Người Đàng Hạ ở Sơn Đừng

Nằm ở vị trí đã được xác định là cực đông trên đất liền của Việt Nam, thôn biển Sơn Đừng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) nổi tiếng là nơi xa xôi, biệt lập. Người Đàng Hạ - một tộc người đặc biệt - sinh sống ở đây vì thế lại càng khiến nhiều người tò mò.

Người Đàng Hạ ở Sơn Đừng

Bài & ảnh: PHƯỢNG DIỄM

Thứ Sáu, 15-05-2020, 16:54

+ | Print

Nằm ở vị trí đã được xác định là cực đông trên đất liền của Việt Nam, thôn biển Sơn Đừng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) nổi tiếng là nơi xa xôi, biệt lập. Người Đàng Hạ - một tộc người đặc biệt - sinh sống ở đây vì thế lại càng khiến nhiều người tò mò.

Đàn bà Đàng Hạ đi biển

Đến Sơn Đừng, chúng tôi tìm được vợ chồng chị Đinh Thị Hạnh. Chị Hạnh là con thứ ba của ông Đinh Văn Trớc - gia đình được xem như có vai vế bậc nhất của người Đàng Hạ. Chị hỏi tôi có cùng chị ra khơi cho một chuyến đánh lưới trong ngày không, chúng tôi đồng ý ngay. Cuộc sống mở cửa khiến những kiêng kị về nghề biển cũng đã có ít nhiều thay đổi. Điều gây ấn tượng với tôi là chị là người chỉ huy hành trình tàu, trong khi chồng chị lái tàu, trái ngược với suy nghĩ đã quen về người thuyền trưởng phải là đàn ông.

Trước khi có đường, để vào được Sơn Đừng chỉ có cách ngồi ghe mất nửa giờ. Người Sơn Đừng tách biệt, lặng lẽ, tự tạo dựng thói quen của riêng mình. Người Đàng Hạ còn nằm ở điểm cuối của Sơn Đừng, lại càng là đề tài gây bàn tán của nhiều kẻ phương xa. Người Đàng Hạ gốc được cho là có nước da ngăm đen, tóc xoăn, mày rậm, đặc biệt con ngươi mắt mầu đồng dễ nhận diện. Nhiều năm, người ta tò mò, thậm chí tỏ ra nghi kỵ người Đàng Hạ. Nên người Đàng Hạ cũng vì thế mà khép kín trong không gian riêng cuối trời ấy.

Chồng chị Hạnh không phải người Đàng Hạ. Chị Hạnh bảo bây giờ hầu hết các gia đình là nửa Đàng Hạ, nửa Đầm Môn (một bán đảo của vịnh Vân Phong). Nhìn chị Hạnh đóng vai trò thuyền trưởng, mới thấy đàn bà đi biển hóa ra cũng có uy khác thường. Làn da nâu bóng, đôi tay chai sần chắc khỏe, thoăn thoắt thả neo, kéo lưới, bắt cá, chị Hạnh nói phụ nữ Sơn Đừng thành thục nghề biển không thua kém đàn ông. So với anh em trong nhà, gia đình chị Hạnh cũng được coi như thành đạt hơn cả.

Chị Hạnh bắt đầu đi biển cùng cha mình từ khi mới hơn mười tuổi. Khởi đầu là phụ giúp cha vài việc nhỏ như quăng neo khi được lệnh, gỡ cá trên lưới hay phụ lái thuyền... Thời đó, người Đàng Hạ hãy còn là một cộng đồng nhỏ, sống tách biệt ở một góc thôn Sơn Đừng. Nhà không có người thì phụ nữ cũng phải ra khơi, đấy là lý do đơn giản. Rồi chị bắt đầu theo những chuyến biển dài hơi, đánh bắt lớn hơn.

