẵng hoa cám ơn từ “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén - người được anh Quân cùng đồng nghiệp kiên trì giải oan

Nhà báo Nguyễn Đình Quân (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp Tiền Phong nhận lẵng hoa cám ơn từ “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén - người được anh Quân cùng đồng nghiệp kiên trì giải oan

Sáng qua bên sông Hàn, là những giọt nước mắt không thể kìm nén của chị Tuyến vợ anh Quân. Chị kể buổi sáng 18/6 lúc chuẩn bị lên tàu ra Đà Nẵng thì một đoàn 20 nhà báo ở Nha Trang đến nhà thắp hương cho anh Quân. Toàn những người em đồng nghiệp thân thiết. Phan Quê (Phan Sông Ngân báo Tuổi Trẻ tại Khánh Hòa), Lê Đức Dương báo Thiếu Niên Tiền Phong,... Như bao lần dẫu chẳng nhân dịp ngày gì, bạn bè đồng nghiệp vẫn tìm đến nhà anh.

Năm ngoái, sáng 6/9 trên đường đi xác minh đơn thư bạn đọc, anh Quân ngã xuống trên đường phố Nha Trang trong một tai nạn giao thông đau lòng. Những giây phút cuối cùng, gương mặt và vòng tay của một người trên đường tình cờ chứng kiến và ôm đỡ lấy anh mà anh còn nhận diện được, đó chính là một bạn đọc thân thiết của anh.

Bạn đọc ấy tên là Huyền, ngày trước được Nguyễn Đình Quân và báo Tiền Phong lên tiếng vì một vụ oan sai đất đai. Những bài báo tâm huyết đã được viết được đăng. Nhưng vụ việc cuối cùng cũng không đến đâu cả, tỉnh đền bù ít nên anh Huyền không nhận. Nhưng từ đó trở nên rất thân thiết với anh Quân.

Buổi trưa sau lễ hỏa táng, chính anh Huyền đã đứng ra tổ chức một chiếc tàu cùng gia đình, bạn bè đưa một phần di cốt anh Quân ra rải xuống biển. Để thỏa nguyện nỗi đau đáu suốt đời của nhà báo Nguyễn Đình Quân với biển đảo Tổ quốc.

Mũi tàu trưa ấy gắn hai chữ “Trường Sa”, nơi hàng chục lần anh Quân đã ra đã viết, đã thuộc từng mét nước, từng ghềnh sâu bãi cạn. Lễ thả vòng hoa tiễn đưa linh hồn nhà báo Nguyễn Đình Quân ra biển, cũng trang trọng và linh thiêng, như bao lần diễn ra mỗi khi những con tàu của chúng ta ngang qua Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma của Trường Sa thân yêu.

Như đoạn phim xúc động mà Đài truyền hình Việt Nam ghi lại được cảnh nhà báo Nguyễn Đình Quân buổi sáng 12/1/2011 giữa vùng biển Cô Lin-Gạc Ma đã đứng trên con xuồng chòng chành sóng biển đọc lá thư viết tay của người cha già Võ Ta gửi con trai là liệt sĩ Võ Đình Tuấn - một trong 58 người lính Hải quân Việt Nam ngã xuống trong hải chiến Gạc Ma-Cô Lin ngày 14/3/1988… Ngọn lửa nhỏ cháy bùng lá thư ấy, trôi suốt chiều dài sóng nước quê hương.

Chị Tuyến kể, ban đầu nhận được lời mời giao lưu của đài truyền hình, chị không dám nhận lời. Bởi sợ mình sẽ không kìm nén được nỗi đau đớn nghẹn ngào và nước mắt trên sóng truyền hình trực tiếp. Rồi như bao nhiêu lần kể từ ngày anh mất, mỗi khi ba mẹ con quyết định làm một việc gì dù lớn hay nhỏ, chị lại thắp hương trò chuyện với anh, rất lâu. Và lần này, chị bảo anh đã “đồng ý”!

