Người đảng viên cao tuổi gương mẫu của Đảng bộ tại Angola

Bà là Bác sỹ Tạ Thị Bích Cầu (ảnh bên), sinh năm 1934, vào Đảng năm 1961, đến nay đã 84 tuổi đời và 57 tuổi Đảng. Bà là đảng viên cao tuổi nhất trong Đảng bộ tại Angola, hiện đang sinh hoạt tại Chi bộ Tự Lập nghiệp.

Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội); chồng bà là liệt sỹ, hy sinh năm 1963 tại chiến trường miền Nam. Bà sớm tham gia cách mạng từ những ngày đầu sau khi nước ta giành độc lập. Vào những năm 1950, bà tham gia kháng chiến, làm tuyên truyền viên trên mặt trận Quảng - Đà, rồi chiến đấu trong lực lượng tình báo Quân Khu 5. Sau năm 1954, miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bà được tổ chức đưa ra Bắc tập kết, cử đi học y tá, y sỹ rồi Bác sỹ.

Sau khi học xong, bà được cử về công tác tại Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai (sau tách ra thành Bệnh viện Da liễu Trung ương). Đến năm 1989, khi đó Bà đã 55 tuổi, ở tuổi mà mọi người thường tính đến chuyện nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng tuổi già sau bao thăng trầm vất vả của cuộc đời, đi qua chiến tranh... thì bà lại tình nguyện sang Angola làm chuyên gia giúp Bạn.

Một mình bà nuôi 4 người con ăn học, các con bà đều trưởng thành, người là tiến sĩ, người là bác sỹ, các cháu chắt nội ngoại của bà đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành.

Thời gian trôi nhanh, thấm thoắt đã 30 năm bà làm chuyên gia và sinh sống tại Angola. Bà đã chứng kiến những thời khắc lịch sử của nước bạn, cùng sống, cùng đồng cam, cộng khổ với những người dân từ thời nội chiến với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn; có nhiều chuyên gia của nước ta và một số nước khác không chịu được gian khổ, nguy hiểm họ đã về nước; bà cũng đã từng chứng kiến, tiễn đưa nhiều người để vĩnh viễn về với đất mẹ... Nhưng động lực quyết tâm lớn nhất để bà ở lại trên đất nước này là bà rất hiểu và thương những ngưới dân bản địa ở đây, đa số họ rất thật thà, nghèo khổ, bệnh tật, thiếu thốn đủ thứ... Khu ở và Bệnh viện nơi bà làm việc mọi người rất kính trọng bà, họ coi bà như là người bà, người mẹ, vì vậy bà không nỡ về, bà coi Angola là quê hương thứ 2 của mình.

Tháng 8-2018 bà đã xin nghỉ hưu và được hưởng lương hưu tại Angola. Bà nói tuổi bà đã cao, sức khỏe không còn được như trước nữa nên xin nghỉ đi làm. Tuy vậy, bà vẫn làm ở nhà, ngoài công việc bác sỹ khám tại nhà cho mọi người, bà còn kinh doanh thêm việc bán kính mắt. Những người tìm đến bà để nhờ giúp đỡ chủ yếu là người dân nghèo. Điều đó làm bà rất vui vì bà nghĩ đơn giản là ở tuổi này vẫn còn nhiều người cần đến bà. Bà đồng cảm với người dân, khám bệnh có khi là miễn phí; còn việc bán kính mắt giá rất hợp lý, chắc không cửa hàng nào ở Luanda bán với giá đó. Bà khám bệnh và tư vấn, dặn dò người bệnh tận tình, hướng dẫn họ chu đáo, nhiều người đến mua kính không đủ tiền bà cho nợ, khi nào có thì trả, thậm chí nhiều khách chưa có tiền bà cũng bán cho khi nào có trả bà.

Thời gian qua, mặc dù rất bận rộn nhưng bà luôn giành thời gian cho các hoạt động của cộng đồng và Đại sứ quán tổ chức. Bà thường xuyên giúp đỡ mọi người trong cộng đồng người Việt như hỗ trợ họ làm ăn, kinh doanh hoặc nói với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người Việt muốn ở lại làm ăn, buôn bán. Với nhiều người trong cộng đồng Việt Nam tại Angola luôn coi bà ân nhân, là người bà, người mẹ. Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, đảng bộ và sinh hoạt cộng đồng, bà luôn có những bài nói chuyện, phát biểu về truyền thống đất nước, truyền thống dân tộc Việt Nam, về chứng kiến những thăng trầm của nước ta và Angola; trải qua bao nhiêu năm sống xa quê hương đất nước, nhưng bà luôn dõi theo tình hình trong nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng nhất là những thời khắc lịch sử của dân tộc. Còn đối với cộng đồng người Việt tại Angola bà nhận định “Cộng đồng người Việt Nam luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, truyền thống đó không phải cộng đồng nước ngoài nào sống tại Angola có được”.

Bà sống một mình, bình dị trong căn nhà đơn sơ rất nhỏ, nhỏ hơn cả tưởng tượng của mọi người nhưng bà nói đối với bà thế là đủ, bởi vì bà đã quen sống thế này rồi và không có nhu cầu nhiều về vật chất, những thứ mình cần thì đã có; hằng ngày bà vẫn đọc báo, sách, xem thời sự, khám bệnh giúp đỡ mọi người... hoặc có khi sang trông nom giúp cháu của bà đang sinh sống và kinh doanh gần đó.

Có thể nói cuộc sống khó khăn những năm trước đây của nước ta và những năm vừa qua trên đất nước Angola đã tôi luyện bà trở thành người như thế, sự chịu đựng bền bỉ, tinh thần lao động và cống hiến cho nhân dân, cho mọi cộng đồng người Việt. Bà là đảng viên mẫu mực, đáng kính cao tuổi nhất của Đảng bộ tại Angola, mới đây bà đã được tặng Huy hiệu 55 tuổi đảng. Mong bà luôn khỏe mạnh, trường thọ để luôn là cây cao, bóng cả cho cộng đồng người Việt, để chúng tôi thêm niềm tự hào về Đảng bộ của chúng tôi có những người đảng viên mẫu mực như thế.

Vũ Việt QuangPhó Bí thư Đảng ủy tại Angola

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/dang-vien-phan-dau-tot/2018/12265/nguoi-dang-vien-cao-tuoi-guong-mau-cua-dang-bo-tai-angola.aspx