Người đi đầu làm mới thôn, bản

Không chỉ xây dựng Sin Suối Hồ thành địa chỉ du lịch cộng đồng hấp dẫn…, trưởng bản Vàng A Chỉnh còn tự nguyện hiến gần 1.000 m2 đất của gia đình, quy hoạch thành chợ để đồng bào trong bản buôn bán phục vụ khách tham quan.

Sin Suối Hồ là bản ở rẻo cao thuộc huyện Phong Thổ, cách thành phố Lai Châu khoảng 30km. Nơi đây gần với đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử - đỉnh núi cao thứ 3 của cả nước - nên khí hậu khá mát mẻ. Quanh bản, cứ đến mùa đông là hoa dã quỳ nở vàng ruộm, rất đẹp. Tận dụng lợi thế tự nhiên này, đồng thời tranh thủ sự đầu tư về hạ tầng giao thông của chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010, người dân Sin Suối Hồ bắt đầu chuyển hướng sang làm du lịch cộng đồng để có thêm thu nhập.

Đi đầu làm gương

“Bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn đấy, nhất là thay đổi nếp sinh hoạt của 123 hộ dân sao cho văn minh, sạch sẽ” – trưởng bản Vàng A Chỉnh nhớ lại. Đơn cử như, vận động bà con nhốt lợn vào chuồng, không thả rông nữa, không ít hộ phản đối: “Lợn chúng tao thả rông mấy đời người, bây giờ chính quyền xã, huyện, tỉnh còn không dám bắt chúng tao nhốt, mà mấy người bắt chúng tao nhốt lợn. Khi nào chúng mày nhốt được lợn, vợ chồng tao mới nhốt!”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng trưởng bản Vàng A Chỉnh trải nghiệm hoạt động say lúa tại Sin Suối Hồ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng trưởng bản Vàng A Chỉnh trải nghiệm hoạt động say lúa tại Sin Suối Hồ

Để làm gương cho đồng bào, anh Chỉnh gương mẫu đi đầu. Vừa làm, anh Chỉnh vừa gặp gỡ bà con tuyên truyền để bà con hiểu rõ việc giữ vệ sinh sạch sẽ là không có dịch bệnh, không có ốm đau; chuồng trại nuôi trâu, bò, dê, lợn phải cách xa nơi ở và được dọn dẹp thường xuyên để không có mùi gây ảnh hưởng đến môi trường du lịch.

Tu sửa nhà xong, anh Chỉnh tiếp tục vận động anh em bản làng cùng chung tay sửa sang từ cổng chào cho đến đường bản theo tập quán của người Mông. Nhà có điều kiện thì làm dịch vụ homestay đón khách du lịch, nhà không có điều kiện thì nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau cung cấp thực phẩm. Đến nay, Sin Suối Hồ đã có 20 hộ gia đình tham gia làm dịch vụ homestay phục vụ du khách nghỉ qua đêm, với sức chứa khoảng hơn 100 khách/đêm và 6 hộ làm dịch vụ ăn uống với các món ăn độc đáo của đồng bào Mông như: Lợn cắp nách, gà đen, cá suối, các loại rau rừng, rượu ngô…

Với mong muốn xây dựng bản làng thật gần gũi với thiên nhiên, đường đi lối lại ở Sin Suối Hồ được bà con khai thác đá, sỏi tự nhiên tại chỗ để lát. Dọc ven đường, các hộ bố trí những bộ bàn ghế bằng gỗ, bằng đá cho khách dừng nghỉ ngơi. Các nét đẹp văn hóa truyền thống như: Thêu, dệt hay những khúc hát giao duyên, những làn điệu dân ca… cũng được đồng bào ở Sin Suối Hồ khôi phục lại. Mới đây, trưởng bản Vàng A Chỉnh còn vận động bà con hướng đến việc không sử dụng túi nylon, thay vào đó là làm ra các giỏ, ống bằng tre hay đơn giản mua bán hàng hóa tại bản được gói bằng lá chuối.

Điểm nhấn của Sin Suối Hồ

Du khách đến với Sin Suối Hồ hẳn sẽ không quên được những vườn lan, đường lan tuyệt đẹp ở nơi đây. Từ chỗ trồng chơi, trưởng bản Chỉnh đã tách thành nhánh và chăm sóc để bán cho du khách. Nhận thấy giống địa lan cho hiệu quả kinh tế cao, anh Chỉnh chia sẻ những kinh nghiệm chăm bón, bóc tách lan và vận động bà con cùng ươm trồng và làm kinh tế từ địa lan. Đến nay, 100% hộ trong bản đều trồng địa lan với khoảng trên 20.000 chậu hoa, nhà nào ít thì mấy chục chậu, nhà nào nhiều thì khoảng 500 - 600 chậu, vừa để trang trí nhà cửa, vừa cho bản thêm đẹp để làm du lịch, khách muốn mua, người dân cũng bán. Mỗi năm, Sin Suối Hồ thu được hàng tỷ đồng từ bán địa lan.

Khi lượng khách đến với Sin Suối Hồ ngày một đông, anh Chỉnh còn tự nguyện hiến gần 1.000 m2 đất của gia đình để san gạt, quy hoạch thành chợ để nhân dân giao thương, buôn bán và phục vụ khách tham quan.

Mô hình du lịch của Sin Suối Hồ đã lan ra nhiều bản, làng khác ở một số huyện khác của Lai Châu, tạo ra một không khí mới trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch ở thôn, bản của tỉnh. Tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 – 2020 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc đến tấm gương anh Vàng A Chỉnh – người trưởng bản đang tạo lên những đổi thay tích cực cho nông thôn mới ở một bản vùng cao.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-di-dau-lam-moi-thon-ban-127414.html