Người đến từ cõi trước

Gọi “người cõi trước”, thấy cứ xa lăng lắc, như bậc tiền bối đã quy tiên, giờ nương theo làn hương khói mà trở về. Nhưng không. “Bậc tiền bối” ấy vẫn là người trần thế, vẫn đang thở cùng bầu khí quyển với chúng ta.

Đó là cụ Đinh Thị Khuyên, người làng Bò, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Khi tôi gặp, cụ mới tròn... 106 tuổi xanh. Thế nhưng trông vóc dáng cụ, nhất là nghe cụ nói, thì chẳng ai nghĩ cụ là người của cõi trước. Bởi cụ có vẻ như rất trẻ, lại xăm xắn, nhanh nhẹn như người đương thì. Gương mặt căng. Da đỏ hồng. Tai to như tai Phật. Mái tóc cắt ngắn, loáng thoáng vài ba sợi bạc. Đôi mắt đen và sắc. Cụ vẫn tự xâu kim, khâu vá mà không phải nhờ con cháu. Giọng cụ sang sảng. Điều đáng kinh ngạc nữa là cụ có trí nhớ lạ kỳ, lại sắc sảo, thông minh và hóm. Tôi ngồi lặng lẽ ngắm cụ như ngắm một ngôi chùa cổ. Hình như điều đó làm cụ ngạc nhiên:

- Sao? Anh trông tôi có giống con voi không? Chỉ có con voi mới sống dai thế chứ! Tôi là con voi đấy. Con voi một ngà!

Thực ra, voi không phải là con vật sống lâu. Theo các nhà sinh vật học, thì con voi nào khỏe nhất cùng lắm cũng chỉ “thọ” được đến bảy mươi năm.

- Thế thì tôi là mẹ của con voi rồi!

Cụ Khuyên lại cười. Nụ cười có vẻ như là bỡn cợt. Và tôi lại rơi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không thể ngờ đó lại là ngôn ngữ của bà cụ 106 tuổi. Tôi vội bật máy ghi âm, trong đầu chợt nảy ra ý định ghi lại nguyên xi cuộc nói chuyện, để làm kỷ niệm, để bè bạn cùng nghe, kẻo sợ kể về cụ, nhiều người không tin, lại cho là tôi bịa chuyện.

- Tôi chỉ còn có mỗi một cái răng thôi. Thế nên mới là con voi một ngà. - Cụ Khuyên giải thích cho cái câu nói hóm hỉnh vừa rồi. Dường như cụ sợ tôi không hiểu. - Răng tôi rụng sớm lắm. Rụng mấy chục năm rồi. Năm ấy, tôi mới có... 86 tuổi.

- Thế cụ có phải dùng răng giả không?

- Không! Răng giả thì ăn thế nào được. Mà sao phải dùng răng giả? Tôi là tôi chúa ghét cái trò đen bạc, giả dối.

Tôi giải thích cho cụ hiểu rằng, răng giả không phải là đồ giả dối. Không chỉ người già, răng rụng, ngay cả người trẻ, răng không đẹp, người ta cũng loại bỏ, thay răng giả. Khối cô hoa hậu, đẹp như tiên mà cũng có răng giả. Nhưng hình như cụ không mấy quan tâm. Tôi hỏi:

- Thế cụ nhai thế nào?

- Thì tôi vẫn nhai. Nhai bằng lợi. Rồi lâu cũng quen. Tôi vẫn ăn được mỗi bữa hai, ba bát. Cuối bữa còn làm thêm mấy miếng cháy cho thơm miệng.

Ngừng một lát, cụ tiếp:

- Nói, anh lại cười, chứ tôi khổ lắm. Có dạo đói lắm. Nhất là cái đận mới bỏ quê, dắt díu nhau lên khai hoang ở Thái Nguyên này. Trong túi chẳng có lấy một xu. Muốn mua chịu một chinh muối cũng chẳng ma nào chịu bán. Không có tiền là nhục lắm. Làm đến ông Giời mà nghèo, thì cũng vẫn chẳng ra cái thằng người.

Tôi ngạc nhiên:

- Thế ra cụ không phải người trên này?

- Không! Quê tôi ở mãi dưới kia. Mạn Hà Nam. Nhưng vùng tôi dạo ấy nghèo lắm, lại quanh năm lụt lội. Làm đến thân con trâu, con bò mà cũng chẳng có cỏ mà nhai. Thế thì phải chạy thôi. Tôi bỏ quê lên trên này vào ngày 11 - 10 - 1950. Thoạt đầu tôi đi buôn. Buôn đầu chợ, bán cuối chợ. Khi thì mấy mớ rau. Khi thì vài đẫn mía. Loanh quanh thế thôi. Thế mà ngày cũng bòn được mấy hào bạc nuôi 5 đứa con dại.

- Thế cụ ông đi đâu?

- Cụ nhà tôi mất sớm lắm. Mất từ năm tôi mới có 57 tuổi. Trước đây, ông cụ làm nghề cắt tóc rong. Nhưng được đồng nào lại ném hết vào bàn tổ tôm, xóc đĩa. Vợ con chẳng được nhờ. Tôi đẻ đến 10 bận. Nhưng ông Giời chỉ để cho 5 đứa con. Cái năm ông nhà tôi mất, thằng con út tôi mới lên bốn tuổi...

