Người dân Việt Nam luôn tin tưởng và đầu tư vào vàng

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư Việt Nam vẫn tin tưởng vào vàng và đây là kênh đầu tư tiềm năng trong thời gian tới.

Đó là nhận định của ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) và là Giám đốc toàn cầu về Ngân hàng Trung ương của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) tại buổi họp báo trực tuyến về xu hướng nhu cầu tiêu dùng vàng diễn ra mới đây.

Lạm phát khiến nhu cầu về vàng sụt giảm

Theo ông Shaokai Fan, nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) trong quý I/2023 thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường OTC đã nâng tổng nhu cầu vàng lên 1.174 tấn, tăng nhẹ 1% so với quý I/2022.

Các Ngân hàng Trung ương góp phần kích cầu bằng cách bổ sung 228 tấn vào các dự trữ toàn cầu, đạt mức kỷ lục trong dữ liệu thống kê quý I.

Lượng vàng trang sức toàn cầu trong quý I duy trì ở mức ổn định với 478 tấn, trong khi nhu cầu đầu tư toàn cầu vào vàng thỏi và xu vàng đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 302 tấn.

“Do rủi ro hệ thống của nền kinh tế Mỹ, nên tháng 3 đã ghi nhận sự phục hồi vốn đầu tư vào quỹ ETF vàng, từ đó góp phần giảm lượng rút của quý xuống chỉ còn mức khiêm tốn, khoảng 29 tấn” - ông Shaokai Fan cho hay.

Họp báo trực tuyến về xu hướng nhu cầu tiêu dùng vàng của WGC

Họp báo trực tuyến về xu hướng nhu cầu tiêu dùng vàng của WGC

Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ vàng trong quý I/2023 đã giảm 12%, từ 19,6 tấn trong quý I/2022 xuống còn 17,2 tấn. Tương tự, nhu cầu vàng thỏi và xu vàng của người dân cũng có sự suy giảm, từ 14 tấn trong quý I/2022 giảm xuống 10%, còn 12,6 tấn trong quý 1/2023. Nhu cầu trang sức cũng không ngoại lệ, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022, từ 5,6 tấn xuống còn 4,6 tấn trong quý I/2023.

Giải thích cho xu hướng trên, ông Shaokai Fan cho rằng, hiện tượng tăng giá vàng đã ảnh hưởng đến nhu cầu mua vàng trang sức và vàng thỏi tại thị trường Việt Nam. Cùng với đó, sự đi xuống của thị trường bất động sản và quan ngại về lạm phát khiến cho nhu cầu mua vàng giảm theo.

Nhà đầu tư sẽ không “quay lưng” với vàng

Theo ông Shaokai Fan, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư Việt Nam vẫn tin tưởng vào vàng như một biện pháp chống lạm phát. Đồng thời, coi việc đầu tư vào loại tài sản này là cách bảo vệ khỏi những rủi ro…

“Những yếu tố nói trên sẽ tiếp tục thúc đẩy nhà đầu tư Việt Nam chú trọng đến vàng trong thời gian tới” - ông Shaokai Fan nhận định.

Chuyên gia của WGC cũng nhìn nhận, vàng giúp giảm bớt áp lực lạm phát, tuy nhiên hiệu quả của loại tài sản này có thể thay đổi tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của tình hình kinh tế.

“Xuyên suốt lịch sử, vàng thường cho thấy mức biểu hiện tốt nhất trong điều kiện suy thoái cùng lúc hoặc lạm phát vượt trội. Nếu rủi ro tiếp tục gia tăng và tình hình địa chính trị trở nên tồi tệ hơn, các yếu tố này có thể trở thành động lực để các nhà đầu tư ở Việt Nam mua vàng, ngay cả khi giá cao” - ông Shaokai Fan nêu dẫn chứng và đưa ra nhận định.

Khẳng định sức hấp dẫn của vàng nhưng chuyên gia của WGC khuyến nghị, các nhà đầu tư không nên chỉ tập trung vào hiệu suất từng năm của vàng, mà nên cân nhắc tác động của loại tài sản này đến tổng thể danh mục đầu tư. Bởi nếu chỉ tập trung chỉ vào lợi tức hàng năm, nhà đầu tư sẽ không có được cái nhìn toàn diện về vai trò của vàng.

“Các nhà đầu tư nên quan tâm đến mối tương quan giữa vàng và các loại tài sản khác, hay tác động của vàng đến danh mục đầu tư. Ví dụ, trong năm nay, ở Việt Nam chứng kiến sự suy giảm của thị trường chứng khoán, trong khi giá vàng lại tăng cao. Điều này nhấn mạnh giá trị của việc nắm giữ vàng, vì vàng thường không chịu nhiều ảnh hưởng bởi các loại tài sản khác trong danh mục đầu tư” - ông Shaokai Fan khuyến nghị và nêu dẫn chứng.

Người dân Việt Nam luôn tin tưởng và đầu tư vào vàng

Đối với thị trường thế giới, vị chuyên gia này cho rằng, sự gia tăng nguồn dự trữ vàng của các Ngân hàng Trung ương tạo nên ảnh hưởng đáng kể đến thị trường vàng. Động thái này của các Ngân hàng Trung ương cũng được nhìn nhận như tín hiệu cho thị trường vàng.

“Khi một Ngân hàng Trung ương như Trung Quốc hoặc Singapore mua một lượng lớn vàng, các nhà đầu tư sẽ lập tức chú ý đến, bởi điều này có thể là tín hiệu gia tăng rủi ro của thị trường hoặc khẳng định vai trò quan trọng của vàng như một tài sản dự trữ” - vị chuyên gia nói.

Trong thời gian tới, ông Shaokai Fan cho rằng, việc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới dự trữ vàng sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: Thứ nhất, là triển vọng rủi ro, những lo ngại về tình hình địa chính trị góp phần thúc đẩy và hình thành quan điểm của các Ngân hàng Trung ương về vàng.

Thứ hai, việc đa dạng hóa đầu tư cũng là yếu tố quan trọng để các Ngân hàng Trung ương xem xét khi đầu tư vào vàng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các thị trường mới nổi, nơi mức sở hữu vàng của các Ngân hàng Trung ương khá thấp.

“Như Singapore đã thêm gần 70 tấn vàng vào dự trữ, trở thành nước mua vàng nhiều nhất trong số các Ngân hàng Trung ương trong quý I/2023. Tuy nhiên, ngay cả sau giao dịch nay, số lượng vàng chỉ chiếm khoảng 2% tổng dự trữ của Singapore, thấp hơn so với các nước khác trong khu vực và quốc tế. Do đó, vẫn còn nhiều tiềm năng tăng cường dự trữ vàng của các Ngân hàng Trung ương, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi” - ông Shaokai Fan dẫn chứng.

Giám đốc toàn cầu về Ngân hàng Trung ương của WGC cho biết, mặc dù tỉ lệ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, xong đã bắt đầu ổn định ở một số thị trường. Do đó, nhiều Ngân hàng Trung ương đang có ý định tạm dừng tăng lãi suất, thậm chí xem xét giảm lãi suất.

“Động thái này có thể có tác động tích cực đến việc đầu tư vàng. Khi Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất hoặc tạm dừng tăng lãi suất, các nhà đầu tư cá nhân sẽ có động lực mua vàng vì chi phí sở hữu vàng giảm trong một môi trường lãi suất thấp” - ông Shaokai Fan nhận định.

Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-dan-viet-nam-luon-tin-tuong-va-dau-tu-vao-vang-254701.html