Trên Facebook của anh Quân cập nhật hôm qua, là những dòng tâm sự: “Đáng lẽ người có mặt ở đây hôm nay phải là Anh. Đằng sau niềm vinh dự lớn lao này là sự thương nhớ khôn nguôi. Đằng sau niềm tự hào này là nỗi buồn vẫn chưa thể khỏa lấp. Nhưng em tin TRÁI TIM Anh vẫn hòa nhịp cùng mọi người, NGỌN LỬA nhiệt huyết trong Anh vẫn còn cháy mãi.

Cùng đón xem chương trình THTT “Trái tim và Ngọn lửa” với mọi người vào 20h ngày 20/6/2018 trên kênh VTV8 Đà Nẵng Anh nhé. Chúc mừng Anh nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam!”. Người viết dòng tâm trạng ấy là chị Nguyễn Thị Thúy Nga, em ruột anh Quân từ Hà Nội vào Đà Nẵng cùng chị dâu dự giao lưu dịp này.

Ừ, người đi, để lại nỗi nhớ thương da diết…

Nguyễn Đình Quân đã ra đi, nhưng trang nhật ký cá nhân Facebook của anh vẫn luôn đầy ắp nỗi nhớ thương. “Tưởng nhớ Nguyễn Đình Quân! Chúng tôi hy vọng những người yêu quý Quân sẽ thấy thoải mái khi truy cập trang cá nhân của anh ấy để nhớ lại và tôn vinh cuộc đời của anh ấy”- Đó là những dòng của người điều hành Facebook ngay phần trên cùng của giao diện.

“Lâu lắm rồi con mới lại vào xem ảnh Trường Sa, tự dưng lại thấy nhớ chú. Từ ngày đó đến giờ, những bài báo chất lượng về Trường Sa ít hẳn chú ạ, hy vọng rồi sẽ có người tâm huyết với Trường Sa như chú” (Dòng tâm trạng ngày 8/5/2018).

“Chú ơi chú vẫn khỏe chứ ạ? Từ ngày chú nghỉ mệt, hôm nay con mới vào hỏi thăm. Con nhớ chú lắm ạ!” (ngày 13/4/2018)

“Lớp 10A/79 mình họp vào ngày 3/3/2018 đấy bạn. Nhớ bạn nhiều lắm” (ngày 26/2/1018)…

Những ngày “bão nổi” ở Bình Thuận mới đây, tôi và nhiều người của Tiền Phong lại càng da diết nhớ anh. Những sự kiện nóng và phức tạp thế này, cần xiết bao ngòi bút bản lĩnh, tỉnh táo và đặc biệt sâu sắc, thấu đáo như anh! Bởi tôi biết anh còn vẹn nguyên tố chất của một sĩ quan trẻ, một chuyên gia quân sự từng lăn lộn trên chiến trường Campuchia những năm tháng khốc liệt nhất, trước khi chuyển sang nghề báo.

Tối nay, cháu Nguyễn Huy Toàn sẽ thay mặt cha để cùng các anh chị của Tiền Phong lên nhận giải Báo chí quốc gia 2017. Đó là loạt bài 5 kỳ xuất hiện cuối tháng 8/2017 viết về vấn đề đặc khu kinh tế.

Cuốn sách mang tên “Trường Sa trong tôi” gồm những bài viết tâm huyết của anh về Trường Sa sắp được NXB Sự Thật ấn hành. Cũng là cuốn sách đầu tiên của anh suốt một đời cầm bút.

Trường Sa, biển đảo đau đáu trong anh. Còn anh, hình ảnh và những bài báo của anh cũng luôn đau đáu trong lòng mỗi người ở lại. Anh Quân ạ!

“Hai hôm nữa là đến ngày kỷ niệm 30 năm trận thảm sát Trường Sa (Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao). Hôm nay đọc bài của tướng Hoàng Kiền viết về “bi tráng Gạc Ma” lại nhớ đến Quân. Nhớ những bài viết của Quân về Trường Sa, nhớ những comment của Quân khi chỉnh mình về những chi tiết viết chưa chính xác về Trường Sa. Bạn bè, các chiến sĩ Trường Sa, những người yêu biển đảo quê hương nhớ Quân lắm đấy”.

(Trên Facebook của cố nhà báo Nguyễn Đình Quân ngày 12/3/2018)

Trần Tuấn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nguoi-di-de-nho-1288466.tpo