Người đi bán may mắn

Trên tay họ đang cầm rất nhiều cơ may, hy vọng của rất nhiều người.

Nhưng điều trớ trêu thay, họ chỉ có thể đi bán may mắn và hy vọng cho người khác chứ bản thân họ chẳng có đủ tiền để mua...

Nhìn những hạt mưa lất phất nhỏ xuống mái hiên, giọt nối giọt thành hàng; thỉnh thoảng, có chỗ mái ngói vỡ từ khi nào chẳng biết, hàng mưa lõm khuyết vào bên trong rồi lại vòng ra thành hàng thẳng, cậu bé Lương mười một tuổi, đang đưa tay hứng giọt nước mưa từ mái hiên với vẻ mặt sốt ruột.

Mưa thế này không biết ngày hôm nay em sẽ bán được bao nhiêu tờ vé số. Ai sẽ mua cho em khi dòng người vội vã xuyên qua màn mưa đi về tổ ấm của họ. Họ chẳng có thời gian đậu xe lại dưới mưa chỉ để mua một tấm vé số ướt nhẹp. Lương ngồi đó, co ro và lạnh lẽo.

Khoảng một tháng trước, Lương thường cùng mẹ rong ruổi khắp các con đường trong thành phố để bán vé số. Những hôm trời nắng, buổi tan tầm, người và xe cộ nườm nượp qua lại. Họ sẽ đậu xe lại chỗ đèn đỏ đợi qua đường. Lương và mẹ hào hứng đưa tập vé số ra trước mặt những người đang đậu xe thành hàng thẳng. Một người đàn ông đèo đứa con gái trạc tuổi Lương trên chiếc xe máy, vẻ mặt cau có kêu than: "Lại gặp đèn đỏ rồi, đến trường muộn mất". Nhưng đèn đỏ lại là khoảnh khắc vui nhất của Lương khi em tranh thủ rao mời khách; may mắn thì có một vài người hỏi mua.

Họ mua vé số để hy vọng đổi đời. Cũng có người vì thương mẹ con Lương mà mua giúp. Nhiều lúc Lương nghĩ trên tay mình đang cầm rất nhiều cơ may, hy vọng giàu có của rất nhiều người. Nhưng điều trớ trêu thay, những phận người như mẹ con Lương chỉ có thể đi bán may mắn và hy vọng cho người khác chứ bản thân họ chẳng có đủ tiền để mua.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mẹ Lương rời quê lên thành phố này với cái bào thai vô thừa nhận. Chấp nhận bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà chứ không chịu phá thai. Cô lang thang rồi tìm đến khu ổ chuột trong thành phố này nương náu. Lương sinh ra vào một ngày mùa hè mưa giăng ngập lối. Mưa ào ạt từng dòng nối đuôi nhau như trút đi ưu phiền của kiếp người. Những người nghèo ở khu ổ chuột đã đưa mẹ Lương vào bệnh viện khi cô đau bụng trở dạ sắp sinh.

Ở nơi nghèo khổ này, họ đùm bọc nhau bữa no, bữa đói. Ngày Lương ra đời, họ thay nhau vào bệnh viện chăm sóc mẹ con Lương. Họ góp đồng rau, đồng cháo kiếm được cho mẹ con Lương đóng viện phí. Món nợ ân tình này biết khi nào mẹ con Lương mới trả hết.

Lương lớn lên ở một nơi như thế, vì mưu sinh, em thường theo mẹ đi bán vé số mỗi ngày. Tối về, mẹ Lương lại dạy Lương viết chữ từ quyển sách Tập Đọc. Lương không được đi học như các bạn nhưng em thuộc rất nhiều thơ, đọc rất nhiều sách. Những cuốn sách mua từ hiệu sách cũ ven đường luôn là lựa chọn của mẹ con Lương.

"Có sách là có cả thế giới!", mẹ thường nói với Lương như thế! Mẹ Lương thường bảo: "Có thể, cuộc đời mẹ rất khuyết nhưng cuộc đời con phải tròn đấy nhé!". Lương yêu mẹ lắm, em khắc ghi từng lời mẹ dạy. Có mẹ ở bên, Lương thấy chẳng có hạnh phúc nào đong đếm được.

Tự nhiên, hôm nay mẹ Lương thấy người mệt mỏi và cả nỗi buồn kéo đến cứ lan thấm vào da thịt đau buốt. Cô cũng muốn trở về quê hương gặp lại bố mẹ mình, chẳng biết giờ đây họ sống thế nào, liệu họ còn giận cô? Cô chợt nghĩ về thân phận mình, rồi một ngày nào đó khi lòng dũng cảm đủ lớn, cô sẽ cùng Lương trở về quê.

Bên ngoài căn phòng ẩm thấp của hai mẹ con Lương, vài chú bán ngô luộc, vài cô bán xôi nóng lại chuẩn bị sắp hàng, đạp xe đi vào ngõ ngách các con phố. Tiếng rao thổn thức cả một màn đêm không ngủ. Lương bỗng thấy thương những tiếng rao, rồi họ sẽ còn phải rao bao lâu để cuộc đời bớt khổ? Có ai thương những tiếng rao?

Mẹ Lương dạo này ốm quá! Cô cứ sốt li bì vào buổi tối. Tiền tiết kiệm của hai mẹ con chẳng còn là bao khi phải lo thuốc thang, ăn uống. Những người hàng xóm ở khu ổ chuột này đi bán hàng đêm về là thay nhau trông mẹ giúp Lương để em đi bán vé số. Lương phải tranh thủ đi bán để còn phụ mẹ thêm được đồng nào hay đồng ấy.

Hôm nay mưa quá! Từ sáng tới giờ Lương cầm khư khư tập vé số trên tay không bán được cái nào. Tự nhiên Lương thấy nhớ những khi mình bán đắt. Có người gọi: "Ê! Nhóc ơi! Bán cho chú mấy tờ vé số!". Có người tốt họ cho Lương hẳn một trăm nghìn nhưng chẳng lấy tờ vé số nào. Họ bảo "Cho em đó, nếu em may mắn!". Tất nhiên, Lương chẳng dám giữ cái may mắn ấy về phía mình, Lương lại bán may mắn ấy cho người khác. Lương biết em chẳng đủ tiền để mua may mắn như mọi người trên phố, em chỉ có thể sống tốt như lời hứa với mẹ.

Lương thấy hào hứng với tiếng gọi "vé số ơi!" và thấy hạnh phúc khi nhận lại đồng tiền lẻ và trao may mắn cho người khác. Lương đưa tay hứng giọt nước mưa táp vào mặt, mong mưa đừng rơi để em còn kịp chạy ra con phố đông, hòa mình vào dòng người tập nập, bán may mắn cho một ai đó đang kiếm tìm hy vọng. Dù có thể hy vọng sẽ tắt nhưng nó lại được nhóm lên bởi ngày mai.

Nguyễn Thanh Nga

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguoi-di-ban-may-man-196241102192010173.htm