Cũng có một thời gian chị Hạnh rời xa biển, đó là khi mới lập gia đình, chưa có tiền mua xuồng, đóng thuyền như người ta. Hai vợ chồng chị đành lên núi đốt củi, mang than đi bán, kiếm ăn từng ngày. Đó cũng là cách kiếm sống cơ bản của Đàng Hạ. Họ phải xoay xở đủ cách sinh nhai, trong không gian ít ỏi cơ hội ấy, hầu như không có lựa chọn khác.

Tới khi có đường, những cơ sở nuôi trồng thủy hải sản bắt đầu phát triển, Sơn Đừng cũng rục rịch thay đổi. Chị Hạnh cũng xin đi làm cho cơ sở nuôi ngọc trai trong vùng. Từ tiền làm thuê, gia đình chị không những đủ ăn lại còn dư chút ít bỏ heo, dành dụm mua được chiếc ghe nhỏ. Và rồi chị lại trở về với nghề biển.

Về với biển, người phụ nữ này như tìm được chỗ của mình. Đều đặn mỗi ngày đi lưới, gia đình chị từ ghe nhỏ đã có được một con thuyền lớn. “Nhà mình đánh bắt cả cá với mực. Có bữa không có con nào, có bữa bán được mười mấy, hai chục triệu đồng”, chị vừa gồng mình kéo lưới, vừa tươi cười kể chuyện. Tôi nhìn khoang lưới mới chỉ nửa ngày đã đầy ắp mực, không thể hình dung chỉ vài năm trước, chị từng gánh món nợ lớn đến mức muốn tự tử. “Quanh quẩn vẫn là biển nuôi mình. Trước tôi đầu tư nuôi tôm hùm, vốn liếng hết vào đó, một trận bão là sụp đổ hết. Xong ông ba năn nỉ, ổng kêu của đi thay người, thế là lại cố gắng”.

Chị Hạnh bảo nợ nần phá sản nhiều nhà bị, nhưng người Đàng Hạ mà dính nợ còn kinh khủng hơn. Chục năm trước, nhiều người Đàng Hạ vẫn bị coi là yếu thế, bị mặc định là nghèo hèn. Cơ hội gượng lại là rất nhỏ. Thế nên chị nói càng phải cố gắng. Bây giờ, vợ chồng chị từ chiếc ghe nhỏ, rồi có được chiếc thuyền lớn, là một nỗ lực và đổi thay lớn lao.

Ra biển Sơn Đừng mới thấy choáng ngợp. Trời biển gần như hòa lẫn với nhau cùng mầu xanh thăm thẳm, được chấm phá thêm những đụn cát trắng mịn trải dài hàng chục cây số. Từ trên cao nhìn xuống, khung cảnh êm đềm đến mức tưởng như cả vùng này là một trảng mầu tĩnh lặng nằm trên toan chờ đợi người họa sĩ. Mới thấy bấy lâu nay, tộc người ẩn dật nơi “sơn cùng, thủy tận” này dường như mới thật sự là những người biết khôn ngoan, biết tận hưởng.

Bà Trần Thị Mía - người Đàng Hạ già nhất trong thôn.

Bà Trần Thị Mía - người Đàng Hạ già nhất trong thôn.

Người Đàng Hạ bây giờ

Nếu không phải chị Hạnh tự giới thiệu, tôi sẽ không nhận ra sự khác biệt ở người phụ nữ Đàng Hạ này so với đa phần người miền trung nắng gió khác. Chị Hạnh bảo đã lâu lắm, không thấy còn ai nói ra vào về ngoại hình người Đàng Hạ nữa.

Ở Sơn Đừng, người phụ nữ còn giữ gương mặt Đàng Hạ nguyên bản nhất, cũng gần như là duy nhất là bà Trần Thị Mía. Nhiều năm nay, bà Mía bị làm phiền bởi vô số các cuộc viếng thăm, bởi ai cũng sẽ tìm đến bà nếu muốn hỏi gốc gác người Đàng Hạ.