- Thế cụ không đi bước nữa?

- Đi đâu? Ai dám rước một con mẹ mướp với 5 đứa con nheo nhóc? Vả lại, hồi ấy, tôi cũng đã 57 tuổi. Đàn ông thời ấy, ở cái tuổi như tôi, trông ai cũng hom hem cả. Mình một nách đã 5 đứa con, lại phải cắp thêm một ông lão nữa, sống sao nổi? Thế là tôi ở vậy. Rồi đâu cũng vào đấy cả. Ngẫm lại đời mình, tôi thấy tôi khổ quá. 16 tuổi bố chết. 18 tuổi mẹ chết. 19 tuổi lấy chồng. Đầu năm cưới, cuối năm có con. Rồi giường cứt chiếu đái, khổ ơi là khổ!

Bà cụ nói về nỗi khổ của một kiếp người, mà gương mặt lại cứ tươi rói. Tôi hỏi cụ xem cụ có cách gì mà kéo dài được tuổi thọ, lại có được sự minh mẫn đến lạ thường.

- Ối giời, cái đó thì tôi chịu. Tôi không biết đâu. Anh hỏi thằng con trai tôi ý. Nó biết đấy!

Nói rồi, bà cụ đưa mắt liếc xéo sang phía người con trai út của mình, là ông Đoàn Đình Thế, lúc đó là chủ tịch huyện Phú Lương. Nhưng ông Thế chỉ cười. Nụ cười ngỏn nghẻn, e thẹn như một trang thanh niên vừa mới thấc dậy.

Cụ Khuyên cười dủm dỉm:

- Nói anh đừng cười nhé. Tôi chẳng để được cái gì ở trong bụng đâu. Có gì là cứ tuôn ra mồm hết. Tôi chẳng hề ghét ai bao giờ. Em ruột tôi khác hẳn tính tôi. Dì ấy kém tôi có hai tuổi thôi mà chín chắn lắm. Hiện dì ấy đang giữ cháu cho thằng chắt ngoại ở Hà Nội. Hôm vừa rồi dì ấy về đây, dì ấy cứ cằn nhằn: “Gớm, sao bá nói lắm thế? Cứ càm cạp suốt ngày như con vịt già.” Thằng Thế cũng a dua: “Thôi, u nói ít thôi.” Thế là tôi nổi đóa lên. Sao phải im lặng? Con người khác hòn đá là nó có cái mồm. Ngay cả chuyện vui, không nói, cứ để trong bụng, lưu cữu mãi rồi cũng hóa thành khí độc. Tôi chẳng bao giờ để chất độc trong người.

Tôi tò mò:

- Trong các món ăn, cụ thích món gì nhất?

- Tôi chẳng kén món gì cả. Nhà có gì, ăn nấy. Cũng chỉ rau mắm nhì nhằng thôi. Khi nào tôi ốm đau, họa hoằn lắm, cháu nó mới mua cho tí thịt.

- Thế địa phương có giúp gì cụ không?

- Có. Nhưng họ định giúp thì tôi gạt đi. Rõ khéo vẽ chuyện. Vả lại thằng con trai tôi làm chủ tịch huyện, thế nên tôi chẳng mừng thọ mừng thiếc gì, kẻo thiên hạ họ lại bảo con bày vẽ ra để lấy quà cho mẹ, mang tiếng là tham nhũng. Sắp kề miệng lỗ, vả lại, con tôi đã hưu mà lại về vườn với cái tiếng tham những thì có ô nhục không? Tôi là tôi “súp tất”. Với nữa, tôi đâu có đói để phải cần ai giúp đỡ. Con cháu đầy đàn, đầy đống, sao phải nương nhờ xã hội? Mà tôi còn sức chán. Tôi làm tôi ăn. Ngày ngày tôi vẫn đi hái chè. Chỉ có mấy tháng gần đây, tôi bắt đầu thấy mỏi lưng, con cháu không cho tôi gánh gồng nữa. Nhưng tôi vẫn đi hái chè...

- Sắp tới về Hà Nội, con sẽ chép cái băng ghi âm này ra, cho vào một cuốn sách, để nhiều người cùng đọc. Cụ có điều gì khuyên các bạn đọc trẻ không?

- Ối giời! Tôi thì còn khuyên nhủ được ai? - Cụ Khuyên giãy nảy. - Ngay cái lũ cháu chắt tôi kia kìa, chúng nó cũng có thèm nghe tôi đâu. Bọn trẻ nó sống theo cách sống của chúng. Đến bố mẹ chúng, chúng còn chả thèm nghe, thì đời nào chúng chịu nghe cái bà già dúm dó như quả trám khô đã ngoài trăm tuổi. Mà ngay cả anh nữa, anh cũng tưởng chúng nó nghe anh à? Không có chuyện ấy đâu nhá!

Trần Đăng Khoa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nguoi-den-tu-coi-truoc-76920