Người đẩy đảng Cộng hòa vào tình thế ngặt nghèo

Thượng nghị sĩ Josh Hawley nói ông muốn thu hút sự chú ý đối với các vấn đề về luật bầu cử, song những người cùng đảng nói ông chỉ đang phục vụ tham vọng chính trị của bản thân.

New York Times mô tả Thượng nghị sĩ Josh Hawley chưa bao giờ tỏ ra lập lờ về những ý định "chặn đường" ở Washington. Là người theo chủ nghĩa dân túy ngưỡng mộ Theodore Roosevelt, tốt nghiệp trường thuộc hệ thống Ivy League danh giá, và tràn đầy tham vọng, ông đã dành hai năm đầu tiên tại Thượng viện để cố đưa hai chữ "trí tuệ" vào thương hiệu chính trị của Tổng thống Trump.

Ông Hawley, đảng viên Cộng hòa từ Missouri và là thành viên trẻ nhất của Thượng viện, ít nhiều đã gây được tiếng vang. Ông tuyên chiến với các tập đoàn công nghệ lớn, xây dựng liên minh tưởng chừng bất khả với các nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do và nhiều lần chỉ trích thiết chế đảng Cộng hòa.

Dù vậy, kế hoạch của ông cho ngày 6/1 có thể làm tiêu tan mọi thành tích trước đây. Ông dự định chính thức phản đối kết quả khi quốc hội Mỹ nhóm họp để chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden trong cuộc bầu cử 2020.

Bị người cùng đảng chỉ trích

Nỗ lực này cuối cùng sẽ thất bại, với đa số thành viên lưỡng đảng ở Hạ viện và Thượng viện nhất định sẽ không để ông Trump lật ngược kết quả bầu cử. Song bằng cách cùng các đảng viên Cộng hòa ở Hạ viện thách thức kết quả đã được chứng nhận ở các bang chiến trường, ông Hawley, ứng viên tổng thống tiềm năng vào năm 2024, sẽ buộc quốc hội phải tranh luận công khai và bỏ phiếu về vấn đề này.

Giới lãnh đạo đảng Cộng hòa lo ngại rằng ván cờ của ông Hawley sẽ khiến đảng bị chia rẽ và tạo tiền đề cho cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" quyết định tương lai của đảng.

12 thượng nghị sĩ khác và hàng chục thành viên của Hạ viện đã tuyên bố họ có ý định tương tự ông Hawley, bao gồm nhóm do Thượng nghị sĩ Ted Cruz dẫn đầu. Ông Cruz cũng đang nuôi tham vọng tranh cử tổng thống một lần nữa.

 Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã tuyên bố ý định thách thức kết quả bầu cử. Ảnh: Reuters.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã tuyên bố ý định thách thức kết quả bầu cử. Ảnh: Reuters.

Kể từ khi tuyên bố sẽ làm như vậy, ông Hawley, 41 tuổi, đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa coi động thái của ông là mưu đồ của một luật sư tinh ranh nhằm tăng cường sự ủng hộ từ lực lượng cử tri nòng cốt của ông Trump, tạo đà cho cuộc chạy đua Nhà Trắng năm 2024.

Ban biên tập tờ Wall Street Journal đã cáo buộc ông Hawley và ông Cruz theo đuổi "những tính toán của riêng họ về việc chạy đua chức tổng thống", khiến đất nước phải trả giá.

Thượng nghị sĩ Ben Sasse của Nebraska, thành viên trẻ tuổi của đảng Cộng hòa cũng được cho là nuôi dưỡng tham vọng Nhà Trắng, còn gay gắt hơn. Trong bức thư gửi các cử tri vào tuần trước, ông nói ông Hawley và ông Cruz đang "chĩa khẩu súng đã nạp đạn vào trung tâm của chính phủ tự trị hợp pháp".

Và hôm 4/1, kế hoạch của ông Hawley đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ John C. Danforth, chính khách lão làng của đảng Cộng hòa ở Missouri và là người đã mở đường để ông Hawley tranh cử vào Thượng viện năm 2018. Ông Danforth cho rằng việc thách thức kết quả bầu cử là một phần của "chiến lược dân túy nhằm khiến nước Mỹ bị chia rẽ hơn nữa bằng cách truyền bá các thuyết âm mưu và kích động sự bất mãn".

"Kiểu gì cũng thua"

Ông Hawley tỏ ra không nao núng. Ông đã nhanh chóng yêu cầu các nhà tài trợ ủng hộ ông vào tuần trước. "Như các vị có thể tưởng tượng, tôi đang bị gây sức ép từ các thiết chế ở Washington và Phố Wall để phớt lờ ý nguyện của người dân và không nêu ra vấn đề này", ông viết.

