Người đem càphê Khe Sanh đến trời Tây

Nhấp một ngụm càphê, anh có thể nói được đó là càphê giống gì, trồng ở đâu, có pha chế hay không, rang, xay đã đúng độ chưa, thu hái đã chín chưa... Anh có thể nói say sưa cả ngày về càphê mà không sợ cạn 'vốn' kiến thức. Người hiểu, và 'say' càphê đến độ ấy là Trần Quang Hải, Giám đốc Công ty TNHH Đại Lộc (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).

Doanh nhân Trần Quang Hải trong hội thảo về cà phê. Ảnh: PV

Anh là người đầu tiên của mảnh đất này đã đưa thương hiệu càphê sạch của Khe Sanh đến với thị trường quốc tế.

Gầy dựng chuỗi càphê sạch

Chuyên gia nước ngoài kiểm tra quy trình sản xuất càphê tại Hướng Hóa. Ảnh: PV

Độ tuổi U40, Hải người mập, da đen, ăn mặc phong trần, chạy con xe bán tải cũ, không có gì là dáng vẻ của một giám đốc chuyên làm ăn, giao tiếp với Tây, với trị giá mỗi lần giao dịch hàng triệu đô. Dù rất bận, nhưng biết tôi muốn tìm hiểu về càphê Hướng Hóa, anh liền tìm cách thu xếp rồi đích thân lái xe chở tôi đi thực tế. Hải cho biết, có lái xe riêng, nhưng lần này anh chở tôi đi, để hai anh em tranh thủ trò chuyện về càphê. “Em ngồi trên ôtô nhiều hơn thời gian ở trên mặt đất là bình thường anh ạ”, Hải chia sẻ.

Trước khi đi, Hải gọi hai ly càphê đem theo, một để uống và một để mời tôi. Nhấp ngụm càphê, tôi thấy mùi thơm khác thường, ngoài ra không thể cảm nhận thêm điều gì, vì tôi vốn là dân “ngoại đạo”. Nhưng Hải thì khác, anh say sưa nói về đủ thứ chuyện trên đời liên quan đến làm ăn, lập nghiệp, quan điểm sống, gia đình... tất cả đều xoay quanh cây càphê.

Thói quen sản xuất càphê sạch đã ăn sâu bén rễ tại Hướng Hóa. Ảnh: QH

Hải vốn không được đào tạo chuyên nghiệp về quản trị kinh doanh hay trồng trọt, nông nghiệp... mà chỉ đam mê kiến trúc, rồi sau thi không đậu nên chuyển sang học đại học ngành tin học. Ra trường, anh cũng chưa gắn bó với càphê mà làm việc khác.

Biến cố xảy ra vào năm 2012, bố anh, chủ một cơ sở thu mua, chế biến càphê bị tai nạn trong khi làm việc qua đời. Là con trai lớn, anh phải tiếp quản cơ ngơi của bố để lại.

Vốn hiểu biết về càphê chưa nhiều, nên ban đầu, Hải lao đầu vào nghiên cứu, tìm hiểu tất tần tật mọi thứ liên quan đến càphê, từ ươm trồng, chăm sóc cho đến thu hái, chế biến, thị trường... Nhìn ra xung quanh, soi về thực tại, anh giật mình và tự nhủ: Phải thay đổi, nếu muốn tồn tại, phát triển.

“Lúc đó, bà con trồng, chăm sóc, thu hái càphê rất tùy tiện. Một số người sử dụng các hóa chất trong quá trình chăm sóc, rồi thu hái càphê khi chưa chín, càphê bị vứt bừa bãi, bị trộn quá nhiều tạp chất, kể cả đất đá. Một số người còn ngâm càphê dưới suối cho nặng trước khi bán”, Hải nhớ lại. Làm ăn chụp giật, chất lượng càphê thấp, bị thương lái ép giá, nên thu nhập của người trồng càphê rất bấp bênh.

