Người đăng clip 'nhạy cảm' khiến nữ sinh Nghệ An tự tử bị xử lý như thế nào?

Các chuyên gia pháp luật cho rằng, vụ nữ sinh Nghệ An tự tử vì bị tung clip nóng lên mạng xã hội (MXH) gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa khôn lường của MXH. Những hành vi vi phạm pháp luật trên MXH đều bị xử lý không khác nhiều hành động ngoài thực tế.

Hiện trường nơi phát hiện thi thể nạn nhân. Ảnh: P.H/Zing.vn

"Đừng "ném đá" bất cứ ai"

Liên quan đến thông tin nữ sinh H.T.L ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) tự tử vì bị đăng ảnh tình cảm, nhiều học sinh cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết của L là việc một số trang MXH phát tán clip L và một bạn nam hôn nhau trong lớp.

Theo đó, ngày 8.3, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu tổ chức ngày Quốc tế phụ nữ nên cho phép học sinh mang điện thoại đến lớp.

Tại lớp của L, trong lúc vui đùa, các em đã thách thức học sinh nam hôn học sinh nữ, dẫn đến hành động như trong clip.

Những bình luận ác ý, những lời phê phán trên MXH đã gián tiếp đẩy L tìm lối giải thoát về cõi vĩnh hằng.

Chia sẻ với Lao Động, bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa VIII, Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay, sự việc nữ sinh Nghệ An tự tử vì bị tung clip nóng lên MXH gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa khôn lường của MXH.

Bà An cho rằng, đừng "ném đá" bất cứ ai vì sẽ khiến họ bị tổn thương tinh thần.

"Đôi khi chỉ những cái like (thích), comment (bình luận), share (chia sẻ) có thể khiến người khác lao đao, thậm chí hủy hoại cuộc sống của họ. Chính vì vậy, cần cẩn trọng trong cách hành xử khi tham gia mạng xã hội”, bà An cho hay.

Trong vụ việc này, bà An bình luận rằng cần xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị đăng tải những hình ảnh nhạy cảm của nữ sinh L lên MXH, đồng thời làm rõ hành động tự tử của nữ sinh có liên quan như thế nào với đoạn clip bị tung lên mạng.

Xem xét trách nhiệm của người phát tán

Còn luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, trong vụ nữ sinh tự tử do bị phát tán hình ảnh, clip hôn bạn trai trong lớp, phải xem xét trách nhiệm của người phát tán hình ảnh, clip, người bình luận.

Bởi, cá nhân thể hiện tình cảm (dù ở nơi công cộng) là quyền riêng tư của họ, mọi người có nghĩa vụ tôn trọng. Việc thu thập, lưu trữ sử dụng hình ảnh riêng tư không được sự đồng ý là vi phạm pháp luật.

Luật sư cho hay, người có hành vi cung cấp, trao đổi, phát tán, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, nếu chưa đến mức xử lý hình sự, sẽ bị phạt hành chính. Điều này được quy định tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013, cụ thể hóa ở Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015.

Muốn phân tích rõ vụ việc, cơ quan chức năng cần xác định những lời lẽ của người đăng hình ảnh, clip, người bình luận tác động như thế nào đến ý chí của nạn nhân, nó có mối quan hệ nhân quả thúc đẩy nạn nhân thực hiện hành động tự tử hay không?

Về mặt chủ quan, cần xác định nhóm người này có lỗi cố ý, thực hiện hành vi với mục đích làm nhục, xúi giục tự sát, mong muốn hậu quả xảy ra hoặc có ý thức chấp nhận để mặc hậu quả có thể xảy ra?

"MXH mặc dù tính chính danh không cao nhưng không khó khăn để xác định người thực hiện hành vi trên MXH. Do vậy, mọi cá nhân khi sử dụng MXH để bình luận, tương tác đều phải tuân thủ quy định pháp luật. Hành vi vi phạm, tùy mức độ đều bị xử lý không khác nhiều hành động ngoài thực tế", luật sư nói.

Trong môi trường MXH, cá nhân cũng cần vững vàng hơn, cần chuẩn bị tâm lý cho những sự kiện bất ngờ xảy đến ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của mình.

Cường Ngô

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/nguoi-dang-clip-nhay-cam-khien-nu-sinh-nghe-an-tu-tu-bi-xu-ly-nhu-the-nao-595537.ldo