Người dân ùn ùn đi tảo mộ ở nghĩa trang 'nhà giàu'

Dù bận trăm công nghìn việc những ngày cuối năm, nhưng bất cứ gia đình nào cũng dành thời gian để tảo mộ, hướng về tổ tiên, cội nguồn...

Người dân nô nức tảo mộ sớm mời tổ tiên về đón Tết cổ truyền. Ảnh: Lê Bảo

Người dân nô nức tảo mộ sớm mời tổ tiên về đón Tết cổ truyền. Ảnh: Lê Bảo

Người dân nô nức tảo mộ sớm

Trong đời sống văn hóa tâm linh, truyền thống của người Việt bao đời luôn hướng về cội nguồn, tổ tiên. Với tục tảo mộ ngày Tết, con cháu trong gia đình, dòng họ sẽ báo cáo những việc đã làm được trong năm cũ, cũng như mong muốn những người thân đã khuất phù hộ, che chở để một năm mới nhiều thuận lợi, sức khỏe. Không chỉ thế, tục tảo mộ ngày Tết cũng hướng con cháu nhớ tới công ơn của các bậc tiền nhân, đồng thời mời "linh hồn" về quây quần đón Tết.

Chỉ còn ít ngày nữa, Tết Nguyên đán Canh tý 2020 sẽ đến và trong dịp này, người dân khắp nơi nô nức đi tảo mộ, tưởng nhớ đến cội nguồn của gia đình, dòng tộc. Những lễ vật người dân thường mang đến phần mộ của gia tộc chủ yếu hoa tươi, cây cảnh, trái cây, bánh chưng, giò chả… đặc trưng cho ngày Tết cổ truyền. Trước khi làm lễ, các thành viên sẽ dọn dẹp, chỉnh trang, sửa sang, sơn mới "nhà" cho ông bà, tổ tiên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mong muốn người thân đã khuất núi sẽ yên nghỉ nơi chín suối được bình yên.

Trao đổi về điều này, ông Vũ Đức Xuyên (trú tại Định Công Hạ, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Năm nào cũng vậy, trước Tết cổ truyền khoảng 10 ngày, chúng tôi đều có mặt tại phần mộ của gia đình để thực hiện nghi lễ tảo mộ, mời tổ tiên về đón Tết cùng con cháu. Tuy gia đình đông con cháu và ai cũng quay cuồng với công việc dịp sát Tết nhưng vẫn cố gắng dành thời gian để hướng về nguồn cội". Ông Xuyên cũng cho biết, trong mỗi dịp tảo mộ Tết, gia đình thường cho những đứa trẻ đi theo để hướng cho các cháu hiểu hơn về phong tục, tập quán cũng như ý nghĩa lớn lao của nghi lễ.

Nói về điều này, anh Nguyễn Xuân Trung (trú tại Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội) cho hay: "Cũng giống như nhiều gia đình khác, năm nào tôi cũng đưa con trai đi tảo mộ cùng gia đình với hi vọng con biết đến phần mộ của ông bà, tổ tiên. Tục tảo mộ có nhiều nghi lễ và với mỗi nghi lễ như: Dọn dẹp, chỉnh trang phần mộ, thắp hương, dâng lễ, hóa vàng, chăm sóc cây hoa… chúng tôi đều nói rõ ý nghĩa để các con hiểu hơn và cũng là cơ hội để con cháu sau này luôn biết trân trọng, nhớ đến người đã khuất".

Không khó để bắt gặp những mái đầu đã bạc, dáng đi lom khom nhưng vẫn rưng rưng khi đứng trước phần mộ của mẹ cha đã khuất núi cách đây hàng chục năm. Bà Dương Thị Ngọc (ở Hà Nội) cho biết: "Tôi thăm lại mộ phần của mẹ chồng nhưng vẫn không thể giữ được niềm xúc động, bởi khi mẹ còn sống, mẹ đã dành cho tôi rất nhiều sự yêu thương. Giờ đứng trước mộ phần, mời bố mẹ về đón Tết cùng con cháu trong gia đình, tôi chỉ cầu mong các cụ phù hộ cho con cháu bình an, sức khỏe".

