Người dân Zimbabwe ăn mừng khi tổng thống từ chức

Sau khi thư từ chức Tổng thống Zimbabwe của ông Robert Mugabe được công bố, người dân nước này đã lập tức đổ ra đường ăn mừng. Hiện ông Mugabe và vợ được cho là đang trốn tại nhà riêng, chờ đợi bị xử lý.

Trong thư từ chức, ông Mugabe nói hành động của mình là tự nguyện và đồng ý để có quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ. Thông báo từ chức của Mugabe khiến đề nghị luận tội ông của đảng ZANU-PF trình lên hạ viện Zimbabwe phải dừng lại.

Khi Chủ tịch Quốc hội Zimbabwe Jacob Mudenda đã đọc thư từ chức của Tổng thống Robert Mugabe trước quốc hội, các nghị sĩ Zimbabwe đã đứng dậy và vẫy tay ăn mừng.

Bên ngoài tòa nhà quốc hội, khi tin tức ông Mugabe từ chức lan đi, người dân thủ đô Harare đã cùng nhau đổ ra đường nhảy múa, ca hát. Một số người còn đập nát tranh chân dung của cựu Tổng thống Mugabe và bày tỏ lòng biết ơn với tướng Constantino Chiwenga, người lãnh đạo cuộc đảo chính của quân đội nước này, AFP cho biết.

Người dân thủ đô Harare đổ ra đường ăn mừng - Ảnh: Reuters

Togo Ndhlalambi, thợ hớt tóc 32 tuổi sống tại Harare, chia sẻ: “Chúng tôi hạnh phúc khi cuối cùng thì mọi chuyện đã thay đổi. Chúng tôi thức dậy mỗi sáng chỉ để chờ ngày hôm nay, đất nước này đã trải qua những thời kì khó khăn”.

Theo Tinashe Chakanetsa, một công dân 18 tuổi: “Tôi rất vui mừng khi Mugabe từ chức, một chế độc độc tài 37 năm quả thực không phải chuyện đùa. Tôi hy vọng nước Zimbabwe mới sẽ được cai trị bởi nhiều người chứ không phải chỉ một cá nhân”.

Cô Leah Macharaga, sinh năm 1980, đúng thời điểm ông Mugabe lên nắm quyền, đã tổ chức ăn mừng với bạn bè mình ở một quán bar quận Avenues, cho biết: “Tôi ghét ông ta (ông Mugabe)”.

Tướng Chiwenga, người lãnh đạo cuộc đảo chính của quân đội được người dân ca ngợi - Ảnh: Reuters

Những cuộc ăn mừng kéo dài cả đêm - Ảnh: AP

Trang Daily Mail cho hay phía các tướng lĩnh và quan chức Zimbabwe vẫn chưa đưa ra kế hoạch chi tiết nào về việc xử lý ông Mugabe và bà Grace Mugabe vợ ông. Hiện hai vợ chồng được cho là đang trốn tại tư dinh và chờ đợi bị xử lý.

Cũng theo Daily Mail, hiện có tin đồn cựu Tổng thống 93 tuổi có thể đã được cho rời khỏi đất nước trong đêm 21.11 và sống lưu vong, trong khi bà Grace phải ở lại và bị khởi tố với nhiều tội danh khác nhau.

Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, người dự kiến sẽ giữ chức Tổng thống thay ông Mugabe, được cho là đã về nước và chuẩn bị nhậm chức.

Ông Mugabe và vợ được cho là đang trốn tại nhà riêng, chờ đợi bị xử lý - Ảnh: Getty Images

Sau khi cựu Tổng thống Mugabe tuyên bố từ chức, Đại sứ quán Mỹ tại Zimbabwe đã ra thông báo chúc mừng.

Theo thông báo: “Đêm nay (21.11) đánh dấu một khoảnh khắc lịch sử cho Zimbabwe. Chúng tôi xin chúc mừng tất cả người dân Zimbabwe đã nêu tiếng nói của họ và tuyên bố một cách hòa bình và rõ ràng rằng đã tới lúc thay đổi những thứ hết thời”.

Cũng trong tối ngày 21.11, Thủ tướng Anh Theresa May cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định từ chức của ông Mugabe.

Theo bà May: “Việc ông Robert Mugabe từ chức tạo cơ hội cho Zimbabwe đi theo một hướng đi mới thoát khỏi ách áp bức thời Mugabe nắm quyền”.

Cũng theo bà May, với tư cách là “người bạn lâu đời nhất của Zimbabwe”, Anh sẽ hợp tác với các đối tác quốc tế và khu vực để giúp nước này có tương lai tươi sáng mà Zimbabwe đáng được nhận.

Thủ tướng Anh Theresa May chúc mừng người dân Zimbabwe - Ảnh: Daily Mail

Ông Robert Mugabe, 93 tuổi, tuyên bố từ chức ngày 21.11 sau 37 năm làm tổng thống. Hôm 15.11, quân đội Zimbabwe đã điều lực lượng đến thủ đô Harare, đẩy lui cảnh sát và quản thúc ông Mugabe tại nhà riêng.

Ngày 18.11, hàng nghìn người dân biểu tình kêu gọi ông Mugabe từ chức. Theo đảng cầm quyền ZANU-PF, ông Mugabe khiến kinh tế đất nước "lao dốc chưa từng thấy" trong 15 năm qua và không tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Ông bị cho là có thủ đoạn triệt hạ những đối thủ chính trị quan trọng, trong đó có cả Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, nhằm dọn đường cho vợ ông lên làm Tổng thống.

Cẩm Bình (theo The Guardian, Daily Mail, Daily Nation)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/nguoi-dan-zimbabwe-an-mung-khi-tong-thong-tu-chuc-76486.html