Người dân TP Hồ Chí Minh chống chọi dưới nắng nóng hầm hập

Bịt khẩu trang, mang bao tay, trùm áo dày kín mít mỗi khi ra đường... là những cách mà người dân chống chọi dưới cái nắng nóng hầm hập của tiết trời cuối tháng 3 tại TP Hồ Chí Minh.

Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức ngày 29/3, từ 8 giờ sáng, không khí ngoài trời tại TP Hồ Chí Minh đã khá oi bức, khó chịu. Càng về trưa, cái nóng càng hầm hập, gay gắt hơn và kéo dài cho đến 15 giờ.

“Mặc dù đã trang bị đồ chống nắng, kem chống nắng, bịt kín khắp người khi ra đường nhưng vẫn không ăn thua. Nắng gắt kèm cảm giác oi bức nên rất khó chịu”, chị Nguyễn Quỳnh Ngoan cho hay.

Người dân ra đường luôn bịt kín người để chống nắng.

Người dân ra đường luôn bịt kín người để chống nắng.

Càng về trưa, nắng càng gay gắt, các phương tiện lưu thông trên đường tranh thủ “núp” dưới những bóng cây, gầm cầu… để tránh nắng.

Người lao động dưới trời nắng nóng, oi bức.

Người dân phải bịt kín khi ra đường.

Nằm nghỉ trưa dưới bóng cây, anh Nguyễn Văn Cường (46 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh - lái xe chở hàng) cho biết: “Đi đường nóng lắm. Về đây đỗ xe, nhờ có bóng cây che mát cũng đỡ, không có cây này nằm đây nắng lắm chịu không nổi. Mấy bữa nay nắng nóng quá, ngày mình phải uống ít nhất 2 bình nước".

Anh Nguyễn Văn Cường nằm nghỉ trưa dưới tán cây và thường xuyên uống nước để không bị sốc nhiệt dưới trời nắng nóng.

Ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trong hai ngày 29-30/3, khu vực Nam Bộ chịu ảnh hưởng của rìa phía Nam áp thấp nóng phía Tây có xu hướng phát triển và mở rộng về phía Đông Nam cùng với sự chi phối của áp cao cận nhiệt đới ở các tầng khí quyển trên cao. Do vậy, nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng ở miền Đông, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây với mức độ tăng dần. Nhiệt độ cao nhất ở các điểm nắng nóng sẽ dao động phổ biến từ 36-38 độ C ở Miền Đông và 35-36 độ C ở các tỉnh miền Tây.

Cũng theo ông Quyết, với mức nhiệt trên 36 độ C, đồng thời độ ẩm không khí thấp dưới 40% sẽ có tác động xấu đến con người, cây trồng, vật nuôi, làm say nắng, cảm nắng (nếu ở ngoài trời lâu), làm héo phấn hoa, giảm năng suất đối với một số loài cây trồng.

Một người đàn ông căng võng nghỉ trưa ở trạm xe buýt.

Thời điểm này, cùng với nắng nóng là bức xạ UV cũng cao ở mức 9-10, tác động làm xạm da, bỏng da nếu để da hở lâu ngoài trời. Do vậy, khi ra đường, người dân cần trang bị quần áo, nón, kính chống nắng, uống nhiều nước, không làm việc quá lâu ngoài trời và thời điểm từ 12-15 giờ hàng ngày cần hạn chế ra đường.

Thời điểm nóng nhất trong ngày là từ 12-15 giờ.

Vào giờ cao điểm, bức xạ tia UV cao ở mức 9-10, tác động làm xạm da, bỏng da nếu để da hở lâu ngoài trời.

Dự kiến, sang đầu tháng 4, thời tiết các tỉnh phía Nam và TP Hồ Chí Minh vẫn duy trì nắng nóng diện rộng, các ngày từ 3-6/4 cường độ nắng có thể giảm nhẹ sau đó lại tăng lên. Khoảng giữa tháng 4 có thể có đợt nắng nóng mạnh nhất trong năm, nhiệt độ cao nhất ở Biên Hòa, Đồng Xoài có thể 38-39 độ C, TP Hồ Chí Minh có thể 37-38 độ C.

Tin, ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/anh/nguoi-dan-tp-ho-chi-minh-chong-choi-duoi-nang-nong-ham-hap-20210329150104570.htm