Dịch vụ tảo mộ online cho "nhà giàu" đắt khách

Lau dọn, sửa sang lại phần mộ là một trong những việc không thể thiếu đối với việc tảo mộ Tết.

Một vài năm trở lại đây, dịch vụ tảo mộ online khá phát triển, giúp những người xa quê vẫn có thể báo hiếu, nhớ đến tổ tiên, ông cha đã khuất núi. Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách có mặt tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) để tảo mộ, nhưng bên cạnh đó cũng có hàng trăm lượt khách đặt dịch vụ… tảo mộ online.

Theo tìm hiểu của PV, dịch vụ này cho phép người có nhu cầu truy cập vào website, sau đó chọn ngày, giờ, lễ vật rồi đặt dịch vụ. Phía đơn vị cung cấp dịch vụ cũng đưa ra nhiều gói sản phẩm như: Bình an, như ý hay phú quý. Mức phí từng lễ vật cũng đa dạng, từ bình dân đến cao cấp; từ mâm cỗ chay đến mâm cỗ mặn; từ ít đến nhiều và đương nhiên khách hàng chỉ cần lựa chọn, nhấn phím và chuyển tiền online. Tất cả phần việc còn lại như dọn dẹp, sắp xếp, thắp hương, hóa vàng… sẽ được các nhân viên thực hiện theo nguyện vọng của gia chủ và có nghiệm thu bằng hình ảnh, video cho khách yên tâm.

Trao đổi về điều này, đại diện Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên cho biết: "Dịch vụ cúng giỗ online, tảo mộ online được triển khai nhiều năm nay và nhận được sự chào đón của đông đảo khách hàng. Thực tế không phải ai cũng có điều kiện đến phần mộ của gia đình trực tiếp những ngày Tết sắp đến do vướng bận công việc, đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài hoặc ở các tỉnh thành xa xôi. Nếu có điều kiện thì người dân nên trực tiếp đến phần mộ của gia tiên dịp cuối năm nhưng đôi khi do các yếu tố bất khả kháng không đến được thì sử dụng dịch vụ tảo mộ online cũng rất ý nghĩa".

Nói về ý nghĩa của việc tảo mộ ngày Tết, Đại đức Thích Trí Thịnh (Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng) cho biết: "Người dân Việt Nam luôn coi trọng chữ hiếu, khắc ghi trong tâm lời dặn "uống nước nhớ nguồn" của các bậc cha ông nên cứ dịp cuối năm các gia đình lại cùng nhau nô nức đi tảo mộ. Tảo mộ là hoạt động dọn dẹp cỏ dại, vun đắp lại những phần mộ, sửa sang, tu bổ cũng như chăm sóc các cây xanh xung quanh phần mộ của người thân quá cố trong gia đình. Không chỉ thế, tảo mộ cũng là dịp để con cháu trong gia đình sum vầy, quây quần và cùng ôn lại những kỷ niệm đã qua, đồng thời mời những người thân đã khuất về đón Tết cùng con cháu".

Chia sẻ về dịch vụ tảo mộ online, Đại đức Thích Trí Thịnh cho rằng: “Đó là dịch vụ để người dân thể hiện trách nhiệm, bổn phận, tưởng nhớ đến nguồn cội đối với những người đã khuất trong gia đình, dòng họ. Dịch vụ này là giải pháp thiết thực đối với thân nhân không có điều kiện chăm sóc phần mộ như: bận đi công tác, học tập làm việc tại nước ngoài… Cá nhân tôi không khuyến khích các gia đình sử dụng dịch vụ này nhiều, trừ trường hợp bất khả kháng bởi người dân trực tiếp có mặt tại phần mộ, được tự tay dọn dẹp, sửa sang và thắp nén hương thành kính mời về đón Tết cùng gia đình là điều tốt nhất”.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoi-dan-un-un-di-tao-mo-o-nghia-trang-nha-giau-20200115190454273.htm