Bà Mía khoảng 90 tuổi, trông dáng người nhỏ bé nhưng vẫn còn nhanh nhẹn. Khi chúng tôi đến, bà đang đưa võng cho đứa chắt nhỏ ngoài hiên. Ngồi chơi một lát, bà Mía có vẻ ngạc nhiên vì tôi không đả động gì về nguồn gốc của người Đàng Hạ với những câu hỏi bà đã quen nghe. Thế rồi, bà tự kể, rằng: “Có các anh ở tận đâu ấy, qua đây toàn hỏi là ông bà tổ tiên đến từ phương nào, nói thứ tiếng gì, có phong tục gì không... Họ hỏi thì tôi bảo ba mẹ chẳng kể, các cụ chết cả rồi, giờ ai mà biết được”.

Có một bức màn bí ẩn bao quanh nguồn gốc của người Đàng Hạ ở Sơn Đừng. Theo một giả thuyết, tổ tiên của họ là những thuyền nhân từ các nước láng giềng, bị bão tố đánh dạt vào đây và ở lại nơi này. Lại có nhiều nhà văn hóa cho rằng họ từng thuộc về vương quốc Phù Nam xưa, sau đó bị người Chăm-pa thôn tính… Nhưng ngay cả bà Mía cũng chẳng còn muốn nói chuyện ngày xưa - cái thời mà người Đàng Hạ ra đường là bị xì xào.

Họ vẫn còn một vài nét đặc trưng còn giữ lại. Chẳng hạn như ông Đinh Văn Trớc - cha của chị Hạnh - “biểu diễn” cách lấy nước ngọt truyền thống của người Đàng Hạ. Chỉ cần dùng tay đào một hố nhỏ ở bất cứ vị trí nào trên bờ cát, thế là đã có ngay những vốc nước ngọt lịm, không hề pha vị lợ hay chút muối nào. Đến nay, người Đàng Hạ đã biết đào giếng, không mấy ai còn dùng cách lấy nước ngọt này nữa. Nhưng con mắt để nhìn ra chỗ có nước ngọt giữa mênh mông cát này thì người Đàng Hạ vẫn rất rành.

Thế hệ người Đàng Hạ lớn lên, giong buồm ra khỏi vùng an toàn, dựng vợ gả chồng với người nơi khác ngày một nhiều. “Ngày xưa chỉ có bảy nhà, ở sát biển ngoài kia, do trên tỉnh người ta cho tiền xây đó. Bây giờ thì nở ra mấy chục nhà rồi, người cũng đông thêm, nhưng lớp trẻ đi làm ăn hết, còn lớp già ở đây thôi”, ông Trớc tóm lược “lịch sử” của người Đàng Hạ ở Sơn Đừng đơn giản như thế. Ở lại với Đàng Hạ như chị Hạnh cũng là hiếm hoi.

Trong hành trình đi kéo lưới cùng nhà chị Hạnh, chúng tôi đi qua một khu nghỉ dưỡng ven biển, chỉ cách bờ chừng 10 phút đi ghe. Điều đó dự báo một bước phát triển mới của du lịch nhưng cũng khiến những người yêu sự yên bình của Sơn Đừng phải lo ngại. Chị Hạnh bảo không biết có ảnh hưởng gì tới nguồn hải sản quanh đây không, vì vài năm nay đánh bắt cũng kém hơn. Nhưng người đàn bà vẫn tươi tắn bảo có biển thì không sợ đói. Người Đàng Hạ bắt đầu kinh doanh thêm dịch vụ đưa khách đi du ngoạn trên biển, từ chính chiếc ghe của nhà mình.

Giờ đây không ai còn cho rằng người Đàng Hạ là xa lạ. Người Đàng Hạ dần chia sẻ cả những phong tục tập quán với người địa phương như cưới hỏi, lễ hội, đền chùa… Thôn biển này đẹp hoang sơ và hấp dẫn hẳn rồi! Nhưng chính người Đàng Hạ đã tạo cho nơi đây một sinh khí riêng, bằng sự bình dị hồn hậu của riêng mình.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/baothoinay-xahoi-phongsu/item/44482402-nguoi-dang-ha-o-son-dung.html