Người dân Việt Nam tin tham nhũng đang giảm trong năm 2019

Trong Báo cáo 'Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019 (VCB - 2019) được Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) công bố mới đây, người dân Việt Nam ngày càng tin rằng tham nhũng đang giảm dần và các nỗ lực PCTN của Đảng và Nhà nước là có hiệu quả hơn.

Tại Hội thảo Công bố báo cáo "Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019 (VCB - 2019), bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc TT cho biết: Trong 10 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến nhiều nỗ lực thay đổi theo chiều hướng tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Từ chỗ được cho là vấn đề nhạy cảm và “khó nói”, “tham nhũng” và “phòng chống tham nhũng” đã trở thành một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của công chúng và được thảo luận sôi nổi, thẳng thắn trên cả nước. Đồng thời, việc xây dựng và thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam cũng đã có những chuyển biến đáng khích lệ.

 Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn,Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch.

Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn,Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch.

Đây là lần thứ tư TT tiến hành khảo sát phong vũ biểu tham nhũng. Các cuộc khảo sát đều được thực hiện theo phương pháp luận của Tổ chức Minh bạch Quốc tế mà có tính khoa học và thực tiễn, được kiểm nghiệm và vận dụng tại 150 quốc gia trên thế giới.

Theo báo cáo của VCB 2019, bên cạnh việc cải tổ, hoàn thiện khung pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Nhà nước đã và đang thực thi nhiều biện pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng, tiêu biểu là đưa ra xét xử một lượng lớn chưa từng các vụ tham nhũng quy mô lớn.

Nhờ có những nỗ lực này, cứ hai người dân được khảo sát năm 2019 thì có một người cho rằng các hoạt động phòng, chống tham nhũng là có hiệu quả, tăng gấp đôi tỷ lệ so với năm 2016.

Kết quả của VCB - 2019 cho thấy, gần 1/5 người nói rằng họ đã đưa hối lộ, giảm đáng kể so với những năm trước. Trong số những người được khảo sát có tiếp xúc với ít nhất một trong số 7 lĩnh vực dịch vụ công được khảo sát trong năm trước đó, khoảng 18% cho biết họ đã đưa hối lộ. Đây là lần đầu tiên khảo sát ghi nhận có sự giảm rõ rệt về trải nghiệm tham nhũng của người dân so với các khảo sát trước đây.

Mặt khác, số lượng người dân tin rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng cũng tăng lên đáng kể sau ba năm (71% năm 2019 so với 55% năm 2016).

Đánh giá về kết quả này, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn cho rằng, người dân Việt Nam ngày càng quan ngại về tham nhũng. Khi được hỏi về những vấn đề quan trọng nhất mà Việt Nam đang đối mặt, một tỷ lệ lớn người tham gia khảo sát (43%) coi tham nhũng là vấn đề quan trọng thứ 4 mà Chính phủ cần giải quyết, sau xóa đói giảm nghèo, an toàn thực phẩm và an ninh/tội phạm. Mối quan ngại về tham nhũng đã tăng từ vị trí số 7 trong báo cáo GCB-2017 lên vị trí thứ 4 trong VCB-2019. Bên cạnh đó, mặc dù tin mình có vai trò trong cuộc chiến chống tham nhũng và sẵn sàng tố cáo tham nhũng nhưng người dân hiếm khi làm vậy trên thực tế.

Hội thảo Công bố báo cáo "Phong vũ biểu tham nhũng Việt Nam 2019 (VCB - 2019). Ảnh DNVN/HuongLan.

Do đó, để những thay đổi này trở thành hiện thực, trong bối cảnh trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sắp diễn ra, Tổ chức Hướng tới Minh bạch đưa ra một số khuyến nghị sau. Cụ thể, đối với Đảng và Nhà nước, TT đề xuất cần tiếp tục tăng cường các biện pháp giảm thiểu nạn hối lộ và các loại hình tham nhũng khác, gia tăng các biện pháp đảm bảo tính liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức thông qua việc thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng 2018; Đưa ra quy định về vận động hành lang (lobby) đối với các công ty lớn và các nhóm lợi ích nhằm tránh tác động không chính đáng vì lợi ích cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế đất nước và lợi ích của người dân.

Đồng thời, Đảng và Nhà nước cũng cần trao quyền cho người dân, các tổ chức xã hội và cơ quan truyền thông bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào phòng, chống tham nhũng; Tăng cường vai trò của phụ nữ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua các biện pháp như hỗ trợ họ tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị và các hoạt động trong khu vực công; Nhận biết và giải quyết các hình thức tham nhũng cụ thể mang tính chất giới, ví dụ như hối lộ tình dục thông qua việc hoàn thiện khung pháp luật để phòng ngừa và xử lý hiệu quả hình thức tham nhũng này.

Trong khi đó, doanh nghiệp cần thúc đẩy và thực hành liêm chính, minh bạch trong kinh doanh nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, tính đến xu hướng người tiêu dùng: 2/3 số người được khảo sát trong VCB-2019 trả lời họ sẵn sàng trả tiền nhiều hơn để mua hàng hóa/dịch vụ của những công ty có uy tín tốt. Người dân có thể tạo sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng bằng cách kiên quyết chấm dứt việc đưa và từ chối đưa hối lộ.

Đông Nghi

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanviet.news/y-kien/nguoi-dan-viet-nam-tin-tham-nhung-dang-giam-trong-nam-2019-6915.html