Với suy nghĩ “mình không thể trách thị trường, trách thương lái được, mà phải tự xem lại mình”, Hải quyết tâm xây dựng thương hiệu càphê sạch, càphê hữu cơ trên mảnh đất Khe Sanh. Anh vận động, thuyết phục bà con chăm sóc, thu hái càphê đúng cách, bảo quản tốt, và cam kết sẽ mua với giá cao. Ban đầu, không phải ai cũng nghe theo anh, nhưng dần dần, “nói phải củ cải cũng nghe”, người dân thấy được lợi ích lâu dài, bền vững của sản phẩm càphê sạch nên đã tự giác thực hiện. Cây càphê được chăm sóc tốt hơn, chất lượng hạt cao hơn nên bán được giá hơn.

Khi chúng tôi vừa đến nhà, ông Hồ Minh Phong, thôn trưởng thôn Hướng Độ, xã Hướng Phùng (Hướng Hóa) cũng vừa đi làm về, hồ hởi cho biết: “Chúng tôi thành lập một nhóm gồm vài chục hộ trồng càphê, có giao kết với nhau và hỗ trợ nhau trong việc trồng càphê sạch, được Cty Đại Lộc của anh Hải bao tiêu. Vì có lợi ích lâu dài nên bà con ai cũng hưởng ứng. Nhờ có anh Hải nên phương thức trồng, thu hái càphê sạch đã phổ biến và ăn sâu bén rễ trong bà con”.

Ông Hồ Vương, chủ một cơ sở thu mua, chế biến càphê tại thôn Xa Ri, xã Hướng Phùng cũng cho biết: “Nếu làm ăn chụp giật, hái quả chưa chín, lẫn tạp chất, thì giá thu mua thấp, còn càphê sạch thì giá cao hơn. Nên xu hướng trồng càphê sạch là tất yếu”.

Đưa càphê Việt đến trời Tây

Có càphê sạch trong tay, Hải quyết đầu tư một dây chuyền phân loại, chế biến càphê hiện đại, để cho ra sản phẩm càphê rang, xay nguyên chất, thơm ngon. Tuy nhiên, để người dùng quen với thứ càphê mới này là điều không hề đơn giản. “Ban đầu, em tự đưa đi bỏ mối tại các quán, tiệm càphê, để người dùng quen dần. Vì hương vị càphê nguyên chất này khác với thứ càphê có pha trộn mà người dùng đã quen”, Hải nói.

Chuyên gia nước ngoài kiểm nghiệm chất lượng càphê sạch Hướng Hóa. Ảnh: QH

Anh còn tặng bạn bè, người quen, những người có tầm ảnh hưởng đối với công chúng, gửi đi các nơi để biếu tặng.... Dần dần, người dùng quen với hương vị càphê nguyên chất, gắn bó đến mức quen thuộc, không còn thích càphê pha trộn. Một chủ quán càphê tại thị trấn Khe Sanh cho biết: “Bây giờ, tại Hướng Hóa, hầu hết các tiệm đều nhập càphê nguyên chất của Cty Đại Lộc, vì khách đã quen dùng”.

Tuy nhiên, lượng càphê tiêu thụ vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Một lần Hải vào TP. Hồ Chí Minh, được một người quen giới thiệu đầu mối để xuất khẩu càphê sang Đức. Hải rất lo, vì thị trường Đức vốn nổi tiếng khó tính, mình chưa xuất khẩu bao giờ sợ không đáp ứng được.

Nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, anh nhận thấy chỉ có con đường này mới mở ra hướng đi mới cho càphê Quảng Trị, nên khó mấy anh cũng phải làm bằng được, không chỉ cho Cty, mà còn cho cả hàng nghìn hộ dân trồng càphê.