Trong các bình luận công khai, ông nói ông sẽ không tranh cử tổng thống và thừa nhận có rất ít khả năng để loại bỏ phiếu đại cử tri của bất cứ tiểu bang nào. Ông cũng đã bác bỏ những tuyên bố của ông Trump và một số thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện rằng tổng thống là nạn nhân của gian lận bầu cử diện rộng.

Thay vào đó, ông Hawley nhấn mạnh rằng mục tiêu của ông là thông qua quá trình kiểm phiếu tại quốc hội để làm nổi bật sự thiếu an toàn của hệ thống bỏ phiếu, việc một số bang không tuân theo luật bầu cử của chính họ, hành vi "can thiệp" bầu cử của các công ty như Twitter và Facebook nhằm giúp ông Biden.

Ông Hawley và Tổng thống Trump. Ảnh: AFP/Getty.

Ông đã nhiều lần nói ông tự đưa ra quyết định thách thức kết quả bầu cử.

"Lương tâm của cậu ấy là của cậu ấy", Thượng nghị sĩ Kevin Cramer, đảng viên Cộng hòa đại diện bang North Dakota, nói. "Tất cả chúng ta đều có thể không đồng ý, và không nhất thiết là ai đó thực sự sai".

Trong khi đó, những người khác đã cảm thấy bất bình khi ông Hawley đẩy đảng Cộng hòa vào tình thế "kiểu gì cũng thua", và ông gần như không giải thích cho hành động của mình.

Khi các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tham gia cuộc họp đêm giao thừa để thảo luận về quy trình chứng nhận kết quả bầu cử sắp diễn ra tại quốc hội, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo đa số, đã hai lần kêu gọi ông Hawley giải thích quan điểm. Đáp lại là sự im lặng; các trợ lý cho biết ông Hawley không có mặt trong cuộc họp trực tuyến vì xung đột lịch trình.

"Để người dân Mỹ phán xét"

Ông McConnell đã ra sức ngăn cản các thượng nghị sĩ tham gia phản đối, cảnh báo rằng việc này có thể đẩy các thành viên đảng Cộng hòa vào thế ngặt nghèo, đặc biệt là với những người muốn tái tranh cử vào năm 2022. Thượng nghị sĩ Roy Blunt của bang Missouri nằm trong số đó.

"Nếu bạn có một kế hoạch, thì đó phải là kế hoạch có một số cơ hội thành công", ông Blunt nói với các phóng viên hôm 3/1.

Ông Hawley đắc cử thượng nghị sĩ năm 2018. Ảnh: Getty.

Trước sự chỉ trích từ đảng Cộng hòa, ông Hawley đã viết thư cho các đồng nghiệp nói ông muốn tiến hành một cuộc tranh luận trên sàn Thượng viện "để toàn bộ người dân Mỹ phán xét" hơn là "bằng thông cáo báo chí, họp hành trực tuyến hay email".

Đó là tình thế mà các thượng nghị sĩ khác có thể ngần ngại đưa đồng nghiệp của họ vào, nhưng giống ông Trump, ông Hawley tự hào về việc không chơi theo các quy ước của Washington.

Ông thường xuyên nhắc đến việc ông lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở phía tây Missouri, chống lại giới tinh hoa ở các vùng ven biển. Đó là những người mà ông nói rằng đã dựa vào các doanh nghiệp lớn, công nghệ và truyền thông để dần dần gạt tầng lớp lao động ra bên lề xã hội.

Mặc dù có quan điểm bảo thủ sâu sắc về quyền phá thai và các vấn đề văn hóa khác, ông vẫn thoải mái nói về phẩm giá của tầng lớp lao động và công đoàn bằng ngôn ngữ thường được phe cánh tả sử dụng. Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu tàn phá nền kinh tế Mỹ vào năm ngoái, ông đã thúc đẩy việc thay thế tiền lương do chính phủ tài trợ trước tiên và sau đó là khoản chi trả trực tiếp 2.000 USD cho người Mỹ, phối hợp với Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, nhà lập pháp theo đường lối cấp tiến từ bang Vermont.

Con đường của ông Hawley ít nhiều trái ngược với những gì mà ông đang thể hiện. Sau khi theo học tại một trường dự bị Dòng Tên ở Thành phố Kansas, ông đã lấy bằng ở cả Stanford và Yale. Ông dành một năm giảng dạy tại một trường dự bị nam sinh ở London; sau đó làm thư ký luật cho Chánh án John G. Roberts của Tòa án Tối cao, nơi ông gặp người vợ tương lai.

Ông cũng là tác giả cuốn tiểu sử được đón nhận nồng nhiệt về cựu tổng thống Roosevelt, người đã ảnh hưởng lớn đến quan điểm của ông về quyền lực doanh nghiệp và vai trò của chính phủ trong xã hội.

Đông Phong

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-day-dang-cong-hoa-vao-tinh-the-ngat-ngheo-post1170450.html