Người di cư có thêm cơ hội trở thành công dân Đức?

Trong khi chính phủ liên minh của Đức muốn xúc tiến các biện pháp cải cách nhập cư, phe đối lập cảnh báo: 'Không được biến hộ chiếu Đức thành rác'.

Chính phủ liên minh cầm quyền của Đức đang làm việc để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người di cư trở thành công dân Đức, theo truyền thông địa phương.

Tờ Bild của Đức đưa tin hôm 25/11 rằng, Bộ Nội vụ Đức đang soạn một dự thảo luật cho phép người nước ngoài cư trú tại Đức nộp đơn xin nhập quốc tịch sau 5 năm thay vì 8 năm. Nếu họ đã hoàn thành “các biện pháp hội nhập đặc biệt”, thậm chí có thể xin hộ chiếu Đức sau 3 năm.

Bộ Nội vụ Đức nói với tờ Bild rằng họ vẫn đang thảo luận về các đề xuất và chưa có gì được hoàn thiện.

Theo tờ Bild, các biện pháp cải cách nhập cư được đề xuất bao gồm trường hợp trẻ em sinh ra ở Đức có cha mẹ là người nước ngoài sẽ tự động được cấp quốc tịch nếu cha hoặc mẹ đã “thường trú hợp pháp” ở Đức trong 5 năm.

Các bộ trưởng từ 16 bang của Đức trước đó đã kêu gọi chính phủ liên bang đẩy nhanh quá trình công nhận trẻ em sinh ra từ người nước ngoài sống ở Đức trở thành công dân Đức.

Những người trên 67 tuổi cũng sẽ không còn phải làm bài kiểm tra ngôn ngữ viết nữa, vì “khả năng giao tiếp bằng lời nói” sẽ đủ để được nhập quốc tịch.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser phát biểu tại một sự kiện vào tháng 9/2022. Ảnh: The Local

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser phát biểu tại một sự kiện vào tháng 9/2022. Ảnh: The Local

Cuối tuần trước, trang web The Local trích dẫn các nguồn tin của Bộ Nội vụ Đức cho biết, những người di cư cũng sẽ được phép mang hai quốc tịch ở Đức, điều mà hiện tại chỉ áp dụng đối với công dân từ các nước EU và Thụy Sĩ.

Một cuộc đại tu về luật nhập cư và quyền công dân của Đức đã được đưa vào thỏa thuận liên minh giữa Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Đảng Xanh bảo vệ môi trường và Đảng Dân chủ Tự do thân thiện với doanh nghiệp (FDP) khi họ thành lập chính phủ.

Liên minh “đèn giao thông” đã hứa hẹn rõ ràng sẽ cho phép người di cư có hai quốc tịch ở Đức và cam kết sẽ đẩy nhanh và đơn giản hóa các đơn xin cư trú và tị nạn.

Nghị sĩ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Thorsten Frei của phe đối lập nói với tờ Bild, “Không được biến hộ chiếu Đức thành rác”.

Chính trị gia từ Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo Andrea Lindholz của phe đối lập cũng lo ngại rằng “người nước ngoài ở Đức sẽ bị tước đi động lực lớn để hòa nhập” nếu các đề xuất cải cách trên trở thành luật.

Các quy định hiện hành về quốc tịch Đức

Theo The Local, hiện tại, những người muốn trở thành công dân nhập tịch ở Đức phải chứng minh rằng họ đã sống ở nước này ít nhất 8 năm, mặc dù thời hạn này có thể giảm xuống còn 6 năm với các trường hợp thỏa mãn kỹ năng ngôn ngữ nâng cao và các dấu hiệu hội nhập khác.

Đối với những người chờ đủ 8 năm, yêu cầu phải có trình độ tiếng Đức B1, cũng như bằng chứng về sự ổn định tài chính, “sự hòa nhập với điều kiện sống ở Đức” và kiến thức về luật pháp và văn hóa Đức, được chứng minh bằng cách làm bài kiểm tra Quốc tịch.

Hộ chiếu Đức là một trong những tấm hộ chiếu quyền năng nhất thế giới, có thể dễ dàng nhập cảnh vào 145 nước mà không cần visa. Ảnh: Getty Images

Những người đến từ các quốc gia không thuộc EU cũng phải ký vào một mẫu đơn để tình nguyện từ bỏ quốc tịch trước đây của mình, trừ khi quốc gia mà họ đến không cho phép họ từ bỏ quốc tịch, nếu không họ sẽ gặp “khó khăn về tài chính” khi làm như vậy.

Những người đã kết hôn với công dân Đức có thể đăng ký quốc tịch chỉ sau 3 năm ở nước này (và 2 năm kết hôn), nhưng cũng phải từ bỏ quốc tịch hiện tại nếu họ đến từ một quốc gia không thuộc EU.

Con cái của công dân Đức, đương nhiên được hưởng quyền công dân, may mắn được miễn trừ lệnh cấm mang hai quốc tịch, nghĩa là các em có thể giữ 2 hoặc nhiều hộ chiếu suốt đời. Những người từ các nước EU khác cũng được miễn trừ.

Nhưng đối với trẻ em của những người không phải là công dân Đức và không thuộc EU sinh ra ở Đức, tình hình phức tạp hơn một chút: nhóm này chỉ được cấp quốc tịch Đức nếu cha mẹ của chúng đã sống ở nước này ít nhất 8 năm và có quyền cư trú vĩnh viễn trong nước. Ngay cả khi đó, họ phải lựa chọn giữa quốc tịch Đức và quốc tịch của cha mẹ họ khi họ 23 tuổi.

Minh Đức (Theo DW, The Local)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-di-cu-co-them-co-hoi-tro-thanh-cong-dan-duc-a582560.html