Người đất võ sáng tạo

Giai đoạn 2012 - 2017, trong số 438 đề tài thuộc lĩnh vực y - dược ở Bình Định, có 8 đề tài đoạt giải cao trong hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, 39 đề tài được đề nghị Tổng LĐLĐVN trao Bằng Lao động sáng tạo (LĐST). Một ví dụ về không khí thi đua yêu nước sôi nổi của CNVCLĐ đất võ.

Chủ tịch LĐLĐ Bình Định Nguyễn Mạnh Hùng (giữa) trao Bằng LĐST cho các cá nhân xuất sắc. Ảnh: X.N

5 năm, 15,6 ngàn lượt sáng kiến, làm lợi hơn 123 tỉ đồng

Phạm Văn Lộc là thợ bậc 7/7 của Cty CP Xây lắp điện Tuy Phước. Năm 2016, anh thực hiện đề tài “Thiết kế, sản xuất thiết bị kéo và thu hồi dây cáp điện”. Tận dụng nguyên vật liệu sẵn có của đơn vị, Lộc sản xuất thành công thiết bị giúp công nhân nhẹ nhàng, thoải mái hơn trong quá trình làm việc.

Năng suất lao động tăng lên, thời gian thi công ngắn lại, doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí. Giải pháp hứa hẹn khả năng ứng dụng rộng rãi cho các công trình cải tạo lưới điện vừa và nhỏ trên toàn quốc ấy được Tổng LĐLĐVN tặng Bằng LĐST.

Đây là lần thứ 3, Lộc có được vinh dự này. Trước đó, anh là một trong 3 CNLĐ của Bình Định nhận giải Nguyễn Đức Cảnh, được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng vì thành tích lao động giỏi, lao động sáng tạo.

Ở Bệnh viện Đa khoa Bình Định, bác sĩ Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Phạm Văn Phú là một tấm gương khác. Liên tiếp 3 cuộc thi sáng tạo kỹ thuật 6, 7, 8 của Bình Định, đề tài khoa học áp dụng vào thực tiễn điều trị của ông đều được trao giải nhất.

Bác sĩ Phú là trường hợp duy nhất của Bình Định có trong tay 5 Bằng LĐST. Người thầy thuốc vừa đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua này thổ lộ: “Ở vị trí lãnh đạo khoa, mình phải gương mẫu đi đầu để cán bộ, viên chức học tập, noi theo”.

Cty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) là thương hiệu nổi bật, không chỉ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Bidiphar hiện có mặt ở 63 tỉnh, thành với 400 loại sản phẩm được Bộ Y tế cho phép lưu hành rộng rãi. Doanh nghiệp từng bước vươn ra thị trường ngoài nước với 70 mặt hàng xuất khẩu, đạt giá trị kim ngạch 1,5 triệu USD.

Ông Trần Văn Khuê - Phó Chủ tịch CĐCS Cty - cho biết: “Trong 5 năm, Cty có 334 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (29 đề tài được cấp Bằng LĐST); 4 đề tài, dự án cấp nhà nước; 4 đề tài, dự án cấp tỉnh; 147 sản phẩm mới được cấp phép lưu hành... Nhiều công trình có ý nghĩa lớn về hàm lượng khoa học và hiệu quả kinh tế nối tiếp ra đời.

Đề tài “Nghiên cứu, bào chế thuốc tiêm đông khô Carboplatin dùng điều trị bệnh ung thư” được 25 bệnh viện trong nước sử dụng hiệu quả, được trao giải KOVA lần thứ 12. Thành công của đề tài là tiền đề quan trọng để Bộ Khoa học và Công nghệ giao Bidiphar triển khai dự án “Nghiên cứu phát triển và đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư” kinh phí 250 tỉ đồng.

Hay đề tài “Nghiên cứu tối ưu hóa công thức và đánh giá tương đương sinh học viên nén Gliclazid 60mg phóng thích kéo dài” giúp phát triển dòng sản phẩm này ở quy mô công nghiệp, thay thế dần thuốc ngoại nhập, mở ra hướng đi mới, góp phần hiện đại hóa ngành công nghiệp dược cả nước nói chung”.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định Nguyễn Ngọc Anh dẫn số liệu tổng kết: “Giai đoạn 2012-2017, có 15.620 lượt đề tài khoa học, sáng kiến, giải pháp công nghệ của CNVCLĐ được công nhận, làm lợi cho doanh nghiệp, xã hội 123,3 tỉ đồng. Trong đó, 8.582 sáng kiến là mồ hôi công sức của người lao động trực tiếp
sản xuất”.

Chia sẻ lợi ích cho người lao động

Ưu điểm của phong trào LĐST những năm gần đây, theo LĐLĐ tỉnh Bình Định là sự vận hành đồng bộ và tính hiệu quả, thiết thực ở đầu ra sản phẩm: “Nhiều cơ quan, đơn vị có cơ chế khuyến khích, động viên thích đáng; chú trọng đổi mới công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Do đó, thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia, đặc biệt là thợ bậc cao, nhân viên kỹ thuật, quản lý giàu kinh nghiệm.

Hàng trăm đề tài, hàng ngàn sáng kiến, kinh nghiệm ứng dụng vào thực tế sản xuất - đời sống đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị; giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, cải thiện, ổn định đời sống người lao động” - Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn nhận xét: Sức sáng tạo từ nguồn nhân lực tại chỗ còn dồi dào, nhiệm vụ trước mắt là phải khai thác, phát huy tiềm năng ấy cho mục tiêu đầu tư, phát triển công nghệ, cải thiện năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Toàn gợi ý: “Hoạt động sáng tạo của CNVCLĐ xuất phát từ niềm đam mê và trách nhiệm xã hội. Không ai vùi đầu nghiên cứu chỉ để mưu cầu được tôn vinh. Tuy nhiên, người quản lý, sử dụng lao động phải khác, phải thay đổi phương thức đánh giá.

Nếu tôi là chủ doanh nghiệp, tôi không ngần ngại chia sẻ lợi nhuận phát sinh từ các đề tài nghiên cứu mang lại hiệu quả lớn. Làm vậy, sẽ thúc đẩy người lao động sáng tạo mạnh mẽ hơn, gắn bó với nhà máy, xí nghiệp bền chặt hơn. Suy cho cùng, doanh nghiệp được hưởng lợi, xã hội hưởng lợi”.

XUÂN NHÀN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-dat-vo-sang-tao-566796.ldo