Người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội còn rất ít

Theo số liệu của bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, hiện toàn quốc có 14,08 triệu người tham gia BHXH nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ có 0,23 triệu người.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đó là con số được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khai thác và đề xuất giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tổ chức ngày 6/11 tại TP.HCM.

Mục tiêu của BHXH Việt Nam đến năm 2021 phấn đấu đạt thêm 1% lực lượng lao động (tương đương khoảng 800 hoặc 900.000 người) tham gia BHXH. Thực tế hiện nay có khoảng 700.000 doanh nghiệp với 18 triệu người tham gia đóng thuế nhưng BHXH chỉ mới quản lý được 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 350 doanh nghiệp tham gia đóng BHXH cho người lao động.

Đại diện BHXH Việt Nam nhìn nhận, lâu nay cách triển khai mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc chưa được thực hiện một cách bài bản, chưa đúng cách, chưa quyết liệt, do đó chưa thực sự thu hút được người dân chủ động tham gia.

Đại diện BHXH tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, toàn tỉnh hiện nay có gần 116.000 người tham gia BHXH bắt buộc, 1.615 người tham gia BHXH tự nguyện. Chỉ tiêu đến năm 2021 tỉnh Thừa Thiên – Huế phải đạt 5.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Như vậy, trong 3 năm còn lại số người tham gia BHXH tự nguyện phải đạt được cao gấp 2 lần trong vòng 10 năm đã thực hiện vừa qua. Đây là thách thức không hề nhỏ.

Cũng tại hội nghị, xung quanh những vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đa số các ý kiến đều cho rằng, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là nhiệm vụ quan trọng, cần được ưu tiên hàng đầu.

Những địa phương thực hiện tốt công tác này đều nhận được sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cũng như sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể liên quan. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ đại lý thu, cộng tác viên ở cơ sở đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền, thuyết phục và vận động người dân tham gia.

Điển hình như tỉnh Đồng Tháp, các đối tượng hướng đến là những người trong độ tuổi lao động có thu nhập ổn định. Để mời được họ, bưu điện tỉnh phối hợp lãnh đạo địa phương, gửi giấy mời, nhằm tạo niềm tin cho người dân, sau đó cùng các hội, đoàn đến từng gia đình để tư vấn trước cho họ về tính ưu việt của chính sách. Còn những địa phương có nhiều bà con dân tộc thiểu số thì người đứng ra kêu gọi sẽ là các già làng trưởng bản, có uy tín trong cộng đồng.

Một số đại biểu khác cho rằng, khi tiếp cận người dân để vận động tuyên truyền nên hạn chế việc trích lược văn bản, thông tư, thay vào đó đưa ra những thông tin cho thấy lợi ích, kết quả mà người dân sẽ nhận được.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, trước những khó khăn, tồn tại hiện nay, BHXH tại các địa phương cần phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ chuyên viên BHXH từ trên xuống dưới; đào tạo theo hình thức phát triển như đa cấp nhằm có 1 hệ thống cán bộ, chuyên viên giỏi, linh hoạt trong cách thức truyền đạt, có sức hút truyền thông đến từng khách hàng, từng người dân.

An Nhiên

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nguoi-dan-tu-nguyen-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-con-rat-it-post281045.info