Cà phê Arabica Hướng Hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: QH

Ban đầu không có thương hiệu, người Đức họ không quan tâm, nên họ không đặt hàng. Hải phải nhờ một doanh nhân uy tín giới thiệu, họ mới sang khảo sát. “Họ làm vô cùng kĩ lưỡng, tỉ mỉ, cẩn thận. Khi thấy quy trình mọi cái đều đạt chuẩn và đã có chứng chỉ, hồ sơ hợp lệ, họ mới đồng ý ký hợp đồng”, Hải cho biết.

“Đầu xuôi, đuôi lọt”, sau khi lô hàng đầu tiên xuất xong, bảo đảm chất lượng, được đối tác tin cậy, số lượng đơn hàng ngày một nhiều lên, đồng nghĩa với lượng càphê thu mua ngày một lớn. Đến nay, trung bình mỗi năm Công ty Đại Lộc xuất khẩu khoảng 3.000 tấn càphê nhân, ngoài thị trường Đức là chủ yếu còn mở rộng sang các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Anh...

Làm ăn với nước ngoài, tầm nhìn của doanh nghiệp ngày một mở mang, yêu cầu về chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu. “Đối tác nước ngoài họ yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, nhưng thủ tục giải ngân rất đơn giản, nhanh chóng. Ngay cả quản trị doanh nghiệp mình cũng phải đổi mới để tạo ra sức cạnh tranh”, Hải đúc rút.

Càphê sạch được thu mua với số lượng lớn để xuất khẩu. Ảnh: PV

Đến nay, Công ty TNHH Đại Lộc có 20 nhân viên, công nhân cơ hữu, mức lương trung bình từ 6-8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi lần đến mùa thu hoạch càphê, công ty còn giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động thời vụ, bảo đảm mức thu nhập khá. Nhưng cái được lớn nhất của việc làm ăn với nước ngoài, là đã đưa thương hiệu càphê của miền núi Khe Sanh- Hướng Hóa đến với các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản... Sản phẩm của Công ty Đại Lộc đã được cấp chứng nhận quốc tế 4C, là một kết quả, thành tựu không hề đơn giản.

Trăn trở với người trồng càphê

Làm gì để càphê Việt nói chung, càphê Khe Sanh nói riêng được giá, nông dân có thu nhập cao hơn là câu hỏi đau đáu trong tâm khảm doanh nhân trẻ này. Nằm trong vùng nguyên liệu chuyên trồng cây càphê Arabica, Công ty Đại Lộc liên kết trực tiếp với nông dân để thu mua nguyên liệu nên hoàn toàn kiểm soát được quy trình sản xuất chất lượng từ khâu chăm sóc, thu hái đến sản xuất hàng xuất khẩu.

Làm gì để người trồng càphê giàu lên đang là trăn trở lớn của doanh nhân Trần Quang Hải. Ảnh: PV

Yên tâm về chất lượng, đầu ra ổn định, nhưng trăn trở của Hải là giá càphê vẫn còn thấp, người nông dân chưa làm giàu được từ cây càphê. Đặc biệt, với thị phần nhỏ, càphê Việt không thể tự quyết định được giá mà còn phụ thuộc vào giá càphê thế giới. Doanh nghiệp không thể thu mua giá cao khi giá thị trường xuống thấp. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người nông dân, Hải thấu hiểu được những gian truân, cực nhọc của người trồng càphê.

Từ đó, anh càng củng cố nhận thức là chỉ có sản phẩm càphê sạch mới tồn tại, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần có nhiều giải pháp để tăng năng suất, hạ giá thành sản xuất, người nông dân mới có lời, có thu nhập khá.

"Nếu trồng quá ít thì sẽ không có lời, nhưng nếu ham trồng diện tích lớn thì cũng khó có hiệu quả cao bởi sa vào quảng canh, chi phí lớn. Yếu tố thương hiệu rất quan trọng, nhưng suy đi tính lại, cái gì cũng cần khẳng định bằng thực chất, thực lực" - Hải đúc rút từ thực tiễn cây càphê Khe Sanh.

QUANG HIỂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/nguoi-dem-caphe-khe-sanh-den-troi-tay-614866.ldo